BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 22/11/2024
Tình hình đầu tư các nước
Tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc
Thứ Năm, 16/06/2016 09:33
Tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc

Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 4 của Hàn Quốc sau Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông.

1. Về đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam: tính đến cuối tháng 5/2016, Hàn Quốc đã có 5.273 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 49 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư trong tổng số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Quy mô trung bình mỗi dự án FDI của Hàn Quốc chỉ đạt 9,3 triệu USD, thấp hơn quy mô trung bình một dự án FDI tại Việt Nam là 13,8 triệu USD. Doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng 70 vạn lao động và đóng góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam (nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam).

Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 4 của Hàn Quốc sau Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong. Cùng với sự tham gia của các Tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Doosan, Kumho, Posco, Lotte, GS, Hyosungvà các công ty vệ tinh, các dự án FDI từ Hàn Quốc thời gian qua có xu hướng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và đầu tư theo hình thức 100% vốn FDI.

          Trong 5 tháng đầu năm 2016, Hàn Quốc tiếp tục là đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam với 274 dự án cấp mới /150 dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 3,42 tỷ USD. Các dự án FDI của Hàn Quốc chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin truyền thông; kinh doanh bất động sản. Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh  là những tỉnh thu hút nhiều FDI Hàn Quốc nhất trong 5 tháng đầu năm 2016.

          Đầu tư FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam tính lũy kế từ năm 1988 đến tháng 5/2016 như sau:

          a. Phân theo ngành

Hàn Quốc đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó:

1)    Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 3.141 dự án, tổng vốn đầu tư 34 tỷ USD, chiếm 60% số dự án và 69,4% tổng vốn đầu tư đăng ký

2)    Hoạt động kinh doanh bất động sản có 99 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 7,78 tỷ USD, chiếm gần 2% số dự án và 16% tổng vốn đầu tư đăng ký

3)    Lĩnh vực xây dựng với 679 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,7 tỷ USD, chiếm 13% số dự án và 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Còn lại là một số lĩnh vực khác.

b. Phân theo địa phương

Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở 52 địa phương của cả nước theo thứ tự sau:

1) Bắc Ninh với 493 dự án có tổng vốn đăng ký gần 6 tỷ USD, chiếm 9% số dự án và 12,2% tổng vốn đầu tư đăng ký

2) Hà Nội với 1.098 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 5,76 tỷ USD, chiếm 21% số dự án và 11,7% tổng vốn đầu tư đăng ký

3) Đồng Nai với 365 dự án có tổng vốn đăng ký 5,3 tỷ USD, chiếm 7% số dự án và 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Còn lại là một số địa phương khác.

c. Phân theo hình thức đầu tư

Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào hai hình thức chính là 100% vốn nước ngoài (4.715 dự án / 43,6 tỷ USD) chiếm hơn 89% số dự án, 89% tổng vốn đầu tư đăng ký; và liên doanh (525 dự án / 4,75 tỷ USD), chiếm 10% số dự án và 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Còn lại là một số hình thức khác như: hợp đồng BOT, BT, BTO, hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, sự am hiểu thị trường bản địa, nới lỏng điều kiện đầu tư theo cam kết khi gia nhập các Tổ chức quốc tế của Việt Nam ... doanh nghiệp Hàn Quốc có xu hướng ưu tiên đầu tư theo hình thức 100% FDI

2. Về đầu tư của Việt Nam sang Hàn Quốc: tính lũy kế đến tháng 3/2016, Việt Nam hiện có 28 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 11,1 triệu USD, đứng thứ 32/68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại(trung bình mỗi dự án có quy mô khoảng 400.000 USD).

         Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc chính thức ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) vào ngày 05 tháng 5 năm 2015 tại Hà Nội. Hiệp định VKFTA đã chính thức có hiệu lực vào ngày 20/12/2015. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư hướng dẫn liên quan về vấn đề thương mại và thuế quan. Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại nhiều triển vọng cho hai nước, đặc biệt là về hợp tác đầu tư. 

Số lượt đọc: 4150
Thông báo