BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 28/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Kéo vốn tư nhân Hàn Quốc vào nông nghiệp Việt Nam
Thứ Tư, 12/11/2014 10:48
Kéo vốn tư nhân Hàn Quốc vào nông nghiệp Việt Nam

(Baodautu.vn) Cùng với việc ký kết dự án PPP với Đồng Tháp, Tập đoàn KRC (Hàn Quốc) cam kết lôi kéo các doanh nghiệp (DN) tư nhân Hàn Quốc đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam.

PPP dẫn đường        

Như Báo Đầu tư đã đưa tin, mới đây, Tập đoàn phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) và UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký thỏa thuận hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cũng phải nói thêm, mặc dù Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, song đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lại rất ít. Chính vì vậy, dự án PPP trên được đặc biệt quan tâm.

Tuy KRC là một DN nhà nước của Hàn Quốc, được Chính phủ Hàn Quốc sử dụng để cấp viện trợ quốc tế, nhưng đằng sau KRC là một loạt DN tư nhân của Hàn Quốc muốn rót vốn đầu tư nông nghiệp.

Theo thỏa thuận, với dự án này, KRC chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc và các quỹ đa phương để cung cấp toàn bộ thiết bị, cơ giới hóa toàn bộ 20.000 ha đất lúa tại Đồng Tháp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lee Bong Hoon, Phó chủ tịch Tập đoàn KRC nhận xét: “Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện còn kém phát triển, giống như Hàn Quốc những năm 1970. Khi đó, Hàn Quốc đã đi vào cơ giới hóa nông nghiệp và đến nay, sau 30 năm, ngành nông nghiệp Hàn Quốc đã rất phát triển. Tôi hy vọng, dự án PPP này được triển khai sẽ giúp cơ giới hóa ngành trồng lúa ở Đồng Tháp, nâng cao thu nhập của người dân và được nhân rộng tại Việt Nam”.

Cũng theo ông Lee Bong Hoon, sở dĩ KRC lựa chọn Đồng Tháp làm nơi ký kết dự án PPP là vì Đồng Tháp có con người và quỹ đất đủ rộng phù hợp với trang thiết bị mà KRC muốn đưa vào. Với những kinh nghiệm của mình, cộng với sự hỗ trợ về vốn và trang thiết bị, KRC kỳ vọng sẽ áp dụng thành công mô hình của Hàn Quốc vào Việt Nam.

“Một khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng, KRC sẽ lôi kéo các DN tư nhân Hàn Quốc đầu tư sang Việt Nam, tạo thành một cộng đồng, một chuỗi sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam”, ông Lee Bong Hoon nói.

Nhận định về dự án PPP này của Hàn Quốc, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) – đơn vị từng “môi giới” cho rất nhiều DN nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam khẳng định: “Mặc dù dự án PPP mà KRC ký kết với Đồng Tháp là một dạng viện trợ ODA của Hàn Quốc với Việt Nam. Tuy nhiên, điều đặc biệt là dự án này sau khi tạo lập cơ sở hạ tầng sẽ mở đường cho các DN tư nhân của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực như: bán máy móc, phân bón, thuốc, vật tư nông nghiệp, DN chế biến, DN tiêu thụ sản phẩm… đổ bộ vào Việt Nam”, TS. Đặng Kim Sơn nói.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, cách làm của Hàn Quốc là lấy vốn công mở đường cho vốn tư, lấy DN trong nước để hướng ra nước ngoài. Đây là cách làm rất hay và rất có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam phải “bắt” được, tận dụng được cách làm đó.

Không khó gọi FDI vào nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, với dự án PPP ký kết với KRC, tỉnh đã lựa chọn khu vực dự án thích hợp nhất tại tỉnh Đồng Tháp với tổng diện tích hợn 20.000 ha để triển khai. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ nghiên cứu các hỗ trợ pháp lý và thể chế cho thực hiện dự án đối với khu vực tư nhân bao gồm KRC và các công ty tư nhân khác.

Ông Hùng cho biết thêm, dù có tới 50.000 ha đất trồng lúa, sản lượng 3,5 triệu tấn/năm, song ngành lúa gạo Đồng Tháp đang gặp khó khăn vì mặt bằng đồng ruộng chưa đồng đều, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển bền vững và nâng cao thu nhập của nông dân.

“Vì vậy, sự hỗ trợ của KRC đối với Đồng Tháp về kỹ thuật và nguồn vốn để cải tạo đồng ruộng, thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất là rất cần thiết”, ông Hùng nói.

Đặc biệt, theo ông Hùng, tỉnh đã đưa ra một loạt đột phá về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư tư nhân, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, để tận dụng hiệu quả do dự án PPP mang lại, Đồng Tháp cần có sự chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là làm việc với người dân, quy hoạch lại đất đai, chuẩn bị quỹ đất.

Tiếp đó, khi DN Hàn Quốc quyết định đầu tư sang Việt Nam thì cần tạo thủ tục thông thoáng cho họ. Bên cạnh đó, không loại trừ phải bỏ một phần vốn đầu tư công để tạo niềm tin cho DN.

Từ câu chuyện của KRC, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, việc gọi vốn FDI vào ngành nông nghiệp là không khó, nếu các địa phương biết tìm ra được thế mạnh của mình và lên được phương án tái cơ cấu khả thi để kêu gọi vốn.

“Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên đưa ra đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo - thế mạnh của Đồng Tháp và ngay lập tức được đối tác Hàn Quốc hết sức quan tâm. Tôi cho rằng, những tỉnh nào có quyết tâm cao, chuẩn bị tốt đề án tái cơ cấu, phối hợp tốt với nông dân và với quốc tế thì sẽ không khó để gọi vốn đầu tư và nhất định sẽ thành công”, TS. Đặng Kim Sơn nói.

Ngoài Đồng Tháp, Vĩnh Phúc cũng đã làm rất tốt việc tái cơ cấu và đang trở thành “bến đỗ” của rất nhiều DN FDI nông nghiệp.

Số lượt đọc: 543
Thông báo