Sáng 31/5, tại Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Theo đó, hai bên cùng cam kết triển khai mạnh mẽ các biện pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước đạt chỉ số môi trường kinh doanh tối thiểu mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 vào năm 2016, ASEAN 3 vào năm 2020 trên một số chỉ tiêu chủ yếu.
Định kỳ thường niên, VCCI và UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức gặp gỡ, trao đổi đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, biên bản cam kết nêu rõ.
Tại biên bản, UBND tỉnh Thanh Hoá cam kết 7 nội dung.
Một, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Hai, phối hợp với VCCI định kỳ hàng năm tổ chức các hội nghị đối thoại; đồng thời thiết lập, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của nhà đầu tư và doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ba, định kỳ hàng quý cung cấp thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, thông qua VCCI, về nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời đảm bảo công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Bốn, tích cực xây dựng chính quyền điện tử, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua mạng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp: đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan, điện, tín dụng,… theo hướng tăng cường một cửa liên thông, hướng tới “một cửa liên thông điện tử”. Đến năm 2020 đảm bảo 100% các dịch vụ công trực tuyến (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) được cung cấp ở mức độ 3, trong đó có 30% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4.
Năm, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, trong đó tập trung giảm 30 - 50% thời gian giải quyết các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... so với quy định của Trung ương. Riêng thủ tục cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày.
Vẫn ở nội dung này, Thanh Hoá cam kết rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục về đăng ký đầu tư, giảm đến 30% so với quy định của Luật Đầu tư. Thực hiện kết hợp giải quyết ba thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp (gồm thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục đăng ký cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng) giảm 50% thời gian so với quy định. Phấn đấu giải quyết đúng thời hạn 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng; tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt tối thiểu 30%; đảm bảo tỷ lệ nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư qua mạng đạt tối thiểu 10%.
Sáu, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với những cam kết quốc tế, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ,…
Bảy, nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong quý 3/2016 tất cả các tỉnh, thành phải hoàn tất ký cam kết với VCCI về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Sau Hà Nội và Tp.HCM, hai địa phương đã ký cam kết ngay tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 29/4, Thanh Hoá là tỉnh đầu tiên trong số 61 tỉnh, thành còn lại cùng VCCI ký cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có khoảng gần 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động.