BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Tình hình đầu tư các nước
Cơ hội mới thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc
Thứ Tư, 23/12/2015 04:28
Cơ hội mới thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc

Sau 27 năm kể từ dự án FDI đầu tiên và 23 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về tổng số và số dự án đầu tư. Các dự án đầu tư Hàn Quốc nhìn chung hoạt động có hiệu quả, phù hợp với trình độ phát triền kinh tế và khả năng hấp thụ vốn FDI của Việt Nam trong từng thời kỳ. Đồng thời, góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế xã hội các địa phương trong thời gian qua.Hiệp định VKFTA sắp chính thức có hiệu lực sẽ góp phần thúc đẩy làn sóng FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam cả về số lượng lẫn chất lượng.

Tình hình đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam

Sau hơn 27 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam kể từ tháng 10/2014. Đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 43,64 tỷ USD với 4.777 dự án đầu tư còn hiệu lực. Nếu tính cả các dự án của Samsung, Hyosung và một số tập đoàn khác đầu tư qua nước thứ 3 (Singapore, BVI, Thổ Nhĩ Kỳ ...), tổng vốn FDI lũy kế của Hàn Quốc tại Việt Nam có lên tới khoảng 50 tỷ USD, chiếm khoảng 18% tổng vốn FDI vào Việt Nam và có chênh lệch lên đến 11 tỷ USD so với Nhật Bản, đối tác FDI thứ 2 tại Việt Nam.

11/2015, tổng vốn FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt trên 6,39 tỷ USD qua 904 dự án đầu tư cấp mới và tăng vốn,nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt tại 45 địa phương của cả nước. Trong đó, các địa phương như Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng ... là những địa phương nhận được nhiều đầu tư từ Hàn Quốc. Các hình thức đầu tư chủ yếu là 100% vốn nước ngoài.

Tính trong 11/2015, tổng vốn FDI Hàn Quốc chiếm 31,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Nếu tính dự án của Tập đoàn Hyosung (660 triệu USD, đầu tư qua pháp nhân Thổ Nhĩ Kỳ), FDI Hàn Quốc chiếm 34,9% tổng vốn FDI tại Việt Nam, gấp 4,1 lần Nhật Bản; 6,2 lần Đài Loan và 6,8 lần Singapore (nhưng đối tác FDI truyền thống đứng thứ 2,3,4 của Việt Nam).

Theo kết quả khảo sát năm 2015 của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, 49% trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 3% trong 3 năm qua đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015. Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi tạo ra việc làm cho khoảng 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2014.

Khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, các dự án này chủ yếu là các dự án gia công trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như may mặc, sản xuất giày, dép ... Tuy nhiên, thời gian gần đây đã bắt đầu có sự chuyển biến về chất khi xuất nhiều khối doanh nghiệp vệ tinh cho các TNCs Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử...Các Tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam và tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng ...  đóng góp tích cực cho ổn định và phát triển kinh tế như Samsung, Doosan, LG, Posco,CJ, Taekwang, Hyosung, Kumho ...

Quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Hàn Quốc

Quan hệ kinh tế, thương mạigiữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng hơn 57 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992, khi lên 28,8 tỷ USD năm 2014. Năm 2014, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.

          05 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn sang Hàn Quốc trong năm 2014  gồm: Hàng dệt may (đạt 2,14 tỷ USD); Hàng thủy sản (654 triệu USD); Gỗ và sản phẩm gỗ (489 triệu USD); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (395 triệu USD); Điện thoại các loại và linh kiện (334%).

          05mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn từ Hàn Quốc trong năm 2014 bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (5,05 tỷ USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (3,1 tỷ USD); Vải các loại (1,8 tỷ USD); Điện thoại các loại và linh kiện (1,7 tỷ USD); Chất dẻo nguyên liệu (1,2 tỷ USD).Nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là nguyên, nhiên vật liệu phục vụ đầu tư, sản xuất, trong đó có một phần đáng kể phục vụ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam.Tuy vậy, do khác biệt lớn về cơ cấu xuất nhập khẩu nên Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Hàn Quốc, nhất là thời gian gần đây.

          Một trong những đặc điểm lớn trong quan hệ thương mại song phương là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp.

Triển vọng hợp tác song phương sau khi VKFTA có hiệu lực

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được chính thức khởi động tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 06/8/2012. Cùng vớiHiệp định FTA ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) được ký kết vào tháng 6/2006 và có hiệu lực từ tháng 7/2007, Hiệp địnhVKFTA được ký kết ngày 5/5/2015sẽ là văn bản pháp lý toàn diện nhất điều chỉnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.Hiệp định VKFTA dự kiến sẽ mang lại nhiều triển vọng cho hai nước.

Ngoài ra, hai bên đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên70 tỷ USD vào năm 2020 trên cơ sở hai Bên cùng có lợi.

Về kinh tế, thương mại và đầu tư

Tương tự như tham gia WTO hay các FTA khác, việc ký kết Hiệp định VKFTA sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tiến lên bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là lợi ích quan trọng trong dài hạn.

