BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 31/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Chặn cửa dự án FDI thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu
Thứ Ba, 30/09/2014 02:20
Chặn cửa dự án FDI thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu

(Baodautu.vn) Dù vẫn mời gọi đầu tư các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực dệt may, song các địa phương phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... đã “dựng hàng rào kỹ thuật” đối với các dự án thu hút nhiều lao động, sử dụng thiết bị, công nghệ thấp, ảnh hưởng đến môi trường...

Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã chính thức có văn bản “cấm cửa” đối với các dự án gây ô nhiễm môi trường thuộc 5 nhóm ngành nghề: sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su chưa sơ chế; sản xuất hóa chất cơ bản; nhà máy thuộc da, sơ chế da, sơ chế và nhuộm da lông thú.

Trước đó, tỉnh này đã “dựng hàng rào kỹ thuật” nhằm hạn chế các dự án trong lĩnh vực dệt may sử dụng nhiều lao động, có thiết bị, công nghệ thấp, có công đoạn gây ô nhiễm môi trường...

Cụ thể, tại các khu công nghiệp như Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), không có quy hoạch ngành nghề có công đoạn gây ô nhiễm môi trường, nên không thu hút các dự án loại này. Với các dự án dệt may, thì chỉ cấp phép những dự án sử dụng không quá 1.000 lao động và sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại. Tại các địa bàn vùng xa trung tâm có lượng lao động nhiều, vẫn thu hút các dự án này, nhưng đưa tất cả các dự án có công đoạn gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp đã có trạm xử lý chất thải, nước thải.

Thông tin với phóng viên Báo Đầu tư, ông Mai Văn Nhơn, Phó ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều năm qua, Ban quản lý đã thực hiện nghiêm túc chủ trương trên của tỉnh. Trong đó, tại nhiều dự án FDI quy mô lớn, doanh nghiệp xin được đầu tư tại khu trung tâm, song tỉnh giới thiệu về các huyện.

Với tỉnh Bình Dương, đợt trao giấy chứng nhận đầu tư thứ 3 năm 2014 đã được thực hiện, với 37 doanh nghiệp FDI được cấp mới và tăng vốn đầu tư, tổng vốn đầu tư hơn 379 triệu USD. Trong số này, không ít các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dệt may và phần lớn được đưa về các khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh.

Ông Marcus IP, CEO Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile (Hồng Kông) cho biết, dự án sản xuất vải dệt các loại của Công ty có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, đã được tỉnh Bình Dương “giới thiệu” đến Khu công nghiệp Việt Hương 2, nằm khá xa trung tâm, liền kề Cụm công nghiệp Bàu Bàng.

“Nhiều khả năng, Dự án sẽ được khởi công vào cuối năm nay và sẽ đi vào hoạt động sản xuất cuối năm 2015”, ông Marcus nói và cho biết, ngoài những cam kết về tiến độ triển khai, sử dụng nguyên liệu từ các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, Công ty cũng sẽ sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường.

Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, cũng có nhiều dự án FDI trong lĩnh vực dệt may được cấp phép. Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư của Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM cho biết, khi được cấp phép, các nhà đầu tư đã cam kết sẽ sử dụng các máy móc, thiết bị mới và làm ra các sản phẩm cao cấp cho các thương hiệu uy tín, như Nike, Adidas, Puma, Uniqlo...

Như vậy, dù việc “dựng hàng rào kỹ thuật” ở các địa phương có thể khác nhau về thời điểm, nhưng đã có những tác động nhất định. Tuy nhiên, với những động thái mạnh tay trên, các địa phương phải đối mặt với việc nguồn vốn FDI thu hút hàng năm sẽ giảm đi đôi chút. Và cùng với đó là sự quan ngại việc các doanh nghiệp sẽ “lách luật” để vẫn được hưởng các ưu đãi bởi các quy định hiện hành vẫn chưa đồng bộ.

“Khi các doanh nghiệp đồng ý đầu tư vào địa bàn được giới thiệu lại vẫn được hưởng các ưu đãi, thì có thể gia tăng các dự án có nguy cơ ô nhiễm cao về vùng sâu, vùng xa”, ông Nhơn nêu băn khoăn và đề xuất, với các dự án thâm dụng lao động, nhưng cam kết sử dụng thiết bị, công nghệ tốt thì vẫn khuyến khích, còn với các dự án có công đoạn ô nhiễm cao thì cắt luôn các ưu đãi đầu tư.



Số lượt đọc: 393
Thông báo