BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Ngành, Lĩnh vực
Cơ hội lớn từ các thỏa thuận hàng chục tỷ USD giữa Việt Nam và Nhật Bản
Thứ Tư, 01/12/2021 09:38
Cơ hội lớn từ các thỏa thuận hàng chục tỷ USD giữa Việt Nam và Nhật Bản

Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, lãnh đạo các địa phương và nhiều doanh nghiệp khẳng định chuyến thăm đã đạt được những kết quả toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, vừa có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy những dự án cụ thể và mở ra nhiều triển vọng trong quan hệ hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp của hai nước.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp giữa hai nước ký kết và trao đổi hơn 50 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có các thỏa thuận hợp tác về các dự án trị giá hàng chục tỷ USD.

Trong 3 ngày thăm và làm việc tại đất nước mặt trời mọc cùng Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư quan trọng như tham dự Diễn đàn Việt Nam-Tochigi, ký kết bản ghi nhớ về hợp tác hữu nghị với tỉnh Tochigi; gặp gỡ các doanh nghiệp của tỉnh Tochigi và Nhật Bản; làm việc với lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Nhật Bản…

Thiết lập mối quan hệ đối tác tin cậy, bền vững giữa các địa phương

Là hai trong số lãnh đạo của 10 tỉnh, thành phố tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương và Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đều bày tỏ ấn tượng sâu đậm về chuyến thăm của Thủ tướng. Hai Bí thư Tỉnh ủy nhận định, chuyến thăm lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp chung vào mối quan hệ chiến lược toàn diện sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.

Từ góc nhìn của địa phương, chuyến thăm đã mở ra những cơ hội hợp tác mạnh mẽ cho nhiều tỉnh thành trong cả nước; góp phần nâng tầm và thúc đẩy các mặt quan hệ hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp với các đối tác Nhật Bản đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, doanh nghiệp và địa phương hai nước, nhất là trong bối cảnh cả hai nước đang phải khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.

“Đây là kết quả hết sức quan trọng để các địa phương và doanh nghiệp có thể tận dụng những thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm của nước bạn để phát huy những lợi thế của mình. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa hơn khi Phú Yên và các địa phương trên cả nước đang nỗ lực phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nói.

Tại chuyến thăm, tỉnh Phú Yên đã ký kết những hợp tác lớn với các đối tác Nhật Bản để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp và khai thác, chế biến cá ngừ. Cụ thể là Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Kiyomura về hợp tác phát triển thủy sản và Công ty cổ phần eREX về việc hợp tác phát triển vùng trồng cây cao lương. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp Phú Yên phát huy thế mạnh địa phương và từng bước vươn tầm ra thế giới.

Các văn kiện này cho thấy sự chủ động phát hiện những tiềm năng, cơ hội hợp tác để cùng phát triển. Các thỏa thuận này không chỉ là vấn đề về kinh tế, mà còn thiết lập mối quan hệ đối tác tin cậy, bền vững, đồng hành cùng phát triển giữa các địa phương của hai bên, được Chính phủ của hai quốc gia ủng hộ.

“Những kết quả của chuyến thăm này thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác sẵn có và tiếp tục mở ra các triển vọng hợp tác sâu rộng hơn giữa các địa phương của Việt Nam-Nhật Bản”, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nhấn mạnh.

Kỳ vọng thay đổi lớn trong nông nghiệp của Vĩnh Phúc

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, trong 3 ngày thăm và làm việc tại đất nước mặt trời mọc cùng Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư quan trọng như tham dự Diễn đàn Việt Nam-Tochigi, ký kết bản ghi nhớ về hợp tác hữu nghị với tỉnh Tochigi; gặp gỡ các doanh nghiệp của tỉnh Tochigi và Nhật Bản; làm việc với lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Nhật Bản…

Đặc biệt, Thủ tướng cũng đã chứng kiến lễ ký kết triển khai Dự án nuôi và chế biến bò thịt tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô đầu tư khoảng 500 triệu USD, giữa Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản với Công ty Vinamilk và tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án này được triển khai sẽ thay đổi căn bản lĩnh vực nông nghiệp ở Vĩnh Phúc theo hướng hiện đại, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, tạo điều kiện phát triển hài hòa, cân bằng trong xã hội.

Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, việc ký kết hợp tác phát triển giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tochigi dưới sự chứng kiến của Thủ tướng là động lực và bảo đảm mạnh mẽ cho mối quan hệ giữa hai tỉnh cũng như cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, tỉnh Tochigi nói riêng.

