BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 27/12/2024
Tình hình đầu tư các nước
Tình hình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và CHLB Đức
Thứ Tư, 19/11/2014 12:27
Tình hình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và CHLB Đức

Tính đến tháng 10 năm 2014 Cộng hoà Liên bang Đức có 239 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,33 tỷ USD. Đức xếp thứ 22 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

I. Thông tin cơ bản:

Tên nước: Cộng hoà Liên bang Đức (Federal Republic of Germany)

Thủ đô: Berlin

Quốc kỳ: 3 sọc ngang đen, đỏ, vàng

Vị trí địa lý: Trung Âu, Đức nằm giữa lòng Châu Âu và được bao bọc bởi 9 nước láng giềng: Pháp, Áo, Thuỵ Sĩ, Séc, Ba Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg. Tổng biên giới dài 3757km.

- Diện tích: 357.021 km2

Khí hậu: vùng khí hậu đại dương/ lục địa ôn hoà với thời tiết thường xuyên thay đổi và chủ yếu là gió Tây. Có các mùa xuân, hạ, thu, đông, rất khác nhau về nhiệt độ và mức độ mưa mù, tuyết sương.

Tài nguyên thiên nhiên: Than ở vùng Ruhr (Ruhrgebiet)

Thu nhập bình quân đầu người: 39.6146 USD (năm 2011)

Đơn vị tiền tệ: Euro

GDP 2011: 3340 tỷ USD (đứng thứ 4 thế giới)

Tăng trưởng kinh tế năm 2011: 3,0%, dự kiến 0,6% năm 2012, 1,8% năm 2013.

Dân số: 82,3 triệu. Khoảng 7,3 triệu người nước ngoài sinh sống ở Đức (8,8% dân số), trong đó có khoảng 100.000 người Việt Nam

Dân tộc: người Đức là chủ yếu. Ngoài ra còn có dân tộc thiểu số Doben sống ở Đông Đức.

Tôn giáo: gần 53 triệu người theo đạo Thiên chúa (26 triệu theo Công giáo, 26 triệu theo Tin lành, 900.000 theo dòng Chính thống), 3,3 triệu theo đạo Hồi, 230.000 theo đạo Phật, 100.000 theo đạo Do Thái, 90.000 theo đạo Hindu.

Ngôn ngữ: tiếng Đức

Ngày Quốc khánh: 3/10 (ngày thống nhất nước Đức)

Cơ cấu hành chính: CHLB Đức là nhà nước liên bang. Liên bang cũng như 16 Bang, trong đó có 3 Bang - thành phố (Berlin, Hamburg, Bremen/Bremehaven) đều có các thẩm quyền riêng. Cấp liên bang có thẩm quyền về các lĩnh vực chính sách đối ngoại, chính sách Châu Âu, quốc phòng, tư pháp, lao động, xã hội, thuế và y tế. Thẩm quyền về các lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, giáo dục phổ thông, đại học cũng như hành chính và cấp địa phương nằm trong tay các Bang. Các thẩm quyền của Liên Bang được giới hạn chủ yếu trong công tác lập pháp và các Bang tham gia vào công tác đó thông qua đại diện của mình ở Hội đồng Liên Bang (Thượng nghị Viện). Bộ máy hành chính các Bang không chỉ có trách nhiệm thực thi các đạo luật của Bang mà của cả Liên Bang.

Lãnh đạo chủ chốt: Tổng thống Joachim Gauck (không đảng phái) Thủ tướng Angela Merkel (CDU); Ngoại trưởng Guido Westerwelle (FDP); Chủ tịch Quốc hội Liên bang Nobert Lammert (CDU).

II. Hợp tác đầu tư

I. Tình hình hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và CHLB Đức

          1. Đầu tư của CHLB Đức vào Việt Nam.

