Liên bang Nga là một trong những quốc gia có đầu tư
đáng kể vào Việt Nam, với 106 dự án đầu tư còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng
ký 1,95 tỷ USD, đứng thứ 17/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Như vậy bình quân một dự án của Liên bang Nga tại Việt Nam có số vốn đăng ký 18,5
triệu USD, cao hơn mức trung bình của một dự án FDI tại Việt Nam hiện nay là 14,1
triệu USD.
Các nhà đầu tư Nga đã đầu tư vào 13/21 ngành kinh tế
trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó tập trung vào
lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 35 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký xấp
xỉ 1,13 tỷ USD (chiếm 57,7% vốn đầu tư của Liên bang Nga tại Việt Nam). Ngành
khai khoáng đứng thứ hai, có 7 dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới
581,2 triệu USD (chiếm 29,7% vốn đầu tư của Liên bang Nga tại Việt Nam). Còn lại
là một số ngành khác.
Vốn đầu tư của Nga phân bổ ở 24/63 tỉnh, thành của Việt
Nam (tính cả khu vực dầu khí ngoài khơi). Trong đó, tỉnh Bình Định dẫn đầu nhờ
thu hút được dự án lớn nhất của Nga tại Việt Nam hiện nay. Đó là dự án Công ty
TNHH Bus Industrial Center, tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 1 tỷ USD, cấp phép
ngày 12/4/2013 của nhà đầu tư Tokarev Genadii Invanovich. Dự án hoạt động trong
lĩnh vực xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe bus và dv hỗ trợ khác.
Khu vực dầu khí ngoài khơi thu hút được 6 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 531,2
triệu USD.
Ở chiều ngược
lại, Việt Nam cũng đầu tư khá lớn vào Liên bang Nga, với 18 dự án và vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD. Nga là thị trường đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam trong tổng
số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư.
Để tạo bước đột
phá trong quan hệ đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga, hai phía cần tăng cường một
số biện pháp như:
Tổ chức những
đoàn xúc tiến đầu tư tại Liên bang Nga. Đây là một trong những nỗ lực của Việt
Nam nhằm tăng cường thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư Nga.
Về lâu dài, để
thu hút có hiệu quả đầu tư của Liên bang Nga, cần triển khai các giải pháp đồng
bộ, từ việc hoàn thiện cơ chế pháp lý song phương đến việc cải tiến, nâng cao
hiệu quả chương trình vận động đầu tư của Nga tại Việt Nam.
Hai bên cần
tiến hành rà soát, đánh giá một cách toàn diện quá trình hợp tác đầu tư trong
thời gian qua, nhằm xây dựng một chương trình hành động chung để thúc đẩy hơn
nữa các hoạt động đầu tư trong giai đoạn mới.
Tương tự như
vậy, hai bên cũng cần phối hợp để hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong hoạt
động của các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép và đang hoạt động.
Ngoài ra, cũng cần thành lập tổ công tác liên ngành để thúc đẩy đàm phán, chuẩn
bị một số dự án quan trọng...
Một khía cạnh
khác cũng rất quan trọng là hiện nay, cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở Liên
bang Nga rất lớn và họ có khả năng đầu tư về nước. Cần tiếp tục đẩy mạnh thu
hút đầu tư của cộng đồng này theo hướng tiếp tục tăng cường các ưu đãi khuyến
khích Việt kiều đầu tư về nước, đặc biệt trong các ngành công nghệ thông tin,
giáo dục, y tế, nghiên cứu phát triển, du lịch...; đồng thời, tạo điều kiện
thuận lợi hơn nữa cho việc nhập cảnh, cư trú, đi lại và sinh hoạt của Việt kiều
khi về Việt Nam.