BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 23/11/2024
Tình hình đầu tư các nước
Tình hình hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Bulgaria
Thứ Hai, 18/10/2021 10:39
Tình hình hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Bulgaria

Tính đến 20/09/2021, Bulgaria có 10 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 31,14 triệu USD

1. Tình hình ĐTNN của Bulgaria tại Việt Nam

1.1. ĐTNN của Bulgaria tại Việt Nam lũy kế tới 20/09/2021

Tính đến 20/09/2021, Bulgaria có 10 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 31,14 triệu USD, đứng thứ 68/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 3,1 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung là 11,8 triệu USD/dự án.

Theo lĩnh vực đầu tư: Vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ với 02 dự án và 28 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 90% tổng vốn đầu tư của Bulgaria tại Việt Nam; đứng thứ hai là lĩnh vực thông tin và truyền thông với 3 dự án, tổng vốn đăng ký 1,66 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư của Bulgaria tại Việt Nam; thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 2 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 triệu USD, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư: Đầu tư của Bulgaria đã có đầu tư tại 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Dẫn đầu là tỉnh Thừa Thiên – Huế với 1 dự án, tổng vốn đăng ký 14 triệu USD và tỉnh Lâm Đồng có 1 dự án, tổng vốn đăng ký là 14 triệu USD, đều chiếm 45% tổng vốn đăng ký. Thứ ba là thành phố Hà Nội với 6 dự án, tổng vốn đăng ký 3,08 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đăng ký. Tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

1.2. Một số dự án tiêu biểu

Hai dự án lớn nhất của Bulgaria tại Việt Nam là:

Dự án Nhà máy chế biến cà phê hòa tan, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 09/12/2009, tổng vốn đầu tư đăng ký 14 triệu USD. Đây là dự án 100% vốn nước ngoài tại tỉnh Lâm Đồng.

Dự án Công ty TNHH Dệt kim và may mặc Huế Việt Nam, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 28/03/2008, tổng vốn đầu tư đăng ký 14 triệu USD. Đây là dự án liên doanh tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.

2. Tình hình đầu tư của Việt Nam sang Bulgaria

Tính lũy kế đến tháng 9 năm 2021, các nhà đầu tư Việt Nam chưa có dự án đầu tư sang Bulgaria.

3. Triển vọng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Bulgaria

Cả hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ kinh tế. Trong đó, dựa trên nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, các doanh nghiệp Việt Nam và Bulgaria có thể thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương. Tuy nhiên, tình hình hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Bulgaria chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên. Doanh nghiệp hai nước có thể tận dụng lợi thế của EVFTA mang lại. Hai bên dành ưu đãi cho nhau về mở cửa thị trường, qua đó sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị phần cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm thuộc thế mạnh xuất khẩu của hai nước.Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu sang Bulgaria những mặt hàng tiêu dùng truyền thống như dệt may, da giày, cao su, nông sản (cà phê, gạo, điều, thủy sản...), máy tính, điện thoại... và nhập khẩu từ nước này lúa mì, dầu ăn, hoa quả khô, rượu... Trong khi danh mục các sản phẩm tiêu dùng thế mạnh của cả hai nước còn nhiều, nhu cầu thị trường Việt Nam và Bulgaria vẫn rất tiềm năng, có nhiều dư địa để phát triển hợp tác trong thời gian tới.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, Chính phủ đã và đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác Bulgaria, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường, đầu tư, kinh doanh. Đồng thời cũng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có thực lực, quyết tâm và khát vọng để kết nối đối tác với doanh nghiệp Bulgaria.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 1316
Thông báo