Thứ nhất, lợi ích quan trọng hàng đầu của việc thiết lập FTA với Hàn Quốc là thúc đẩy đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kèm theo nguồn công nghệ, trình độ quản lý và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba. Những năm qua, đặc biệt từ sau khi Hiệp định AKFTA có hiệu lực, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng rõ rệt. Nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc có cơ cấu tương đối tích cực, trong đó, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tới hơn 60% tổng số vốn đầu tư.

Hàn Quốc thuộc nhóm những quốc gia có trình độ công nghệ hàng đầu trên thế giới hiện nay. Do vậy, việc tăng cường thu hút đầu tư của Hàn Quốc trong thời gian tới, với cơ cấu tích cực như trên, cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất của Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cùng với các cam kết trong Chương Đầu tư của Hiệp định VKFTA và việc Việt Nam đã kết thúc đàm phán các Hiệp định FTA thế hệ mới như TPP, EVFTA ... và xu hướng chuyển hướng đầu tư sang các nước Đông Nam Á của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Trung Quốc chắc chắn sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư của Hàn Quốc.

Đây là cơ hội rất thuận lợi để Việt Nam thu hút các dự án FDI có chất lượng từ Hàn Quốc, qua đó sẽ tham gia vững chắc hơn vào chuỗi sản xuất, cung cấp ở phạm vi khu vực và toàn cầu, thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc và kèm theo đó là các nhà cung cấp vệ tinh, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Đây là cơ hội để dành được lợi ích mang tính chiến lược, dài hạn đối với nền kinh tế.

Thứ hai, về cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa của mỗi Bên, phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí... Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang...Theo đó, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Trong khi Việt Nam dành ưu đãi cho Hàn Quốc với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước.

Các lợi ích khác, Hiệp định VKFTA được dự đoán cũng sẽ đem lại những hệ quả xã hội tích cực nhờ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam cũng như cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, nâng cao thu nhập, đặc biệt của nhóm lao động có trình độ thấp và trung bình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.

Bên cạnh các mặt tích cực, thuận lợi, có thể lường trước một số thách thức không nhỏ đối với Việt Nam khi thực thi Hiệp định VKFTA.

Thứ nhất, việc cắt giảm thuế quan với Hàn Quốc sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, trong khi các doanh nghiệp hiện đang phải cạnh tranh với nhiều đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản,... Cam kết cắt giảm thuế quan phần nào làm giảm nguồn thu từ thuế nhập khẩu cho ngân sách Nhà nướcdo khác biệt lớn về cơ cấu xuất nhập khẩu nên dự kiến nhập siêu từ Hàn Quốc tiếp tục gia tăng.

Thứ hai, các cam kết về thủ tục, quy tắc và thể chế tuy không tạo ra nghĩa vụ pháp lý mới nhưng đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải không ngừng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ mới có thể đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong môi trường kinh tế vận hành theo thông lệ quốc tế, và tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, các cơ quan Nhà nước, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải nâng cao nhận thức về tiến trình hội nhập nói chung và việc thực hiện Hiệp định VKFTA nói riêng mới có thể khai thác hiệu quả các lợi ích cũng như hạn chế những tác động bất lợi của Hiệp định.

Một số biện pháp tăng cường thu hút FDI từ Hàn Quốc

Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất, tiềm năng thu hút vốn đầu tư FDI từ Hàn Quốc có nhiều yếu tố thuận lợi trong thời gian tới. Nhng tồn tại, hạn chếliên quan đến thủ tục hành chính, năng lực doanh nghiệp CNHT trong nước, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh là những vấn đề lớn mang tính căn bản mà Việt Nam hiện đang và sẽ phải tiếp tục khắc phục để nâng cao hiệu quả thu hút FDI Hàn Quốc nói riêng và các nước nói chung.

Trong thời gian tới, một số lĩnh vực đầu tư mà các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam là: lĩnh vực công nghiệp điện tử (đi đầu là Samsung, LG cùng các doanh nghiệp vệ tinh); phân phối, bán buôn bán lẻ (Lotte, Shinseghe, E Mart); tài chính - bảo hiểm (Shinha, Woori, KEB, IBK, KB, Hanwha ...); kinh doanh bất động sản (Daewoo, GS,Posco ...); năng lượng (các nhà máy nhiệt điện và điện nguyên tử ở cấp Chính phủ như Kepco, Doosan, Samsung C&T, Taekwang ...); dịch vụ chất lượng cao, du lịch (Lotte ...); lương thực và chế biến thực phẩm (CJ); hàng may mặc (để xuất khẩu đón đầu các hiệp định FTA thế hệ mới, Hyosung, Taekwang, Panko ...); dầu khí - hóa chất (GS, SK, Samsung...); nông nghiệp - trồng trọt (CJ...) ...

Một số cơ quan thuộc Chính phủ Hàn Quốc có chức năng hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp ra nước ngoài mà các Bộ ngành địa phương có thể hợp tác trong quá trình xây dựng kế hoạch XTĐT cũng như xúc tiến, tiếp cận trực tiếp đến các doanh nghiệp Hàn Quốc gồm: Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA); Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI); Hiệp hội thương mại Hàn Quốc (KITA); Liên đoàn kinh tế Hàn Quốc (đại diện các Tập đoàn lớn); Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ) cùng các Tổ chức tài chính, ngân hàng; các công ty luật - tư vấn, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM); Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Busan, KwangJu.

 

Số lượt đọc: 2061
Thông báo