BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 03/01/2025
Chính sách đầu tư vào
Đón cơ hội từ TPP: Cải cách thể chế gắn tái cơ cấu doanh nghiệp
Thứ Ba, 16/09/2014 03:58

Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp (DN) chỉ có thể được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi hội đủ các điều kiện cần và đủ là cải cách thể chế, môi trường kinh doanh của Nhà nước và sự nỗ lực tái cơ cấu của chính DN.

Dẫn ra con số đáng lo ngại về tình hình của DN tại Tp.HCM khi chỉ có khoảng 35% DN "sống khoẻ", ông Trần Du Lịch, uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng trải qua cuộc khủng hoảng, phần lớn các DN đang trong tình trạng "sống dở, chết dở".

 Dễ tổn thương... DN khó cạnh tranh

 Trong số hơn 60% DN còn lại, có đến 30% DN đang hoạt động cầm chừng, cắt giảm hoặc phải ngưng sản xuất, còn lại 30% DN đã "chết" và chỉ còn đợi Luật Phá sản để chính thức được "chôn". Cũng bởi, hoạt động trong môi trường kinh doanh với lãi suất lên đến hơn 10%, lạm phát cao, DN rất khó để "làm ăn" được. Dẫn ra trường hợp cụ thể của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, khi DN này vừa phải lo vận hành sản xuất trong điều kiện vốn vay lãi suất cao, vừa phải đi xây cảng, mở trường đào tạo nhân lực, ông Lịch cho rằng sẽ không có DN nào "có thể làm nổi" nếu như không có hỗ trợ của Nhà nước.

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia đàm phán và ký kết TPP, một trong những hiệp định thương mại có sức ảnh hưởng lớn khi có sự tham gia của nhiều nền kinh tế hàng đầu, DN Việt Nam sẽ càng dễ bị tổn thương.
Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem), có đến 90% các dòng thuế được giảm xuống còn 0% khi TPP được ký kết, sẽ giúp DN đẩy mạnh xuất khẩu. Song, điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường nội sẽ phải "mở cửa" rộng hơn cho hàng nhập khẩu, DN sản xuất Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn trên chính sân nhà.

Ngoài ra, để được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% vào các thị trường lớn trong TPP như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Canada… hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đáp ứng được những yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Đơn cử như với dệt may, một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, sẽ phải đáp ứng tiêu chí "từ sợi trở đi", tức là nguồn nguyên liệu phải có nguồn gốc từ nội địa, hoặc trong các nước TPP. Trong khi hiện có đến hơn 50% nguồn nguyên liệu sản xuất cho dệt may vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thế nhưng, ông Thành còn cho biết, nội dung quan trọng nhất của TPP không phải là giảm thuế, mà là các chính sách bên trong, điển hình là các rào cản phi thuế quan như vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường, lao động…. Đây sẽ là thách thức không nhỏ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam khi trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Tham gia TPP, ngành dệt may sẽ được hưởng lợi với mức thuế suất giữa các thành viên chỉ còn 0%

 Điều kiện "cần" và "đủ"

 Theo dự báo, với kim ngạch xuất nhập khẩu của các nước trong TPP lên đến 230 tỷ USD, việc tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng về thương mại lên tới 20 – 30%. Song theo ông Thành, DN Việt Nam chỉ có thể tận dụng được cơ hội và hưởng lợi từ TPP khi Chính phủ có những cải cách mạnh mẽ từ bên trong để tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch hơn.
Cùng quan điểm trên, ông Lịch cũng cho rằng việc gia nhập TPP sẽ mang lại lợi ích cho chính DN khi những sức ép để "giải quyết được "sức ì" của thể chế được đặt ra, cũng như tạo áp lực để đổi mới môi trường kinh doanh trong nước.
"Những lợi ích mà chúng ta có thể đạt được từ TPP còn phụ thuộc vào việc Việt Nam sẽ cải cách đến đâu, bởi các nội dung của TPP liên quan đến chính sách sau đường biên giới. Sự cải cách đó phải bao gồm các vấn đề liên quan đến thể chế, gắn với các chương trình tái cơ cấu trọng điểm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phân bổ lại nguồn lực hiệu quả hơn để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường", ông Thành nói.

Sức ép cải cách thể chế được ông Lịch đánh giá, sẽ tạo nên lợi ích lớn nhất cho DN Việt Nam. Song theo vị chuyên gia này, đây chỉ là điều kiện cần, bởi để DN thực sự tận dụng được các lợi ích của nền kinh tế, thì điều kiện đủ là chính các DN Việt Nam cũng phải nỗ lực cải cách, tái cơ cấu lại hoạt động. Cũng bởi, trong khi các DN đầu tư nước ngoài vẫn "sống khoẻ" trên chính thị trường Việt Nam, thì tình trạng "èo uột", ngưng hoặc cắt giảm hoạt động của DN nội địa được lý giải một phần do chính nhận thức yếu kém của DN khi tính liên kết yếu, quản trị kém, nguồn nhân lực hạn chế…

"Đã đến lúc các DN cần chấm dứt thời kỳ làm ăn chụp giật, không bài bản và bắt đầu một thời kỳ mới dựa trên sự phát triển bền vững. Do đó, các DN cần chú trọng đến việc tái cơ cấu lại hoạt động, năng lực quản trị, đặc biệt chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết, củng cố vai trò của hiệp hội để làm cầu nối cho DN với thị trường", ông Lịch khuyến nghị.
Số lượt đọc: 319
Thông báo