BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/11/2024
Tình hình đầu tư các nước
Quy trình, thủ tục cấp phép đầu tư nước ngoài tại Indonesia
Thứ Tư, 15/10/2014 03:34

Indonesia áp dụng hệ thống cấp phép hai giai đoạn đối với FDI. Cấp giấy phép đầu tư ban đầu khi nhà đầu tư đăng ký thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án và cấp giấy phép đầu tư chính thức khi doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động.

Theo Luật Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cách để gia nhập thị trường Indonesia.

Văn phòng đại diện. Công ty có thể mở một văn phòng đại diện. Người đại diện có thể là người Indonesia hoặc người nước ngoài. Văn phòng bắt buộc phải có giấy phép của BKPM và có thể thực hiện các chương trình xúc tiến bán hàng, nghiên cứu thị trường và hỗ trợ các đại lý hoặc nhà phân phối địa phương, nhưng không tạo ra doanh thu.

Công ty trách nhiệm hữu hạn. Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư phải thành lập một thực thể công ty được biết đến như một “Penanaman Modal Asing” (PMA) theo quy định của Luật Đầu tư năm 2007. Các thực thể được thực hiện dưới hình thức một Công ty TNHH hay một Perseroan Terbatas (PT), được thành lập tại Indonesia theo yêu cầu của Bộ Luật và Quyền con người (MOLHR). PT có thể thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà đầu tư hoặc với một đối tác địa phương.

Indonesia áp dụng hệ thống cấp phép hai giai đoạn đối với FDI.

Giai đoạn 1: Cấp giấy phép đầu tư ban đầu

Đầu tiên, nhà đầu tư phải chuẩn bị các tài liệu liên quan đến công ty (PT) theo quy định, điền thông tin chi tiết vào mẫu được cung cấp bởi Hiệp hội Công chứng với các điều khoản cụ thể. Khi bản chất của dự án và quy mô đầu tư được xác định, nhà đầu tư phải thực hiện đăng ký với BKPM. Nếu dự án đáp ứng các tiêu chí phê duyệt, giấy chấp thuận cho phép đầu tư ban đầu sẽ được phát hành, cho phép thành lập công ty để bắt đầu cho quá trình đăng ký tư cách pháp nhân với MOLHR và với bộ phận đăng ký doanh nghiệp ở Bộ Thương mại (MOT).

Giai đoạn 2: Cấp giấy phép thành lập chính thức

Sau khi được cho phép đầu tư, công ty cần nộp hồ sơ lên BKPM để xin giấy phép thành lập chính thức (Principle License)  (cho công ty sản xuất) hoặc Giấy phép kinh doanh cố định (cho doanh nghiệp dịch vụ, thương mại). Những giấy phép này sẽ cho phép công ty thực hiện các thủ tục tiếp theo như giấy phép nhập khẩu, xác định vị trí nhà máy sản xuất, giấy phép lao động cho người nước ngoài và giấy phép miễn trừ gây hại (Nuisance Act Permit). Giấy phép thành lập chính thức thường có giá trị trong vòng 5 năm và sẽ được gia hạn. Giấy phép thành lập chính thức chỉ có thể được sử dụng kể từ khi PMA chính thức đi vào hoạt động kinh doanh thương mại hoặc sản xuất

Ngày chính thức bắt đầu đi vào hoạt động thương mại được xác định bằng việc phát hành Izin Usaha Tetap (IUT, hoặc Giấy phép kinh doanh dài hạn  IUT còn hiệu lực có nghĩa là công ty vẫn còn kinh doanh. Trước khi bắt đầu sản xuất thương mại, báo cáo hoạt động hàng quý theo định dạng format chuẩn phải được nộp để BKPM và Ngân hàng Indonesia kiểm tra cùng với những yêu cầu khác, sử dụng để giải ngân tài trợ ngoại tệ đã được phê duyệt trong hồ sơ gửi BKPM. Sau khi ITU được ban hành, nhà đầu tư có trách nhiệm báo cáo 2 lần/năm.

Một khía cạnh quan trọng của quá trình xin giấy phép đầu tư là việc lập và phê duyệt danh sách tổng thể được trình lên BKPM, chi tiết hóa các tài sản, thiết bị, vốn nhập khẩu và nguyên liệu ban đầu cần thiết là đầu vào trong dự án đầu tư đề xuất.

Các mặt hàng nhập khẩu phải phù hợp với dự án được đề xuất. Chỉ các mục được ghi trong danh sách tổng thể đã được phê duyệt thì mới được hưởng những ưu đãi như giảm thuế nhập khẩu và ưu đãi khác được ghi trong Giấy chứng nhận giảm thuế trên thiết bị hoặc vật liệu nhập khẩu.

Điều lệ thành lập công ty cần có sự chấp thuận của MOLHR, trong đó đảm bảo rằng các điều khoản không mâu thuẫn với Luật Công ty, hoặc các luật, quy định và chính sách khác. MOLHR có form mẫu chuẩn về Điều lệ thành lập để đơn giản hóa quy trình trình ký duyệt.

Trên thực tế, như một hướng dẫn chung, BKPM yêu cầu vốn cổ phần thông thường cho một SMEs có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh vào khoảng 100.000 USD. Mặc dù không có quy tắc xác định vốn chính thức ở Indonesia, nhưng như một “quy luật ngón tay cái” được áp dụng chung ở BKPM là 1/3 vốn chủ sở hữu và 2/3 vốn vay. Tỷ lệ này có thể thay đổi tùy thuộc vào bản chất ngành nghề kinh doanh và quy mô đầu tư. Đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thường được dự kiến ​​sẽ có một tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 3:1 hoặc thấp hơn, trong khi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc khai thác mỏ có thể có tỷ lệ 6:1 hoặc cao hơn. Việc mở rộng các cơ sở hiện có sử dụng nguồn lợi nhuận được giữ lại, vốn chủ sở hữu mới hoặc vốn vay cũng đòi hỏi cần có sự chấp thuận của BKPM.

Việc thành lập công ty sẽ chưa được coi là hoàn thành nếu như MOLHR chưa chính thức đăng nhập vào sổ đăng ký công cộng của Tòa án Tư pháp, với thông báo được công bố trên Công báo Nhà nước. Cần đặc biệt quan tâm tới giai đoạn này và đại diện của doanh nghiệp cần tham gia sâu vào quá trình thành lập công ty hoặc phải giao phó cho bên thứ ba đáng tin cậy thực hiện. Điều lệ thành lập có thể được soạn thảo bởi một luật sư hoặc một công chứng viên và một công chứng viên nhà nước sẽ tham dự vào các phê chuẩn cần thiết và đăng ký.

Thủ tục thành lập FDI ở Indonesia


Nguồn: Theo website của BKPM. 

Số lượt đọc: 1467
Thông báo