BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 04/01/2025
Chính sách đầu tư vào
Sức hút từ công nghiệp hỗ trợ ngày càng lớn
Thứ Hai, 15/09/2014 03:07
Sức hút từ công nghiệp hỗ trợ ngày càng lớn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Đào Thu Vịnh, Phó giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội cho biết, sức hút của Việt Nam về công nghiệp hỗ trợ ngày càng lớn.

Đây là lần thứ ba, chúng tôi phối hợp với Công ty Reed Tradex tổ chức sự kiện này và lượng khách tham quan năm nay còn đông hơn năm ngoái. Nhiều công ty nước ngoài đã tham dự Triển lãm và đó là dấu hiệu chứng tỏ, sức hút của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày càng lớn.

Qua quan sát nhiều năm, chúng tôi nhận thấy, nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam, không chỉ là đầu tư trực tiếp, mà còn cả việc cung ứng các sản phẩm công nghiệp phụ trợ.

Trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn được nhắc đến đầu tiên. Họ có ý nghĩa thế nào đối với thu hút đầu tư vào Hà Nội?

Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Họ cũng đầu tư lớn vào công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đồng thời có các chương trình hỗ trợ rất tích cực, cả về đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ… cho doanh nghiệp Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của họ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà đầu tư lớn. Nhu cầu nguyên vật liệu của các nhà đầu tư là rất lớn, tuy nhiên, tỷ trọng Việt Nam đáp ứng được chưa cao. Vì thế, họ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu này, giúp họ giảm thiểu việc phải nhập khẩu từ nước thứ ba, từ đó giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay rất kém, phần lớn nguyên phụ liệu sản xuất đều phải nhập khẩu. Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, theo bà, sẽ có tác động thế nào đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam?

Tôi cho rằng, đó là một cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tiếp cận, học hỏi, tìm kiếm các cơ hội giao thương. Sau nhiều năm tổ chức Triển lãm, cũng như dẫn các đoàn doanh nghiệp tham gia các triển lãm, hội chợ ở nước ngoài, chúng tôi nhận thấy rằng, năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã từng bước được nâng cao.

Họ tự tin hơn trong tiếp cận và kết nối sản xuất với doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là hiệu ứng tích cực sau Triển lãm. Ngoài việc ký kết được đơn hàng, các doanh nghiệp Việt Nam sau này sẽ mạnh dạn hơn trong việc ra các quyết định đầu tư, cũng như tìm kiếm thị trường và bạn hàng mới.

Đó thực sự là một cơ hội. Nhưng làm thế nào để các doanh nghiệp đều có thể tận dụng được cơ hội đó, thưa bà?

Có thể nói, Triển lãm là một sân chơi rất hiệu quả. Điểm lại sự kiện năm ngoái, có thể thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản, cả bên bán và bên mua, đều tìm đến đây. Nhờ thế, các doanh nghiệp Việt Nam có thể giao thương ngay tại chỗ. Đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng. Nhưng tận dụng thế nào còn phụ thuộc vào độ linh hoạt, sự nhanh nhạy và sáng tạo của doanh nghiệp. Dù vậy, tôi tin, đó là một cơ hội tích cực.

Đối với TP. Hà Nội, chúng tôi muốn đây là một sự kiện thường niên. Hàng năm, chúng tôi cố gắng dành một phần kinh phí xúc tiến thương mại để tham gia vào sân chơi này, tổ chức các triển lãm tại Hà Nội và TP.HCM nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp.

Năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập. Sự kiện này liệu có tạo thêm thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Năm 2015, chắc chắn sự kiện này vẫn tiếp tục được tổ chức, thậm chí còn có bước đi tích cực hơn. Dự kiến, TP. Hà Nội sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, không chỉ tập trung cho máy móc, thiết bị, mà còn cho các lĩnh vực khác, như nguyên phụ liệu ngành dệt may… Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Số lượt đọc: 1991
Thông báo