BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 22/11/2024
Tình hình đầu tư các nước
Tổng quan quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc
Thứ Ba, 11/10/2016 02:28
Tổng quan quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc

(MPI) – Báo cáo tại Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Hàn Quốc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và các cơ quan hữu quan hai nước tổ chức ngày 22/9/2016 cho thấy, quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Thương mại

Hàn Quốc có vị trí quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2015, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) với tổng kim ngạch giữa hai nước đạt 36,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 8,9 tỷ USD (bằng 5,5% tổng xuất khẩu của Việt Nam) và nhập khẩu của Việt Nam là 27,6 tỷ USD (bằng 16,7% tổng nhập khẩu của Việt Nam). Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc là điện tử, điện thoại, vải, nguyên liệu, sắt thép, máy móc thiết bị… Xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là sản phẩm dệt may và sợi, thủy sản, dầu thô, phương tiện vận tải, gỗ và sản phẩm từ gỗ…

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã được ký kết tháng 5/2015, chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. Để triển khai thực hiện Hiệp định, hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng và các tiểu ban chức năng về thương mại hàng hóa, hải quan, phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, rào cản kỹ thuật thương mại, di chuyển thể nhân… nhằm rà soát, giám sát và đưa ra các khuyến nghị. Hai phiên họp cấp tiểu ban đã được tổ chức và Kỳ họp thứ nhất Ủy ban hỗn hợp thực thi VKFTA sẽ được tổ chức vào năm 2016.

Vấn đề chính của Việt Nam khi trao đổi thương mại với Hàn Quốc là nhập siêu lớn. Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc luôn cao nhất, các năm 2013, 2014 ở mức 14 tỷ USD và lên tới 18,7 tỷ USD năm 2015. Tuy nhiên, cơ cấu nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là hàng máy móc, thiết bị, nguyên nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và xuất khẩu (gần 90% tổng nhập khẩu từ Hàn Quốc). Tỷ lệ nhập siêu trên tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đã giảm từ 364% năm 2006 xuống còn 201% năm 2015.

Đầu tư – kinh doanh

Đầu tư trực tiếp luôn là điểm sáng trong quan hệ hai nước, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 4 của Hàn Quốc (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông). Tính đến tháng 8/2016, Hàn Quốc có khoảng 5.500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 50 tỷ USD. Quy mô trung bình mỗi dự án FDI của Hàn Quốc là 9 triệu USD, bằng 67% quy mô trung bình các dự án FDI tại Việt Nam (do có nhiều dự án nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ). Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng 700 nghìn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. FDI của Hàn Quốc chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (84% tổng vốn đăng ký); Chuyên môn R&D; Xây dựng; Kinh doanh bất động sản… trong đó đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng mạnh từ năm 2009, từ mức 60% giai đoạn trước lên mức trên 80% hiện nay. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, công nghiệp, công nghệ cao chiếm ưu thế so với các dự án công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động trước đây.

Cùng với sự tham gia của các Tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Doosan, Kumho, Posco, Lotte, GS, Hyosung và các công ty vệ tinh, các dự án FDI từ Hàn Quốc thời gian qua có xu hướng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và đầu tư theo hình thức 100% vốn FDI. Trong đó, doanh nghiệp có gốc Hàn Quốc là đối tác đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo sản phẩm điện tử lớn nhất tại Việt Nam với tổng giá trị lũy kế đạt trên 21 tỷ USD thông qua hơn 150 dự án chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 8 tháng năm 2016, Hàn Quốc tiếp tục là đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam với 789 dự án đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn (517 dự án cấp mới và 272 dự án tăng vốn) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,8 tỷ USD, chiếm 33% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh… là những địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất trong 8 tháng năm 2016.

Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, sự am hiểu thị trường bản địa, nới lỏng điều kiện đầu tư theo cam kết khi gia nhập các tổ chức quốc tế của Việt Nam… doanh nghiệp Hàn Quốc có xu hướng ưu tiên đầu tư theo hình thức 100% vốn FDI (với tỷ lệ trên 90% hiện nay so với dưới 80% giai đoạn trước năm 2005).

Việt Nam hiện có 19 dự án đầu tư sang Hàn Quốc, với tổng số vốn đầu tư là 14,4 triệu USD. Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại (trung bình mỗi dự án có quy mô 758 nghìn USD).