          Tính đến tháng 10 năm 2014 Cộng hoà Liên bang Đức có 239 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,33 tỷ USD. Đức xếp thứ 22 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

a/ Phân theo ngành: Hầu hết các dự án của Cộng hoà Liên bang Đức tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 88 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 626,8 triệu USD, chiếm 36,8% số dự án và 46,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước với 5 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 386,6 triệu USD, chiếm 2,1% về số dự án và 28,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa với 38 dự án và tổng vốn đầu tư 136,9 triệu USD. Tiếp theo là các dự án trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; tài chính ngân hàng; xây dựng; y tế và trợ giúp xã hội...

  b) Phân theo hình thức Đầu tư: Vốn đầu tư của Cộng hoà Liên bang Đức tập trung chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 178 dự án, tổng vốn đầu tư 875,5 triệu USD, chiếm 65,5% tổng vốn đầu tư đăng ký; hình thức liên doanh có 54 dự án với tổng vốn đầu tư 451,4 triệu USD, chiếm 33,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Số còn lại đầu tư theo hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

 c) Phân theo địa bàn đầu tư:

Cộng hoà Liên bang Đức có dự án đầu tư trên 34 tỉnh, thành phố cả nước, nhưng cũng giống như các nước khác, hầu hết các dự án của Cộng hoà Liên bang Đức tập trung ở những thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển. Đứng thứ nhất là TP Hồ Chí Minh với 95 dự án có tổng vốn đầu tư là 235 triệu USD; Ninh Thuận đứng thứ hai với 2 dự án có tổng vốn đầu tư là 156,6 triệu USD; Đồng Nai đứng thứ ba với 7 dự án có tổng vốn đầu tư là 145,6 triệu USD. Tiếp theo là các Đà Nẵng, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu....

  d) Một số dự án tiêu biểu:

  - Dự án Công ty TNHH Schaffler Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, lắp đặt, bảo trì ổ bi với số vốn đăng ký là 116 triệu USD;

  - Dự án Công ty TNHH Amata power xây dựng Nhà máy điện cho Khu công nghiệp Amata vốn đầu tư 110 triệu USD;

  - Dự án Công ty TNHH đầu tư phát triển điện gió Phước Hữu với tổng vốn đầu tư 83 triệu USD;

  - Dự án Công ty TNHH điện gió Mũi Dinh trong lĩnh vực xây dựng nhà máy điện gió, tổng vốn đầu tư là 73,6 triệu USD;

  - Dự án Daimler Chrysler xây dựng nhà máy sản xuất ô tô Mercedes tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư là 70 triệu USD.

  Nhìn chung, các dự án của CHLB Đức đầu tư tại Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, phù hợp với lợi thế CHLB Đức là một trong những nước có nền công nghiệp phát triển mạnh ở Châu Âu.

  2. Đầu tư của Việt Nam sang CHLB Đức.

  Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam có 17 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Cộng hoà Liên bang Đức, với tổng vốn đầu tư hơn 92 triệu USD.

  3. Nhận xét và kiến nghị.

  Việc nâng cao dòng ĐTNN từ Đức cũng như các nước EU vào Việt Nam là một trong những biện pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa của nước ta bởi các nước này chiếm ưu thế trên cả 3 phương diện: công nghệ hiện đại, tiềm năng về vốn, chất lượng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Đặc biệt, Đức là quốc gia sở hữu nhiều công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại trên thế giới.

Việt Nam và CHLB Đức có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác đầu tư:

- Việt Nam và CHLB Đức đã có mối quan hệ Đối tác chiến lược (Tuyên bố chung do Thủ tướng hai nước ký tháng 10/2011);

- Hai nước đã ký kết một số Hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, các Hiệp định hợp tác hàng hải, hàng không...

- Giữa hai nước có đường bay thẳng

- Cộng đồng người Việt tại CHLB Đức khá đông đảo (hơn 100 nghìn người và khoảng 8.000 doanh nghiệp của người Việt Nam), đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ở Đức.

Tuy nhiên, đầu tư của CHLB Đức vào Việt Nam và ngược lại vẫn rất thấp, chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng của cả hai nước. Vì vậy, để tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, cần:

- Khai thác tối đa những lợi ích từ các hiệp định pháp lý về đầu tư song phương đã được ký kết, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Đức trong xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau về chính sách, môi trường đầu tư của hai bên để  đẩy nhanh  dòng vốn đầu tư  vào Việt Nam và ngược lại.

- Về phía Việt Nam, sẽ nỗ lực hỗ trợ các dự án đầu tư của CHLB Đức đã được cấp giấy phép đầu tư hoặc đang đàm phán, chuẩn bị đầu tư bằng cách giải quyết sớm các vướng mắc trong hoạt động của các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép.

