BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Tình hình đầu tư các nước
Sẽ có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam
Thứ Tư, 23/03/2016 03:40
Sẽ có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam

Đây là nhận định của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI tại tọa đàm xúc tiến đầu tư và du lịch Nhật Bản tại Hà Nội do Đại sứ quán Nhật Bản, VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức sáng 20/3.

Tọa đàm thu hút 30 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực như: Vận tải, Xây dựng, Tái chế, Chế tạo, Chứng khoán, Sản xuất, Truyền hình, Thuốc, Nông sản thực phẩm… tham dự.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá, qua hơn 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt là sau khi hiệp định thương mại giữa hai nước được ký kết từ năm 2009.

Đánh giá tiềm năng, cơ hội dành cho doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư vào Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố cam kết ủng hộ các nhà đầu tư Nhật Bản làm ăn lâu dài tại Thủ đô.“Chính quyền, nhân dân Hà Nội quyết tâm xây dựng môi trường xanh sạch đẹp, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương của người lao động, cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư Nhật Bản” – ông Chung nói.

Công sứ đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai cho biết, hiện Nhật Bản đang xếp thứ 2 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Số dự án được cấp phép chiếm khoảng 30% bao gồm nhiều ngành nghề: Xây dựng, bán lẻ, dịch vụ. Nhiều công trình biểu tượng của Nhật bản ở Việt Nam như Cầu Nhật Tân, Nhà ga Quốc tế Nội Bài. Điều đó chứng tỏ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. “Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam, thúc đẩy sự hợp tác tốt đẹp của hai nước.” – Công sứ đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nói.

Theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang tiến hành cải cách, hội nhập theo chuẩn mực hiện đại, tiên tiến của thế giới. Hà Nội, sau Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiện có một dàn thế hệ lãnh đạo trẻ, năng động, quyết đoán như Bí thư Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung. “Đây sẽ là những nhân tố quyết định làm cho Hà Nội phát triển, đột phá” – TS Lộc nhấn mạnh.

TS Vũ Tiến Lộc cho biết thêm: “Khi TPP có hiệu lực, Nhật Bản sẽ phải sắp xếp lại chiến lược chuỗi giá trị với Việt Nam. Vì lợi ích của mình, các doanh Nhật Bản cần tái cấu trúc đầu tư vào Việt Nam. Chắc chắn sẽ có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam”.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể đón nhận thành công được làn sóng này không còn phụ thuộc vào nội lực và công cuộc cải cách thể chế của Chính phủ và các địa phương… Chủ tịch VCCI cho biết, trong một báo cáo gần đây của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), các doanh nghiệp Nhật Bản đều quyết định sẽ mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Đây là một triển vọng lớn cho Việt Nam.

Ông Lộc cũng thông báo các doanh nghiệp Nhật Bản về tình hình đổi mới của Việt Nam. Ông nhấn mạnh doanh nghiệp Nhật hoàn toàn có thể an tâm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang tiến hành cải cách, lựa chọn những mô hình quản trị tốt nhất tại Việt Nam. Nghị quyết 19 về cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh của chính phủ là một ví dụ.

Việt Nam đang quyết tâm đat được mục tiêu năm 2016 trở thành một trong 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất Asean, tức Asean 4. Mục tiêu xa hơn là trở thành một trong những môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới.

Chủ tịch VCCI cũng đề nghị các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia giúp sức, hỗ trợ Hà Nội xây dựng chương trình thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cũng giới thiệu một số dự án mà Hà Nội thu hút đầu tư. Đồng thời lắng nghe doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất nguyện vọng đầu tư và phát triển du lịch vào Hà Nội.

Số lượt đọc: 1716
Thông báo