BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/11/2024
Tình hình đầu tư các nước
Đầu tư nước ngoài tại Indonesia và các chính sách ưu đãi đầu tư
Thứ Tư, 15/10/2014 03:32
Đầu tư nước ngoài tại Indonesia và các chính sách ưu đãi đầu tư

Dòng vốn FDI vào Indonesia đến từ rất nhiều các quốc gia khác nhau với các nhà đầu tư lớn nhất, theo thứ tự giảm dần là Singapore, Nhật Bản, Luxembourg và Vương quốc Anh.

Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Indonesia

Chính phủ Indonesia nhìn nhận FDI như là một nguồn lực đầy tiềm năng cho phát triển kinh tế cũng như xóa đói giảm nghèo (Ngân hàng Thế giới 2011). Dòng vốn FDI vào Indonesia  thay đổi tương ứng với những thay đổi chính sách, dù đôi khi có những khoảng lặng. Các mức đỉnh trong thu hút FDI được thể hiện trong hình 11 tương ứng với những thời điểm chính sách của Indonesia thực sự thông thoáng trong thu hút FDI: Những năm đầu thập kỷ 1970, những năm giữa thập kỷ 1990 và 5 năm qua.

Những cải cách chính sách quan trọng giữa những năm 1980 đã mang đến một sự thay đổi đột biến của dòng vốn FDI. Indonesia cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản sau Hiệp ước Plaza 1985, đồng Yên tăng giá đã đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra các nước Đông Nam Á. Sau đó, các doanh nghiệp từ các nước công nghiệp mới cũng bắt đầu di chuyển cơ sở sản xuất đến các địa điểm chi phí thấp hơn trong khu vực châu Á. Một lượng lớn các doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu tập trung vào khu vực sản xuất thâm dụng lao động như dệt và may mặc. Những cải cách tiếp theo năm 1994 đã thúc đẩy lượng FDI tăng gấp đôi trong năm 1995. Những nỗ lực đó đã giúp  Indonesia thu hút lượng FDI vượt qua hầu hết các quốc gia châu Á vào năm 1996 và trở thành điểm đến phổ biến nhất thứ tám đối với dòng vốn FDI trong khu vực các quốc gia đang phát triển trong năm đó. Các cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997 và 1998 đã giáng một đòn chí mạng làm sụt giảm dòng vốn FDI vào Indonesia. Kể từ năm 2000, nền kinh tế Indonesia phục hồi tương đối chậm so với các nước châu Á bị ảnh hưởng khủng hoảng khác, đặc biệt là về dòng vốn FDI và xuất khẩu. Với sự ổn định kinh tế vĩ mô và chính trị dần dần phục hồi, niềm tin của nhà đầu tư đã bắt đầu quay trở lại. FDI đã đóng góp 1,9% GDP của Indonesia trong 2010. Tổng vốn đầu tư cộng dồn tính đến năm 2012 lên tới 19,9 tỷ USD.

Trong hầu hết các giai đoạn phục hồi gần đây, dòng vốn FDI đã thiên về các dự án sản xuất tương đối nhỏ nhằm mục tiêu theo đuổi lợi nhuận nhanh chóng, chứ không phải là các dự án lớn và mạo hiểm với thời gian thai nghén tương đối dài như cơ sở hạ tầng và khai thác mỏ, nơi thực sự cần vốn đầu tư. Như thể hiện trong hình 12, khu vực sản xuất đứng đầu danh sách các dự án FDI năm 2011 và đạt 2,3 tỷ USD. Tiếp đến là khu vực giao thông, kho bãi và truyền thông, đạt mức 0,7 tỷ USD. Thương mại bán buôn và bán lẻ, kinh doanh bất động sản và khai thác mỏ và khai thác đá đạt khoảng 0,5 tỷ USD.

Đóng góp của FDI vào tổng nguồn vốn cố định ở Indonesia tương đối nhỏ so với các quốc gia ASEAN khác, nhưng FDI đã tạo ra công ăn việc làm, tăng năng suất và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu. Từ 2006 - 2008, các dự án đầu tư nước ngoài mới đã tạo ra khoảng 645.000 việc làm, chiếm khoảng 7% trong tổng số việc làm tăng thêm của Indonesia. Các dự án FDI chiếm gần một nửa số chỗ làm việc được tạo ra trong sản xuất, mặc dù số việc làm mới được tạo ra trong giai đoạn này tập trung nhiều vào khu vực dịch vụ. Theo OECD (2010), các doanh nghiệp nước ngoài tại Indonesia được đánh giá chung là hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp trong nước. Họ có xu hướng có mức đầu tư cao, mức tiền công cao hơn và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu tốt hơn.

Dòng vốn FDI vào Indonesia đến từ rất nhiều các quốc gia khác nhau với các nhà đầu tư lớn nhất, theo thứ tự giảm dần là Singapore, Nhật Bản, Luxembourg và Vương quốc Anh.