- CHLB Đức có thế mạnh đặc biệt về các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch, sản xuất các máy móc hiện đại và có tiềm lực tài chính cũng như năng lực quản lý doanh nghiệp ở trình độ cao. Những thế mạnh này rất phù hợp với chủ trương phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới  (theo hướng hiện đại, phát triển xanh và bền vững). Vì vậy, trong thời gian tới hai Bên cần tăng cường hợp tác ở cấp Chính phủ và tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước cơ hội trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và hợp tác đầu tư song phương.

III. Hợp tác phát triển.

Hợp tác phát triển của CHLB Đức do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển (BMZ) đảm nhiệm là chủ yếu. BMZ ủy quyền cho Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) tham gia thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực Hợp tác Tài chính. Đối với lĩnh vực Hợp tác Kỹ thuật, tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) được ủy quyền thực hiện phần lớn các chương trình, dự án. Tuy nhiên, từ năm 2008, Chính phủ CHLB Đức đã sử dụng hình thức mới trong hợp tác phát triển là các dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thông qua Bộ Môi trường Liên bang Đức.

1. Tình hình chung

Việt Nam được đánh giá là đối tác nghiêm túc trong hợp tác phát triển với CHLB Đức, nhìn chung các dự án thực hiện đều đạt kết quả cao. Trong hợp tác phát triển với Việt Nam, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác (từ năm 2000) bao gồm ba lĩnh vực chính:

- Hỗ trợ cải cách kinh tế và xây dựng nền kinh tế thị trường.  

- Bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, kể cả cấp thoát nước và xử lý nước thải, rác thải.

- Y tế.

Trước năm 2010, lĩnh vực giao thông, đặc biệt là hiện đại hóa ngành đường sắt cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai phía. Kể từ khi nối lại quan hệ hợp tác phát triển với Việt Nam năm 1990 đến nay, Chính phủ Đức đã cam kết cung cấp nguồn vốn  hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính. Hợp tác kỹ thuật được thực hiện dưới hình thức cung cấp viện trợ không hoàn lại cho các dự án. Hợp tác tài chính bao gồm cả hai hình thức viện trợ không hoàn lại (khoảng 40%) và vốn tín dụng ưu đãi (khoảng 60%). Tín dụng ưu đãi của Đức có mức độ ưu đãi cao: Thời gian trả nợ 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn, lãi suất 0,75%/năm.

Tài Kỳ họp đàm phán năm 2013, ngoài các hình thức thực hiện chương trình và dự án song phương truyền thống, Chính phủ Đức cam kết hỗ trợ Việt Nam thông qua một số chương trình hợp tác khác, như vốn không hoàn lại từ Quỹ Năng lượng và Khí hậu (EKF) hoặc các khoản vay phát triển thuộc Chương trình Sáng kiến về khí hậu và bảo vệ môi trường IKLU (điều kiện tài chính sơ bộ: thời gian trả nợ từ 12-15 năm, ân hạn có thể đến 3 năm, lãi suất từ 2,5 - 3%/năm).

* Các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng thông qua Chương trình Sáng kiến về Khí hậu và Bảo vệ môi trường (IKLU) sử dụng vốn vay phát triển (điều kiện tài chính sơ bộ: thời gian trả nợ từ 12-15 năm, ân hạn có thể đến 3 năm, lãi suất từ 2,5 - 3%/năm):

- Dự án “Nhà máy nhiệt điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp Ô Môn 4”: 330 triệu Euro vốn vay phát triển.

- Dự án “Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn”: 100 triệu Euro vốn vay phát triển.

- Dự án “Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện”: 80 triệu Euro vốn vay phát triển

- Dự án “Nhà máy điện gió Phú Lạc”: 35 triệu Euro vốn vay phát triển.

* Một số dự án tiêu biểu:

 - Dự án “Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 thành phố Hồ Chí Minh” do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản:

Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1847/TTg-QHQT ngày 08/10/2009 phê duyệt danh mục dự án. Ngày 08/10/2010, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 7190/VPCP-KTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc việc thay đổi tổng mức đầu tư của dự án. Từ căn cứ đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định số 4474/QĐ-UBND ngày 11/10/2010 và duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 2759/QĐ-UBND ngày 30/5/2013 với các nội dung cơ bản sau:

- Chiều dài tuyến: 11,3 km, đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, TPHCM. Trong đó, đoạn đi ngầm: 9,3 km; đoạn chuyển tiếp: 0,2 km; đoạn đi trên cao: 0,4 km; đoạn kết nối vào khu depot: 1 km.

