BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/11/2024
Tình hình đầu tư các nước
Tình hình đầu tư của Tây Ban Nha tại Việt Nam tính đến tháng 11 năm 2014
Thứ Năm, 27/11/2014 03:24
Tình hình đầu tư của Tây Ban Nha tại Việt Nam tính đến tháng 11 năm 2014

Tính đến tháng 11 năm 2014, Tây Ban Nha đã có 38 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 35,57 triệu USD, xếp thứ 56/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại nước ta. Quy mô vốn bình quân của Tây Ban Nha hiện xấp xỉ 936.000 USD/dự án, thấp hơn so với quy mô vốn bình quân của cả nước là 14,3 triệu USD/dự án.

Tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2014, Tây Ban Nha đã đầu tư 6 dự án cấp mới đạt 5 triệu USD tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 36 trong tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Hiện nay,các nhà đầu tư Tây Ban Nha đã đầu tư vào 6/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 19 dự án và 28,88 triệu USD tổng vốn đầu tư đăng ký (chiếm 50% số dự án và 81,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của Tây Ban Nha tại Việt Nam). Còn lại lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa; xây dựng; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; thông tin truyền thông và vận tải kho bãi.

Hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài dẫn đầu trong số các dự án FDI của Tây Ban Nha tại Việt Nam với 36 dự án và 32,77 triệu USD vốn đầu tư đăng ký (chiếm 94,7% số dự án và 92,1% tổng vốn đầu tư đăng ký). Còn lại 2 dự án liên doanh với 2,79 triệu USD vốn đăng ký.

Đến nay, các nhà đầu tư Tây Ban Nha đã có mặt tại11/63 địa phương của cả nước, tập trung chủ yếu tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, tỉnh Bình Dương dẫn đầu với 6 dự án, đạt 10 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 15,8% số dự án và 28,1% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Dự án lớn nhất của Tây Ban Nha tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại là dự án Công ty TNHH Grupo EA Việt Nam, cấp phép ngày 8/9/2009 tại tỉnh Bình Dương. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,87 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nước uống không cồn.

Về quan hệ chính trị, Việt Nam và Tây Ban Nha đã sớm thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 23/5/1977. Kể từ đó, hai bên đã trao đổi một số đoàn cấp cao nhằm tăng cường tiếp xúc và bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Đặc biệt, trong chuyến thăm Tây Ban Nha của Chủ tịchnước Nguyễn Minh Triết tháng 12/2009, hai bên đã thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược hướng tới tương lai”.

Hai nước đã ký kết một số hiệp định song phương quan trọng như: Hiệp định khung về Hợp tác (tháng 10/2001), Hiệp định tránh đánh thuế trùng (tháng 3/2005), Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư (tháng2/2006)…

Hiện nay, quan hệ kinh tế song phương giữa Tây Ban Nha và Việt Nam đã ngày được tăng cường. Về thương mại, Tây Ban Nha là một trong những nước EU có tốc độ tăng trưởng trao đổi thương mại với nước ta ở mức cao. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Tây Ban Nha bao gồm thủy sản, cafe, dệt may, giày dép…

Tuy nhiên, FDI của Tây Ban Nha vào Việt Nam còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Trong thời gian tới, hai nước cần tạo các cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu các cơ hội đầu tư hai chiều, đặc biệt là trong một số lĩnh vực mũi nhọn của các doanh nghiệp Tây Ban Nha như xây dựng, chế tạo máy, công nghiệp đóng tàu, sản xuất dầu ôliu...

Số lượt đọc: 267
Thông báo