Phát triển cơ sở hạ tầng

Về điện hạt nhân, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhà máy điện hạt nhân tại miền Trung do Hàn Quốc lập đã hoàn tất tháng 4/2015 và được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ tháng 7/2015. Về nhiệt điện, hai bên đang tích cực trao đổi hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc và đẩy mạnh hợp tác đối với các chương trình dự án cụ thể như: Dự án Nam Định 1, Vũng Áng 3, Nghi Sơn 2…

Hợp tác giao thông chính giữa hai nước chủ yếu thông qua các dự án ODA do Hàn Quốc hỗ trợ. ODA Hàn Quốc có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ ở Việt Nam. Hai bên tiếp tục chuẩn bị và thực hiện các dự án xây dựng cầu, đường, đường sắt, đường vành đai, hỗ trợ kỹ thuật… Ngoài kênh viện trợ truyền thống, những sáng kiến mới như hợp tác tài chính cũng xác định giao thông, nhất là đường sắt, là ưu tiên hợp tác giữa hai nước.

Lao động, việc làm

Trên cơ sở thực hiện Bản ghi nhớ về việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), đến nay đã có hơn 54.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.

Sau những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý lao động, giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, ngày 17/5/2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS tại Hà Nội.

Ngoài những lĩnh vực trên, Việt Nam và Hàn Quốc còn có nhiều hoạt động trao đổi, hợp tác trong dạy nghề, an toàn vệ sinh lao động, bình đẳng giới,… Hiệp định bảo hiểm xã hội giữa hai nước đang được tiến hành đàm phán.

Hợp tác phát triển

Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (nhận khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc). Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đang xây dựng Chiến lược đối tác phát triển (CPS) với Việt Nam cho thời kỳ 2016-2020 với dự kiến 70% tổng viện trợ sẽ dành cho 4 lĩnh vực ưu tiên là giao thông, nước và y tế, quản lý nhà nước, giáo dục.

Viện trợ không hoàn lại chủ yếu do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phụ trách. Ngoài ra, viện trợ không hoàn lại được cung cấp cho Việt Nam thông qua các cơ quan Chính phủ Hàn Quốc dùng để hỗ trợ đối tác Việt Nam. Viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc dành cho Việt Nam được ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực: cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, thông tin – truyền thông, khoa học công nghệ và phát triển đô thị.

Từ năm 1991 đến hết năm 2015, KOICA đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 240 triệu USD với mức hỗ trợ tăng dần hằng năm, gần đây trung bình khoảng 30 triệu USD/năm, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường và nâng cao năng lực thể chế. Năm 2015, viện trợ của KOICA cho Việt Nam gần 30 triệu USD với 19 dự án được triển khai cùng nhiều hình thức viện trợ phi dự án khác. Hàn Quốc còn hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực thông qua các khóa đào tạo ngắn và dài hạn; Cử tình nguyện viên sang Việt Nam; Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật qua Đối tác chia sẻ kinh nghiệm phát triển. Ngoài ra, KOICA dành một phần nguồn lực đóng góp cho hợp tác tài chính giữa hai nước, như đang triển khai Nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi Dự án Tuyến Metro số 5, giai đoạn 2 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn 2016-2020, một số lĩnh vực sẽ được ưu tiên: phát triển nông thôn, y tế, hạ tầng (giao thông, đô thị, cấp thoát nước), ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, năng lượng, quản lý nhà nước. Ngoài ra, KOICA sẽ tiếp tục dành một phần nguồn lực đóng góp cho hợp tác tài chính giữa hai nước, trước mắt là hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án đường sắt đô thị và giao thông. Riêng năm 2016, tổng ngân sách viện trợ của KOICA dành cho Việt Nam là 31,5 triệu USD, trong đó 22,4 triệu USD dành cho 24 dự án đang được triển khai.

Ngoài viện trợ do KOICA cung cấp, các cơ quan Chính phủ Hàn Quốc cũng có những chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ trực tiếp đối tác Việt Nam thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nguồn hỗ trợ ngoài KOICA này có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây.

Hàn Quốc đã cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam tương đối sớm thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hàn Quốc do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc quản lý. Vốn vay ODA ưu đãi của Hàn Quốc chủ yếu cho các lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội như công trình giao thông, y tế, cấp thoát nước, đào tạo nghề…

Trước năm 2008, quy mô các khoản vay của Hàn Quốc dành cho Việt Nam còn nhỏ và chưa được đưa vào kế hoạch nhiều năm. Cụ thể, từ năm 1992 tới 2008, Hàn Quốc cho Việt Nam vay 13 dự án tổng trị giá 600 triệu USD. Từ 2008, Hàn Quốc cam kết cho Việt Nam vay ưu đãi thông qua hai hiệp định tín dụng là Hiệp định khung giai đoạn 2008-2011 trị giá 1 tỷ USD và Hiệp định khung giai đoạn 2012-2015 trị giá 1,2 tỷ USD. Đến hết năm 2015, về cơ bản hai bên đã ký kết hiệp định vay hoặc hoàn thành lực chọn, thẩm định các dự án để kết thúc các hiệp định vay giai đoạn 2008-2011 và 2012-2015. Tổng cộng gần 60 dự án trị giá khoảng 2,8 tỷ USD đã được Chính phủ Hàn Quốc ký hiệp định vay hoặc cam kết cung cấp tín dụng cho Việt Nam từ năm 1992 đến hết năm 2015.

