BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 23/01/2025
Tình hình đầu tư các nước
Việt Nam mong muốn nhiều doanh nghiệp Đức đến đầu tư
Thứ Tư, 28/09/2016 09:36
Việt Nam mong muốn nhiều doanh nghiệp Đức đến đầu tư

Trong chuyến công tác đến Cộng hoà Liên bang Đức từ ngày 22-24/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dành nhiều thời gian để tiếp xúc, gặp gỡ với các quan chức Chính phủ, lãnh đạo một số doanh nghiệp (DN) lớn, qua đó khẳng định Việt Nam mong muốn các DN Đức, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia có quy mô và uy tín lớn trên thị trường đến hợp tác, đầu tư.

Cùng tham gia các hoạt động của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Xây dựng, Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và một số DN lớn hiện đang có các mối quan hệ hợp tác, đầu tư tại đây.

Ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ thân thiện với môi trường

Tại Thủ đô Berlin, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã làm việc với bà Schawarzeluhr Sutter, Quốc vụ khanh Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên, Xây dựng và an toàn hạt nhân, nghị sĩ Quốc hội Đức.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, nước có vai trò quan trọng ở châu Âu và trên thế giới. Thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức (được thiết lập từ tháng 10/2011) đang phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa Quốc hội hai nước cũng rất hiệu quả thông qua các hình thức hợp tác đa dạng, qua đó tạo điều kiện để các cơ quan lập pháp hai nước tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát.

Trong nhiều năm qua, Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 8,91 tỷ USD (tăng 14,2% so với năm 2014); 6 tháng đầu năm 2016 đạt 4,2 tỷ USD. Đức hiện có 268 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,36 tỷ USD, đứng thứ 5 trong EU và thứ 21/115 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Đức tháng 11/2015, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15-20 tỷ USD vào năm 2020 và tăng đầu tư của Đức tại Việt Nam đạt 5 tỷ USD. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng để đạt được mục tiêu này, hai bên cần ủng hộ mạnh mẽ và khuyến khích các DN, nhà đầu tư Đức đón đầu cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia để tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như: Cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, chế biến, năng lượng xanh và tái tạo, công nghệ môi trường…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và bà Schawarzeluhr Sutter, Quốc vụ khanh Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên, Xây dựng và an toàn hạt nhân, nghị sĩ Quốc hội Đức. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Về phần mình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Đức hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng và bà Quốc vụ khanh đã trao đổi sâu nhiều nội dung liên quan đến tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, những thiệt hại mà Việt Nam đang phải gánh chịu như hạn hán ở miền Trung - Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL. Hai bên cũng trao đổi các kế hoạch chi tiết nhằm thực thi chương trình nghị sự 2030 của Hội nghị Paris về môi trường và biến đổi khí hậu. Phía Đức sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với ưu tiên chung của hai nước như năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị phía Đức hỗ trợ Việt Nam hoàn thành thể chế, chính sách; thiết lập các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị phía Đức hỗ trợ Việt Nam về vốn, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam. Phó Thủ tướng và bà Quốc vụ khanh thống nhất sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải; quản lý đất đai; quản lý, bảo đảm chất lượng công trình xây dựng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ làm việc với Nghị sĩ quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức Hans Joachim Fuchtel. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Tạo điều kiện thu hút các DN Đức đến đầu tư

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ cũng đã có cuộc làm việc với Nghị sĩ quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức Hans Joachim Fuchtel.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức. Nhấn mạnh ưu tiên phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Đức - quốc gia rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này - hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển đường cao tốc, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam; phát triển đường sắt tốc độ cao; mở rộng, xây mới các cảng hàng không; nâng cấp hệ thống cảng biển.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Đức hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức cũng đã thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, mở rộng việc cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án đào tạo nghề theo mô hình song hành, năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió…) và môi trường (xử lý rác thải, bảo vệ đường bờ biển…) của Việt Nam; cung cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong đó có sử dụng công nghệ Đức.

