Riêng trong 10 tháng năm 2014, Bỉ đã đầu tư 4 dự án mới và 1 dự án tăng vốn với
tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 554 triệu USD, đứng thứ 8/56 quốc gia và
vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua Bỉ đã có
1 dự án cấp mới tại Hải phòng với vốn đầu tư là 259 triệu USD (Dự án đầu tư xây
dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng).
Hiện nay, các
nhà đầu tư Bỉ đã đầu tư vào 11/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc
dân, trong đó thu hút được nhiều dự án vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
với 21 dự án và 94 triệu USD (chiếm 39,6% tổng số dự án và 22,7% tổng vốn đầu
tư đăng ký của Bỉ tại Việt Nam). Ngành xây dựng chỉ có 1 dự án đầu tư xây dựng
cơ sở hạ tầng KCN tại Hải Phòng nhưng chiếm 62,4% tổng vốn đầu tư của Bỉ tại
Việt Nam.
Theo hình thức
đầu tư, có 40 dự án của Bỉ đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài với tổng
vốn đầu tư là 149,8 triệu USD (chiếm 75% tổng số dự án và 36% tổng vốn đăng ký
của Bỉ tại Việt Nam). Hình thức liên doanh có 13 dự án với 265 triệu USD vốn
đăng ký (chiếm 24% tổng số dự án và 63% tổng vốn đăng ký của Bỉ tại Việt Nam).
Đến nay, các
nhà đầu tư Bỉ đã có mặt tại 17/63 địa phương của cả nước, tập trung tại các thành
phố và địa phương như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.
Quan hệ kinh tế
song phương giữa Bỉ và Việt Nam đã ngày được tăng cường trong thập kỷ vừa qua.
Kết quả này chủ yếu là nhờ thành tựu kinh tế tốt đẹp của Việt Nam và việc các
doanh nghiệp Bỉ ngày càng chú trọng tới thị trường quốc tế. Hiện nay, Bỉ là đối
tác thương mại Châu Âu lớn thứ sáu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đầu
tư FDI của Bỉ tại Việt Nam còn khá khiêm tốn và chưa có những dự án lớn. Trong
thời gian tới, hai nước cần tạo các cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu các cơ hội
đầu tư của Bỉ tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Bỉ
có nhiều tiềm năng nhất là chế biến nông sản, kết cấu hạ tầng đô thị (xử lý
nước và rác thải), hàng hải (nạo vét), dịch vụ hậu cần và kho vận, và công nghệ
xanh.