Thông điệp của sự lắng nghe đã được khẳng định qua việc lần thứ hai, Thủ tướng tham dự VBF và là lần thứ ba trong năm đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp cùng nhà đầu tư. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẽ tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới để phát triển nhanh, bền vững hơn.
Và rằng, trong quá trình đó, để tận dụng được các cơ hội và lợi ích do các hiệp định thương mại mang lại, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, qua đó mang đến sự phát triển bền vững hơn trong tương lai cho nền kinh tế Việt Nam.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, Việt Nam đã nỗ lực hết mình trong thời gian qua vì một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Việc Việt Nam được nâng hạng năng lực cạnh tranh quốc gia, theo xếp hạng mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới, hay chuyện Việt Nam được các tổ chức quốc tế nâng định mức tín nhiệm là lời khẳng định cho nỗ lực đó.
Không phải ngẫu nhiên mà giữa tháng 11 vừa qua, Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Cũng không phải tự nhiên, nền kinh tế Việt Nam sẽ về đích năm 2014 với tốc độ tăng trưởng GDP có thể trên 5,9% - nghĩa là không chỉ đạt, mà còn vượt mục tiêu, còn lạm phát được kiềm giữ ở mức dưới 3%. Lạm phát thấp và được kiểm soát tốt, nên Chính phủ thậm chí đã có thể tính tới việc chủ động điều hành để làm sao, lạm phát trong năm tới ở khoảng 5%, tạo thuận lợi cho việc thực thi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% trong năm 2015.
Nỗ lực lớn nên Việt Nam tự tin có thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong hai năm 2014 - 2015. Cũng bởi quyết liệt thực thi nhiều biện pháp nên Việt Nam tự tin nợ công vẫn ở mức an toàn, đảm bảo trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch, bội chi sẽ được kiểm soát ở mức chỉ 5% trong năm tới thay vì là 5,3% trong năm nay. Tương tự, là khả năng giảm nhanh nợ xấu xuống 3% trong năm 2015, đồng thời tập trung thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Nỗ lực của Việt Nam đã được ghi nhận. Nhưng một cách thẳng thắn thì cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhìn thấy nhiều vấn đề Việt Nam cần tiếp tục cải cách liên quan tới cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, hay các chính sách đất đai, đầu tư, thương mại… Thậm chí, dù Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được thông qua, với cách tiếp cận hoàn toàn mới, chuyển từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” về các lĩnh vực cấm đầu tư, song vẫn cần tiếp tục nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh, vẫn cần rút ngắn hơn nữa thủ tục hành chính...
Việc Trưởng nhóm công tác Giáo dục - Đào tạo tại VBF 2014 “trưng” tấm ảnh một luật sư phải khệ nệ mang vác 6 tập tài liệu dày cộp, nặng trịch đến các cơ quan công quyền chỉ để xin phép được tiếp tục thực hiện dịch vụ mà mình đang kinh doanh có lẽ là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.
Hoàn toàn có lý khi cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư không ngừng lên tiếng về những phiền toái, những vướng mắc mà họ gặp phải trong quá trình sản xuất - kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Thủ tục thuế, hải quan… rõ ràng là còn vấn đề và đó đang là một rào cản cho sự phát triển nếu không sớm được cải cách. Các quy định liên quan đến hoạt động của thị trường vốn hay ngân hàng… cũng còn chưa thực sự thông thoáng…
Để tất cả cùng thắng, không có cách nào khác, cả cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam đều phải nỗ lực cho một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và thông thoáng hơn, cho các kế hoạch kinh doanh và đầu tư thành công, cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai của Việt Nam.
Thông điệp tiếp tục cải cách đã được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam phát đi. Thiện chí của cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng đã được ghi nhận. Phần còn lại là khâu thực thi, để thông điệp trở thành hành động, để nỗ lực trở thành hiệu quả trên thực tế và để tất cả cùng thắng./.
Nguyên Đức