Phó Thủ tướng và đại diện các DN của Việt kiều tại Đức. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

DN của người Việt tại Đức là cầu nối đầu tư

Mong muốn thu hút đầu tư từ Đức về Việt Nam cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong cuộc gặp với đại diện cộng đồng DN Việt Nam tại Đức do Đại sứ quán tổ chức.

Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, hiện có khoảng 135.000 người Việt, với 110 hội - đoàn, đang sinh sống, làm ăn tại Đức. Trong số này, nhiều người Việt đã rất thành đạt, trở thành tấm gương tiêu biểu trong xã hội Đức. Đặc biệt, cộng đồng người Việt tại Đức rất đoàn kết, luôn hướng về quê hương, thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ đồng bào trong nước.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đại diện các DN của Việt kiều tại Đức cho biết, tuy có rất nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng việc thu hút đầu tư của các DN Đức vào Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, đề nghị Chính phủ nên có các biện pháp để thu hút được những DN hàng đầu của Đức vào đầu tư. Nếu Việt Nam thu hút được một số tập đoàn, DN lớn của Đức, thì chắc chắn các DN quy mô nhỏ hơn cũng sẽ mở rộng hoạt động của mình bởi họ tin vào hiệu quả, kinh nghiệm của các DN lớn, uy tín.

Đại diện cộng đồng DN cũng kiến nghị với Phó Thủ tướng và Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cho phép thành lập một nhóm tư vấn gồm đại diện các bộ, ngành, Đại sứ quán và một số DN Việt để nghiên cứu các dự án phù hợp với DN Đức, từ đó kêu gọi đầu tư một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các giải pháp khuyến khích DN của Việt kiều ở nước ngoài đầu tư về nước.

Các DN của Việt kiều tại Đức cũng kiến nghị với Chính phủ cần sớm triển khai các giải pháp căn cơ nhằm tích cực, chủ động chuẩn bị cho việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực vào năm 2018.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Tập đoàn Siemens. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Đồng tình với những kiến nghị của cộng đồng DN Việt Nam tại Đức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để sớm giải quyết. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhất trí cao với việc các DN của người Việt tại Đức chủ động, tích cực hơn trong việc làm cầu nối thu hút đầu tư từ Đức nói riêng, châu Âu nói chung về Việt Nam.

Nhắc lại cam kết của Thủ tướng Chính phủ về một Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các DN hoạt động, trong đó có việc mời gọi các DN của người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư. Phó Thủ tướng cũng đề nghị với các doanh nhân nếu gặp khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình xúc tiến đầu tư về nước cứ gọi điện thẳng vào số điện thoại của mình để được giải quyết.

Cuộc gặp gỡ với đại diện cộng đồng DN Việt Nam tại Đức đã kéo dài gấp 3 lần thời gian dự kiến. Sau cuộc gặp, đại diện một số DN Việt kiều cho biết, họ thực sự ấn tượng với cam kết đồng hành cùng DN của Chính phủ. Việc Phó Thủ tướng trực tiếp dành thời gian nghe, giải quyết những kiến nghị của DN ngay tại Berlin đã thể hiện rõ cam kết đó.

Phó Thủ tướng nghe giới thiệu về các công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Tiếp theo các hoạt động tại Thủ đô Berlin, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến thành phố Munich. Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với Tập đoàn Siemens; thăm nhà máy sản xuất khu công nghiệp điện năng tái tạo; khảo sát khu công nghiệp và khu công trình cơ sở hạ tầng năng lượng. Đây đều là những chuyến khảo sát quan trọng, nhằm củng cố những mối quan hệ hợp tác sẵn có, đồng thời tìm hiểu sâu về tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của mỗi bên, cũng như khảo sát những giải pháp công nghệ phù hợp với Việt Nam.

Xuân Tuyến

Số lượt đọc: 2261
Thông báo