BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 26/12/2024
Tình hình đầu tư các nước
Tình hình đầu tư trực tiếp của Đài Loan vào Việt Nam tính đến tháng 11 năm 2014
Thứ Hai, 01/12/2014 11:33
Tình hình đầu tư trực tiếp của Đài Loan vào Việt Nam tính đến tháng 11 năm 2014

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính riêng 11 tháng đầu năm 2014, Đài Loan có 70 dự án FDI cấp mới và 49 lượt dự án tăng vốn tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm xấp xỉ 869,3 triệu USD. Đài Loan xếp vị trí thứ 5/60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư Đài Loan có mặt tại Việt Nam từ những năm đầu thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1988, nhìn chung các dự án của Đài Loan hoạt động tương đối tốt. Tính lũy kế đến tháng 11/2014, Đài Loan có 2.353 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 28,08 tỷ USD, xếp thứ tư trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, đứng sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và trước British Virgin Islands. Trung bình quy mô đầu tư của Đài Loan ở Việt Nam khoảng 11,9 triệu USD/dự án, nhỏ hơn so với mức trung bình của các dự án nước ngoài tại Việt Nam hiện nay là khoảng 14,3 triệu USD/dự án. Phần lớn đầu tư của Đài Loan ở Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực sản xuất như công nghiệp chế biến, chế tạo.

Phân theo ngành:

Các nhà đầu tư Đài Loan đã đầu tư vào tổng số 18/21 ngành kinh tế theo hệ thống phân ngành của Việt Nam, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.839 dự án, tổng vốn đăng ký xấp xỉ 23,1 tỷ USD (chiếm 82,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam);  tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 25 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,7 tỷ USD (chiếm 6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Còn lại là một số lĩnh vực khác. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 3 có 106 dự án, đạt 1,5 tỷ USD (chiếm 5,4% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam).

Phân theo hình thức đầu tư:

Các dự án của Đài Loan chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 2.080 dự án, tổng vốn đầu tư là 23,83 tỷ USD (chiếm gần 85% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam), còn lại là 15% theo các hình thức liên doanh, công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Phân theo địa phương:

Các dự án đầu tư của Đài Loan phân bổ tại 54/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam (tính cả khu vực dầu khí ngoài khơi), nhưng tương đối tập trung tại tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh...(do các địa phương này có điều kiện thuận lợi về thị trường, các ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung đông doanh nghiệp Đài Loan và người Hoa sinh sống).

Đứng đầu là Hà Tĩnh có 31 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 10,25 tỷ  USD (chiếm 36,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Tỉnh Đồng Nai đứng thứ hai có 329 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 4,6 tỷ USD, (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Còn lại là những địa phương khác.

Một số dự ánlớn nhất của Đài Loan tại Việt Nam:

Đứng đầu là dự án Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, cấp phép ngày 12/6/2008. Tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 9,99 tỷ USD. Dự án do nhà đầu tư là Công ty CPHH CN nhựa Đài Loan, nhựa NamÁ, sợi hóa lọc Đài Loan, hóa dầu Formosa, Sunsco đầu tư tại KCN Vũng Áng. Dự án hoạt động trong lĩnh vực luyện kim, sản xuất mua bán xuất nhập khẩu gang thép, kinh doanh cảng, sản xuất sản phẩm từ xỉ lò, xi măng, sản phẩm ép.

Dự án quy mô lớn thứ hai là dự án Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa, cấp phép ngày 26/12/2001tại KCN Nhơn Trạch 3, tỉnh Đồng Nai. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỷ USD do nhà đầu tư là Công ty Formosa Plastic. Dự án là tổ hợp CN gồm nhà máy se sợi, sợi nguyên liệu, nhà máy điện, nhà máy xử lý nước.

Thứ ba là dự án Công ty cổ phần China Steel Sumikin VN, cấp phép ngày 12/5/2009 tại KCN Mỹ Xuân A2, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Nhà đầu tư của dự án là China Steel Corp, Sumitomo Metals Industries LTD và 1 vài công ty khác. Quy mô dự án trên 1,1 tỷ USD. Dự án hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sắt thép, gang, luyện bột kim loại.

 

Số lượt đọc: 374
Thông báo