- Số lượng ga: 10 ga ngầm (có 04 ga trung chuyển) và 01 ga trên cao.

- Depot: diện tích 22,3 ha, bao gồm phần dự phòng cho depot của tuyến 6.

- Đoàn tàu tự hành chạy bằng điện, cấp điện bằng ray thứ 3, giai đoạn 2015 - 2025 gồm 3 toa, sau đó tăng lên 6 toa.

- Hệ thống thông tin: theo công nghệ TETRA.

- Hệ thống bán vé: tương thích với hệ thống của tuyến số 1 và toàn hệ thống các tuyến đường sắt đô thị TPHCM.

- Tổng mức đầu tư (TMĐT): 1.374,5 triệu USD (không bao gồm các hạng mục Nhà ga trung tâm Bến Thành và Công ty Vận hành và Bảo dưỡng (O&M) thuộc các dự án riêng). Trong đó:

Vốn vay của ADB: 540 triệu USD, chiếm 39,3% TMĐT, chi phí cho các hạng mục xây dựng, depot, tư vấn, tài chính và dự phòng phí;

Nguồn vồn của KfW: 240,75 triệu Euro (bao gồm 85,74 triệu Euro viện trợ không hoàn lại và vốn cho vay ODA là 155 triệu Euro), tương đương 313 triệu USD, chiếm 22,8% TMĐT;

Vốn vay của EIB: 150 triệu Euro, tương đương 195 triệu USD, chiếm 14,2% TMĐT;

Vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước: 6.204 tỷ đồng, tương đương 326,5 triệu USD, chiếm 23,7 TMĐT.

- Thời gian thực hiện dự án: Hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018.

Dự án này được Chính phủ Đức coi là “Ngọn hải đăng” nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước không chỉ trong lĩnh vực hợp tác phát triển ODA mà còn trong lĩnh vực hợp tác đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư của hai nước cùng tham gia thực hiện dự án.

- Dự án “Xây dựng trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao” tại Trường Cao đẳng nghề Lilama 2 do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản:

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại công văn số 884/TTg-QHQT ngày 20/6/2013 với các nội dung sau:

- Thời gian thực hiện: 3 năm (2013-2016).

- Mục tiêu: Cung cấp đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, đóng góp vào mục tiêu chung của Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam.

- Các kết quả chính của dự án:

+ Đầu tư đồng bộ các trang thiết bị đào tạo nghề hiện đại để tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế cho 04 lĩnh vực nghề, bao gồm: cơ khí công nghiệp, cắt gọt kim loại, cơ điện tử và điện/điện tử công nghệ.

+ Cải tạo, nâng cấp nhà xưởng của các lĩnh vực nghề đào tạo để phù hợp với việc tiếp nhận, lắp đặt thiết bị và đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Tổng kinh phí thực hiện dự án là 20.090.000 Euro, trong đó:

+ Đóng góp của Chính phủ Đức từ nguồn vốn vay ưu đãi ODA là 13.500.000 Euro.

+ Đóng góp của phía Việt Nam (tự cân đối trong ngân sách hàng năm của Bộ Xây dựng) là 6.590.000 Euro.

Đào tạo nghề là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước trong nhiều năm qua. Kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nghề, đặc biệt là phương pháp đào tạo nghề kép của Chính phủ Đức (kết hợp đào tạo nghề và hợp tác với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động để tạo cơ hội thực hành và công ăn việc làm cho học viên sau khi được đào tạo) đang được chuyển giao công nghệ cho Việt Nam thông qua các dự án ODA. Chính vì vậy, dự án Lilama 2 rất được hai bên coi trọng nhằm nâng hợp tác về đào tạo nghề lên một giai đoạn mới, đó là không còn tập trung đầu tư ở các cơ sở đào tạo nghề nhỏ mà tập trung chuyển giao công nghệ để thành lập các trung tâm đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Tính đến thời điểm này, dự án đang được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.

Số lượt đọc: 391
Thông báo