BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 28/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Khái niệm công nghiệp phụ trợ còn tranh luận
Thứ Ba, 18/11/2014 01:56
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Khái niệm công nghiệp phụ trợ còn tranh luận

"Thế nào là CNPT cũng còn đang tranh luận rất nhiều. Phụ trợ có nghĩa là có một cái chính. Chính mà có phụ. Cái nào là chính, cái nào là phụ, phục vụ cho cái chính đó"

Làm rõ hơn các nội dung liên quan đến phát triển công nghiệp phụ trợ (CNPT), sáng nay (18/11), theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có phát biểu giải trình thêm.

Theo quan điểm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, phát triển CNPT chính là phát triển DN vừa và nhỏ hay nói cách khác là khối DN tư nhân của Việt Nam. Nếu trong chính sách CNPT không đề cập mảng này sẽ làm sai lệch.

“Chúng ta đang loay hoay trong việc chọn ngành nào, mặt hàng nào” – Bộ trưởng nói.

Phát triển CNPT, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam cần có một lực lượng DN vừa và nhỏ mạnh, trong đó, thực chất là DN tư nhân. Vì DNNN thực chất cũng sẽ dần cổ phần hóa để giữ những cái then chốt trong nền kinh tế, còn lại phải chuyển cho DN tư nhân làm. Nếu DN tư nhân được phát triển một cách mạnh mẽ hơn ở Việt Nam thì không chỉ tạo động lực lớn hơn cho đất nước, tạo nhiều công ăn việc làm mà còn tạo ra một chuỗi giá trị gia tăng lớn hơn phục vụ cho sản phẩm công nghiệp chính, những công nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng này.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Không phải chúng ta chỉ nhập nguyên liệu về lắp ráp, gia công. Đây là vấn đề chúng ta rất trăn trở và chúng tôi đã đề nghị Chính phủ có cuộc họp chuyên ngành về DN tư nhân, DN vừa và nhỏ”.

Bộ trưởng cũng bày tỏ vui mừng khi trong Nghị quyết của Quốc hội vừa rồi đề ra năm 2015 là năm DN, thực chất là DN vừa và nhỏ.

Theo quan điểm của Bộ trưởng, đối với việc hỗ trợ các DN cần tập trung vào việc hỗ trợ cho khởi điểm của DN. Chúng ta phải tạo ra một môi trường thông thoáng, thuận nhất, minh bạch nhất, để mọi người dân có tiền không gửi vào NH mà mang tiền đó để đi lập DN. Đấy là một cách để đất nước phát triển. Chính vì vậy, môi trường đầu tư kinh doanh phải là vấn đề quyết định.

Để làm được điều này, theo Bộ trưởng, các luật của chúng ta phải minh bạch để mọi người đọc đều hiểu, phải đạt như vậy để khi đến cơ quan công quyền là được cấp phép, không bị ai làm khó. “Chứ bây giờ có tiền để có được giấy phép, xin đăng ký hành nghề, phát triển DN là vấn đề không đơn giản. Nếu ai có người nhà làm DN thì chúng ta sẽ thấy được điều này” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng khẳng định, CNPT là vấn đề lớn của đất nước. Các nước hiện nay thu hút được đầu tư nước ngoài nhiều và có nền kinh tế phát triển đều có nền công nghiệp phụ trợ phát triển. nói như vậy để thấy rằng, công nghiệp phụ trợ hết sức quan trọng. Có công nghiệp phụ trợ phát triển thì chúng ta mới hấp thu được những công nghệ, cũng như mới có thể thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, để tạo ra giá trị gia tăng trong chính nội địa của mình. Còn nếu ta không làm được điều này thì dù có đầu tư nước ngoài nhiều thì giá trị gia tăng của Việt Nam là không có.

“Chúng tôi trăn trở nhiều về CNPT và đây là vấn đề rất khó. Bộ Công Thương được chính thức giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển CNPT của đất nước. Tuy nhiên, cũng chia sẻ với Bộ Công Thương rằng đây là vấn đề không đơn giản. Ngay cả khái niệm, thế nào là CNPT cũng còn đang tranh luận rất nhiều. Phụ trợ có nghĩa là có một cái chính. Chính mà có phụ. Cái nào là chính, cái nào là phụ, phục vụ cho cái chính đó” – Bộ trưởng chia sẻ.

Tiếp tục nhắc lại câu chuyện phải tăng cường hỗ trợ DN vừa và nhỏ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh phải khuyến khích khởi nghiệp cho các DN, cho những người bắt đầu thành lập DN; tạo mọi điều kiện để họ tiếp cận được nguồn vốn một cách đơn giản, dễ dàng.

Tiếp đó là việc chuyển giao công nghệ. Bộ trưởng cho biết: Vừa rồi, chúng tôi làm việc với Samsung, các tập đoàn lớn khác, họ nói rằng sẵn sàng chuyển giao những công nghệ hiện đại cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam tiếp cận công nghệ này. Và họ sẵn sàng nhận lại những sản phẩm mà họ đặt ra để lắp ráp. Thông điệp họ đặt ra rất rõ ràng nhưng tiếc là chưa đủ lực lượng, chưa quan tâm nhiều. Bộ KH-ĐT tổ chức nhiều hội nghị ở cả 3 miền nhưng nói chung, điều kiện để các DN tiếp cận các công nghệ này chưa nhiều.

Cuối cùng, theo Bộ trưởng, là vấn đề thị trường, không phải chỉ cung cấp cho DN chính lắp ráp mà còn tham gia vào chuỗi giá trị thế giới. Đấy là những vấn đề then chốt nhất của CNPT. Phải làm sao giá thành, chi phí của DN phải cạnh tranh, làm ra một cái ốc vít hay sản phẩm nông nghiệp mà giá thành quá cao thì không ai muốn làm. “Cho nên, người ta nhập ngô nước ngoài mà không mua ngô ở Việt Nam là như vậy” – Bộ trưởng nhắc đến một thực tế trong ngành nông nghiệp./.

Vũ Hạnh/VOV.VN 
Số lượt đọc: 303
Thông báo