Theo tiến sỹ Hans-Dieter, Tổng Lãnh sự Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, với mong muốn phát triển quan hệ hợp tác bền vững trên mọi lĩnh vực, các đoàn đại biểu, doanh nghiệp Đức sang Việt Nam luôn kỳ vọng được chia sẻ những kinh nghiệm, xu hướng mới của thế giới để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước.
Trong thời gian tới, Việt Nam và Đức sẽ tiến đến kỷ niệm 3 năm ký kết Hiệp định đối tác chiến lược, đây là thời cơ thuận lợi để hai nước thúc đẩy những chương trình hợp tác đa lĩnh vực, mang tính chiều sâu; trong đó Đức cũng như EU luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về vật chất lẫn kinh nghiệm để phát triển đất nước theo hướng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng quan điểm, ông Phùng Công Dũng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam và Đức có mối quan hệ hợp tác lâu đời, Đức là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu.
Trong những năm gần đây, Việt Nam và Đức ngày càng phát triển mối quan hệ đoàn kết, tăng cường các chương trình hợp tác ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa…
Tọa đàm lần này là một trong những hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia, mang lại cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cho các cán bộ, tổ chức nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Đức.
Tính 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đức đạt hơn 4,95 tỷ USD, đóng góp gần 2,6% vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước
Trong số đó Việt Nam xuất khẩu sang Đức gần 3,32 tỷ USD (chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước) và nhập khẩu từ Đức là 1,63 tỷ USD (chiếm 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước). Qua đó cho thấy, Việt Nam đã xuất siêu sang Đức đạt 1,69 tỷ USD, góp phần nâng cán cân thương mại cả nước đạt mức kỷ lục hơn 3 tỷ USD.
Tại tọa đàm, ông Wolfgang Tiefensee, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Kinh tế và Năng lượng Đức cho rằng: Các quốc gia trên thế giới ngày càng có mối quan hệ gần gũi, gắn kết với nhau nhờ vào những Hiệp định Thương mại tự do, nhưng để đi đến ký kết hiệp định này, nhiều nước phải vượt qua thách thức về thỏa thuận các vấn đề: thuế quan, thủ tục hành chính, hệ thống pháp lý…
Mặt khác việc hài hòa lợi ích các bên tham gia Hiệp định thương mại tự do, hướng đến sự cạnh tranh bình đẳng trên những thỏa thuận chung là thách thức đáng kể đối với nhiều quốc gia hiện nay.
Theo đánh giá của ông Wolfgang Tiefensee, Việt Nam có triển vọng phát triển tốt trong tương lai, kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh, năng lực cạnh tranh đang được cải thiện theo xu hướng tích cực trên thị quốc tế…
Hiện nay Việt Nam cũng đang nỗ lực mở cửa, đặc biệt là các mối quan hệ với ASEAN, Mỹ, EU… cho thấy Việt Nam tham gia năng động vào sự phát triển của các nước trong khu vực và thế giới. Trong đó mục tiêu đến giữa năm 2015, mối quan hệ hợp tác của Việt Nam và EU sẽ được nâng lên tầm cao mới và Hiệp định Thương mại tự do giữa hai bên được ký kết trong thời gian tới sẽ là đòn bẩy góp phần hoàn thành mục tiêu này./.