Các chính sách ưu đãi đầu tư

Việc miễn thuế được thực hiện cho các dự án đầu tư lần đầu trong các ngành công nghiệp như: (i) kim loại cơ bản, (ii) lọc dầu và/hoặc hóa chất cơ bản hữu cơ có nguồn gốc từ dầu mỏ và khí tự nhiên, (iii) công nghiệp máy móc; (iv) ngành công nghiệp tài nguyên tái tạo và (v) thiết bị viễn thông

Những ưu đãi này chỉ áp dụng cho các công ty thành lập sau tháng 8/2010. Để hội đủ điều kiện được hưởng ưu đãi, người nộp đơn phải đầu tư tối thiểu 1 nghìn tỷ IDR (khoảng 109 triệu USD) và nộp khoản bảo lãnh tiền gửi với 10% số tiền này trong một ngân hàng ở Indonesia trước khi nộp đơn xin ưu đãi. Nếu đáp ứng yêu cầu, nhà đầu tư sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5 tới 10 năm đầu của quá trình kinh doanh và được hưởng tiếp ưu đãi với mức 50% nghĩa vụ nộp thuế trong hai năm tiếp theo sau khi hết hạn. Thông tư cũng giới thiệu những ưu đãi cho những nhà đầu tư mở rộng kinh doanh trong một khoảng thời gian hoặc một số ngành nào đó trong tương lai.

Các đơn vị mới được thành lập theo Luật Đầu tư có thể được miễn thuế nhập khẩu cho tài sản hoặc các yếu tố đầu vào. Các doanh nghiệp mới phải có giấy chứng nhận miễn thuế do Tổng cục Thuế Indonesia (ITO), nơi các doanh nghiệp mới đăng ký cấp. Miễn thuế sẽ được thực hiện với các sản phẩm được liệt kê trong Danh mục đã được BKPM thông qua. Miễn thuế được áp dụng cho từng năm.

Nghị định số 62/2008 của Indonesia cung cấp gói hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án đầu tư vào 25 lĩnh vực (52 phân ngành) và/hoặc 15 khu vực (77 địa điểm). Các lĩnh vực kinh doanh ưu tiên là các lĩnh vực được nhà nước ưu tiên, đặc biệt là những lĩnh vực có khả năng xuất khẩu. Khu vực được ưu tiên là vùng sâu vùng xa có tiềm năng phát triển kinh tế nhưng có cơ sở hạ tầng cho kinh tế không đầy đủ và nơi giao thông khó khăn. Những khu vực khuyến khích đầu tư bao gồm vùng biển với độ sâu hơn 50 mét dưới đáy biển nơi có trữ lượng khoáng sản bao gồm cả khí tự nhiên.

Các ưu đãi về thuế cho các lĩnh vực và khu vực ưu tiên bao gồm bốn loại:

·     Khấu trừ thêm 5% thuế vốn đầu tư thực hiện (tài sản khấu hao và không khấu hao) mỗi năm, với thời gian ưu đãi lên đến sáu năm; tuy nhiên, khấu trừ này sẽ bị thu hồi nếu tài sản được chuyển giao trong thời gian ưu đãi.

·     Lựa chọn để được giảm trừ thuế lũy tiến ở tỷ lệ gấp 2 lần bình thường

·     Thời gian thực hiện chuyển lỗ cho các mục đích thuế có thể kéo dài đến 10 năm thay vì 5 năm như bình thường

·     Các khấu trừ thuế đối với cổ tức cho các cổ đông không cư trú được giảm xuống còn 10% (hoặc thấp hơn nếu chịu thỏa thuận về tránh đánh thuế hai lần)

Các nhà đầu tư mới, cho dù là nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước, hoặc các nhà đầu tư hiện tại có kế hoạch mở rộng sản xuất từ 30% trở lên, hoặc đang phát triển thêm các sản phẩm mới, sẽ được xét miễn thuế nhập khẩu hàng hóa vốn (máy móc, thiết bị, phụ tùng và phụ trợ thiết bị) trong hai năm; họ cũng được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện cho sản xuất trong hai năm. Tuy nhiên, lĩnh vực lắp ráp ô tô và xe gắn máy (ngoại trừ các bộ phận cấu thành) không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi này.

Các nhà đầu tư sản xuất cho xuất khẩu cũng đủ điều kiện để được giảm thuế, bao gồm hoàn lại tiền thuế nhập khẩu nguyên liệu đã nộp (thường nằm trong khoảng từ 0% đến 150% trên giá trị hải quan hàng hoá nhập khẩu), miễn 10% thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ hàng xa xỉ (từ 10% đến 75%, áp dụng tại thời điểm nhập khẩu hoặc sản xuất) khi mua vật liệu trong nước để sản xuất. Cũng không có hạn chế về nhập khẩu nguyên liệu cho dù nguyên liệu đó có sẵn trong nước.

Các ưu đãi khác bao gồm:

·     Giảm thu nhập chịu thuế lên đến 30% trên vốn đầu tư, được thực hiện trong vòng sáu năm.

·     Khấu hao nhanh

·     Có thể chuyển lỗ giữa các năm trong vòng 5 năm và có thể gia hạn thêm của năm năm (thời gian kéo dài tùy thuộc vào loại hình đầu tư).

·     Thuế thu nhập 10% cổ tức (có thể thấp hơn nếu quy định trong các quy định của điều ước thuế hiện hành).

Indonesia cũng không đánh thuế thuế nhập khẩu và các loại thuế khác cho các sản phẩm được sử dụng trong các Khu thương mại tự do (FTZs) và Khu vực cảng tự do (FPs) nếu họ nằm ngoài phạm vi hải quan của Indonesia. Hàng hoá đưa từ FTZs hoặc FPs đến các địa điểm ở Indonesia được coi là nhập khẩu và được đánh thuế nhập khẩu và các loại thuế thông thường khác. Nghị định cũng cung cấp các khu vực và phạm vi cụ thể, bao gồm cả bản đồ các khu vực FTZs và FPs.


Số lượt đọc: 2358
Thông báo