Với tư cách là một doanh nhân (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương), tâm trạng của ông thế nào khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)?
Có thể nói, 2 luật này là sản phẩm của sự đổi mới toàn diện và đột phá về thể chế, mở ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo cú huých cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Tôi tin rằng, hai luật này tạo ra hành lang pháp lý và môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh nhiều hơn nữa, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho nền kinh tế.
Ông mong muốn Chính phủ hướng dẫn những nội dung cơ bản nào để luật đi vào cuộc sống không bị vướng mắc?
Luật Đầu tư (sửa đổi) ưu đãi đối với sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm tiết kiệm năng lượng... là hợp lý. Nhưng theo tôi, khi ban hành văn bản hướng dẫn, nên bổ sung quy định ngành nghề ưu đãi đầu tư còn bao gồm cả năng lượng tái tạo.
Hiện tại, dự án điện gió, điện sinh khối đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, mặt bằng, tiền sử dụng đất... bằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Để triển khai Luật Đầu tư không bị vướng, tôi nghĩ cần phải đưa năng lượng tái tạo vào văn bản hướng dẫn ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư dưới dạng nghị định.
Về quy định liên quan đến vốn đầu tư trong Luật Đầu tư (sửa đổi), quan điểm của ông ra sao?
Vốn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư (sửa đổi) là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh. Khái niệm này hoàn toàn đúng, nhưng khi hướng dẫn cần phải nói rõ vốn điều lệ và vốn đầu tư. Hiện nay, nhiều cơ quan cấp phép đầu tư đánh đồng 2 khái niệm này, hệ quả là nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn bị tắc nghẽn.
Cụ thể, theo quy định, chủ sở hữu phải góp đủ vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nhưng đối với những dự án có vốn đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, đầu tư lâu dài, yêu cầu này là không hợp lý. Bởi vì, nhà đầu tư rất khó huy động đủ vốn ngay một lúc, thậm chí nếu được ngân hàng cho vay vốn cũng không thể có đủ vốn ngay một lúc, do ngân hàng giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án.
Vì vậy, theo tôi, trong các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư (sửa đổi), cần phải giải thích rõ theo nguyên tắc vốn điều lệ phải góp đủ trong thời gian 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; sau khi góp đủ vốn điều lệ, nhà đầu tư tiến hành triển khai dự án, góp vốn đầu tư tùy theo tiến độ của dự án.
Với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ông có đề nghị gì không?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử. Nếu không có hướng dẫn cụ thể thì cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là một trong hai hình thức này. Trong trường hợp chỉ cấp giấy chứng nhận là văn bản điện tử, khi doanh nghiệp làm các thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền, đối tác, khách hàng mà bị đòi giấy chứng nhận là bản giấy, thì lại phải đi xin cấp bản sao, bản trích lục nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, trong hướng dẫn, nên quy định cơ quan đăng ký kinh doanh có thể cấp giấy đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy, bản điện tử hoặc cả bản giấy lẫn bản điện tử theo đề nghị của doanh nghiệp. Việc này không hề phát sinh chi phí cho cơ quan quản lý nhà nước, nhưng giảm rất nhiều thời gian, công sức, chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.