BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 27/12/2024
Tình hình đầu tư các nước
FDI Nhật vào nông nghiệp: Âm thầm và bền bỉ
Thứ Năm, 27/11/2014 03:16
FDI Nhật vào nông nghiệp: Âm thầm và bền bỉ

Hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp của NĐT Nhật đang được tiến hành trên nhiều địa phương.

Hơn năm nay, cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) được một NĐT Nhật Bản chọn làm nơi thử nghiệm trồng dâu tây. Từ mô hình nhỏ ban đầu, sau khi vườn dâu cho ra quả với chất lượng tốt, NĐT quyết định mở rộng diện tích trồng, rót tiền cho một số hộ dân đầu tư dụng cụ, giống cây và hướng dẫn họ trồng, chăm sóc dâu tây. Bỏ ra số vốn đầu tư lớn để kiểm chứng hiệu quả của dự án trước khi chính thức tiến hành sản xuất thương mại, sự kiên trì của NĐT sẽ được bù đắp khi những lứa dâu tây đầu tiên với chất lượng tốt được trồng tại Việt Nam theo công nghệ Nhật Bản sẽ chính thức xuất hiện trên thị trường vào đầu năm 2015.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, dòng chảy vốn FDI từ Nhật Bản vào lĩnh vực nông nghiệp tuy lặng lẽ song chưa bao giờ đứt mạch. Sự lặng lẽ đó, theo ông Thắng, do sự cẩn trọng của người Nhật trước khi ra quyết định chính thức rót vốn đầu tư. Bởi vậy, thời gian qua số vốn đăng ký và giải ngân vào lĩnh vực nông nghiệp tuy không cao, song thực tế là nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển của NĐT Nhật Bản đang được tiến hành ráo riết trên nhiều địa phương.

Theo phân tích của các chuyên gia, lý do khiến NĐT Nhật Bản chuyển hướng sang Việt Nam là do hai quốc gia có những điều kiện bổ sung lý tưởng cho nhau. Trong khi lực lượng lao động Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 3-4% dân số, lại đa số là người cao tuổi thì Việt Nam có tới 70% dân số sống ở vùng nông thôn. Nhật Bản có công nghệ, kỹ thuật cao song thiếu người làm, Việt Nam lại khắc phục được những nhược điểm này. Nền nông nghiệp của Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% tiêu thụ trong nước và nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản của nước này hiện vẫn rất lớn.

Tuy nhiên, dù ý định đầu tư vào nông nghiệp của NĐT Nhật Bản là có thật và triển vọng rất lạc quan trong thời gian tới, song cũng cần nhìn nhận rằng các dự án này đều được tiến hành tự phát và nhỏ lẻ. Trong nhiều dự án sản phẩm được đầu tư cũng không phải là chủ lực của Việt Nam để có thể sản xuất trên diện rộng. Điều này cũng lý giải tại sao quy mô dự án FDI trong lĩnh vực này thường nhỏ hơn trong các lĩnh vực như công nghiệp và dịch vụ.

Nếu như quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI vào khoảng 14,7 triệu USD thì một dự án FDI nông nghiệp chỉ đạt 6,6 triệu USD. Để nâng cao chất lượng và tạo sức lan toả cho các dự án FDI nông nghiệp thì việc chỉ trông chờ sự xúc tiến của NĐT Nhật Bản sẽ là không đủ.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ quan điểm về việc kêu gọi vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Khương, để tạo sức lan toả cho các dự án nông nghiệp thì các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tham gia bằng việc lập quy hoạch chiến lược phát triển các ngành nghề một cách rõ ràng. Hiện chiến lược chọn ngành, sản phẩm ưu tiên chưa rõ ràng, nên sự xúc tiến của NĐT chủ yếu dựa trên kinh nghiệm sản xuất và phân khúc thị trường nhỏ mà họ bao quát được. Cùng với đó, chính sách đa dạng hóa thị trường và cạnh tranh quốc tế cũng rất hạn chế, chúng ta chưa lựa chọn được phân khúc thị trường trọng điểm, lâu dài, làm hạn chế đầu tư của DN.

Ngoài ra, để hạn chế rủi ro cho NĐT, các chuyên gia khuyến cáo cần tập hợp và tạo ra các DN có tư cách pháp nhân đầy đủ để hợp tác với NĐT nước ngoài. Nếu không sẽ diễn ra tình trạng NĐT hợp tác với các hộ nông dân nhỏ lẻ, thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện các thoả thuận hợp tác trên diện rộng. Điều này có thể khiến NĐT và cả nông dân thua thiệt.

Ngọc Khanh
Theo Thời báo Ngân hàng

Số lượt đọc: 347
Thông báo