“Công việc tiếp theo ngay sau ký kết hợp tác là hai bên sẽ có bộ phận đầu mối để trao đổi, tiếp nhận thông tin; xây dựng chương trình hợp tác cụ thể, lên danh mục các lĩnh vực, dự án kêu gọi thu hút đầu tư; bàn bạc, trao đổi, thống nhất các cơ chế hợp tác cũng như những giải pháp cụ thể đặt ra trong quá trình hợp tác”, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thông tin.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, với GDP khoảng 85 tỷ USD, Tochigi có nhiều nét tương đồng với tỉnh Vĩnh Phúc về tự nhiên và cơ cấu ngành nghề; có thế mạnh về công nghiệp chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại. Vĩnh Phúc còn rất nhiều cơ hội hợp tác với tỉnh bạn.

Tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch 25 khu công nghiệp, 19 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với diện tích là 5.270 ha. Trong đó có 9 khu công nghiệp đã hoàn thiện và lấp đầy trong thời gian tới, 6 khu công nghiệp đang triển khai đồng bộ hạ tầng và 4 khu công nghiệp đang mời gọi các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, còn hàng loạt các cụm công nghiệp đang được quy hoạch xây dựng một cách đồng bộ, bảo đảm về hạ tầng và môi trường. Vĩnh Phúc cũng đang hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư cho giai đoạn mới, đây là những điều kiện rất tốt để thu hút các nhà đầu tư nói chung, các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.

“Chuyến thăm đã mở ra những cơ hội to lớn về hợp tác phát triển các mặt kinh tế-xã hội của địa phương, làm tiền để cho tỉnh tạo những dấu ấn đột phá trong tương lai gần. Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ làm hết sức mình để đón nhận cơ hội này và biến những cơ hội đó thành những dự  án cụ thể, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, bà Hoàng Thị Thúy Lan chia sẻ.

Thúc đẩy hợp tác công nghiệp hỗ trợ

Trong chuyến thăm của Thủ tướng, một trong các văn bản được ký kết là thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn N&G (Việt Nam) và Công ty Onaga (đại diện nhóm các doanh nghiệp thuộc vùng Kobe, Nhật Bản).

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, Onaga và các doanh nghiệp vùng Kobe sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xúc tiến các bước chuẩn bị đầu tư và đầu tư, tạo chuỗi các nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy bay, tàu biển, tàu shinkansen, ô tô, thiết bị nông ngư nghiệp,… tại các khu công nghiệp thế hệ mới mà N&G đã và đang đầu tư, xây dựng tại các khu vực Bắc – Trung - Nam của Việt Nam.

Thỏa thuận này sẽ góp phần hiện thực hóa, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ của doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao, phù hợp với Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản tầm nhìn tới năm 2030.

Việc thực hiện thỏa thuận sẽ cung cấp các thông tin sâu rộng về môi trường đầu tư tại Việt Nam; các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư tại các tỉnh thành của Việt Nam; khả năng đáp ứng - hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao tham gia vào chuỗi sản xuất, các sản phẩm mà Onaga và các doanh nghiệp vùng Kobe đang sản xuất; hỗ trợ thủ tục đầu tư; hỗ trợ công tác đào tạo, tuyển dụng lao động trình độ cao theo yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Hoàng, việc ký hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản sẽ đẩy mạnh kết nối kinh doanh, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo nhằm giúp các doanh nghiệp này tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. Những nỗ lực này là chìa khóa khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Cũng tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Việt - Nhật diễn ra trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Bùi Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Rikkei Japan, đại diện Công ty Cổ phần Rikkeisoft chia sẻ, những cam kết hợp tác, hỗ trợ giữa hai bên sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp Việt tại Nhật Bản trong thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác quan trọng, phù hợp với nhu cầu và khả năng của hai bên như chuyển đổi số, hạ tầng giao thông, công nghệ cao, đô thị thông minh…

Chuyến thăm của Thủ tướng còn mang lại cơ hội để các doanh nghiệp Việt tại Nhật hiểu rõ hơn nhu cầu và tiềm năng đầu tư, hỗ trợ phát triển trong các lĩnh vực hai bên đang tập trung hợp tác trong thời gian tới. 

Trong chuyến thăm, Rikkeisoft và Fujikin đã hợp tác để phát triển dự án công nghệ cao ứng dụng AI và VR/AR tại nhà máy Fujikin Đà Nẵng. Phía Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực Việt chất lượng cao, nắm bắt các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Điều này không chỉ cho thấy tiềm năng của doanh nghiệp Việt trong việc nắm bắt, làm chủ các công nghệ cao, mà còn khẳng định vị thế của các doanh nghiệp Việt trên bản đồ công nghệ toàn cầu, đồng thời cũng là minh chứng cho việc đưa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Huy bày tỏ./.

Theo Báo chính phủ
Số lượt đọc: 714
Thông báo