Tiến độ giải ngân và thực hiện các dự án vay vốn Hàn Quốc đạt kết quả tốt, chất lượng các dự án do phía Hàn Quốc tài trợ và nhà thầu Hàn Quốc thực hiện về cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Hiện đang có 34 dự án với tổng vốn cam kết 1,7 tỷ USD đang được triển khai thực hiện và đã giải ngân được hơn 0,9 tỷ USD.

Việt Nam và Hàn Quốc đang trao đổi đàm phán chuẩn bị ký kết Hiệp định tín dụng khung cho giai đoạn 2016-2020.

Về hợp tác tài chính, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầu tháng 10/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác tài chính. Theo Biên bản, phía Hàn Quốc có thể cung cấp vốn vay trị giá 12 tỷ USD cho một số lĩnh vực ưu tiên như giao thông đường bộ, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, năng lượng…

Để triển khai thỏa thuận hợp tác tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và các cơ quan hữu quan hai nước đã trao đổi, thành lập Ban Điều phối chung về hợp tác tài chính Việt Nam – Hàn Quốc (đồng chủ trì Ban Điều phối chung là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc).

Ngân hàng – Tài chính

Hàn Quốc hiện có 8 chi nhánh ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam, 1 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 7 văn phòng đại diện ngân hàng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam.

Hai bên có nhiều hoạt động hợp tác về nâng cao năng lực, đào tạo cán bộ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, công nhận lẫn nhau về nghiệp vụ… trong lĩnh vực tài chính, hải quan, thuế. Hiện nay, Bộ Tài chính hai nước đang đàm phán điều chỉnh lại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký kết năm 1994. Hai bên cũng định kỳ đàm phán ký kết các hiệp định vay vốn cho các dự án sử dụng vốn vay ODA do Chính phủ Hàn Quốc cung cấp.

Lĩnh vực khác

Hai nước có nhiều hoạt động hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực nông nghiệp. Về lâm nghiệp, Hàn Quốc đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để phát triển rừng ngập mặn, trồng rừng hữu nghị, bảo tồn sinh học và giống cây trồng. Về thủy lợi, Hàn Quốc đã hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực giảm nhẹ thiên tai, chia sẻ kinh nghiệm phát triển và cấp vốn vay ODA thực hiện Dự án thủy lợi sông Lèn và sông Hoàng Mai. Về trồng trọt – chăn nuôi, hai bên hợp tác ứng dụng công nghệ và nghiên cứu về rau, cây, nấm, quản lý dịch hại… Về thú y và bảo vệ thực vật, hai bên hợp tác nghiên cứu về virus gia cầm, gia súc và mở cửa thị trường trong mối liên hệ với kiểm dịch thực vật. Về xây dựng nông thôn mới, Hàn Quốc đã hỗ trợ xây dựng các mô hình nông thôn mới cho Việt Nam.

Công tác bảo hộ công dân và hợp tác tư pháp, lãnh sự ngày càng phức tạp, khó khăn do số lượng kiều dân, người lao động, cư trú của nước này tại nước kia tăng lên nhanh chóng. Sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán, thiếu hiểu biết pháp luật là những nguyên nhân chính. Việt Nam cần tăng cường phối hợp với Hàn Quốc trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa, nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ quản lý của lực lượng làm công tác quản lý, bảo hộ công dân. Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự nhằm củng cố nền tảng pháp lý trong bảo hộ công dân và tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập tại Hàn Quốc cần được tiếp tục trao đổi tiến tới ký kết với Hàn Quốc.

Về lĩnh vực tư pháp, hai bên có nhiều hoạt động trao đổi đoàn, đào tạo nguồn nhân lực. Hiện hai bên đang đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp dân sự và thương mại. Ngoài ra, việc trao đổi, khảo sát tình hình đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài nên được thực hiện để đề ra biện pháp giải quyết vướng mắc đúng đắn.

Hợp tác trao đổi hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm, kiến thức, đoàn công tác, ký kết bản ghi nhớ trong nhiều lĩnh vực xây dựng được hai bên tích cực triển khai, Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Dự án hỗ trợ kỹ thuật Quy hoạch đô thị xanh do Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại đang được Bộ Xây dựng phối hợp cùng đối tác Hàn Quốc triển khai thực hiện.

Một số lĩnh vực như xây dựng, khoa học công nghệ, tài nguyên – môi trường và thông tin – truyền thông cũng được hai bên tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và trao đổi đoàn công tác các cấp./.

Số lượt đọc: 6810
Thông báo