BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 23/01/2025
Ngành, Lĩnh vực
Sửa đổi Luật Dầu khí, gỡ thế bí cho doanh nghiệp
Thứ Năm, 18/11/2021 03:26
Sửa đổi Luật Dầu khí, gỡ thế bí cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, việc sửa đổi Luật Dầu khí sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động dầu khí mang đầy đủ đặc trưng của ngành theo thông lệ quốc tế. Muốn giúp duy trì được tốc độ phát triển ngành dầu khí để trở thành động lực cho nền kinh tế, phải tiếp tục xây dựng thể chế, cơ chế, hành lang pháp lý...

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Luật Dầu khí cần mang đặc thù dầu khí” mới đây, các nhà quản lý, các chuyên gia cho rằng Luật Dầu khí năm 1993 đã trải qua 2 lần sửa đổi vào năm 2000 và năm 2008, nhưng đến nay không còn phù hợp, thậm chí còn “trói buộc” hoạt động của ngành năng lượng quan trọng này.

NÂNG CAO TÍNH HẤP DẪN ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ

Nghị quyết số 41/NQ của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 yêu cầu: “Hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí, trong đó quy định rõ về hoạt động dầu khí”…

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định số 1748/TTg về  Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, nêu rõ việc cần thiết phải: “Hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí”.

Nghị quyết số 55/NQ của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu: “Sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về dầu khí, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…”;

Nghị quyết số 140/CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55/NQ, cụ thể: “Về dầu khí: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch phát triển và cơ chế chính sách đối với ngành dầu khí để đề xuất với Chính phủ các nội dung sửa đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành dầu khí Việt Nam phát triển từ khâu thượng nguồn đến trung nguồn và hạ nguồn”.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan rà soát, đánh giá thực trạng quy định pháp luật và tổng kết thi hành Luật Dầu khí ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2000 và năm 2008.

Bao gồm các nội dung chính: Đánh giá quá trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về dầu khí và thực trạng hoạt động dầu khí từ năm 1993 đến nay. Đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật Dầu khí và các văn bản hướng dẫn thi hành; đề xuất xây dựng dự án Luật Dầu khí thay thế Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008 (Luật Dầu khí sửa đổi) và ngày 23/9/2021 Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, Dự thảo tờ trình Chính phủ đã được đăng tải trên website của Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi.

Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết với nguyên tắc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn Bộ Công Thương trình Chính phủ tại Tờ trình số 9601 ngày 14/12/2020 về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (thay thế Luật Dầu khí 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008), trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, ngày 19/10/2021, PVN đã gửi ý kiến cho Bộ Công Thương về dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với ba mục tiêu.

Thứ nhất, đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí;

Thứ hai, khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

Thứ ba, đảm bảo tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.

NGÀNH ĐẶC THÙ CẦN NHỮNG QUY ĐỊNH ĐẶC THÙ

Thảo luận tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, phát sinh những vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí, nên việc sửa đổi Luật Dầu khí đang là vấn đề cấp bách.

Do đó, trong dự thảo Luật Dầu khí mới, Bộ Công Thương đang đề xuất cơ chế mới đối với lô đặc biệt ưu đãi đầu tư. Bổ sung thêm, ông Kiên cho rằng trong hoạt động dầu khí có liên quan tới nhà đầu tư nước ngoài, quyền lợi và nghĩa vụ phải song hành với nhau.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cần xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi một cách bao quát, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo với các luật khác để nhà đầu tư tham gia các dự án dầu khí, yên tâm triển khai nhanh, hiệu quả các dự án theo đúng quy định của Luật Dầu khí mà không gặp vướng mắc theo quy định tại các luật khác.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) nhận định, Luật Dầu khí hiện nay chưa thu hút được đầu tư nước ngoài vào hoạt động này do những hạn chế liên quan đến hợp đồng chia sản phẩm (PSC), thời hạn giai đoạn của tìm kiếm thăm dò, quy trình phê duyệt để khai thác sau khi có các phát hiện dầu khí, đặc biệt là các thuế liên quan.

Do đó, trong dự thảo Luật Dầu khí mới, Bộ Công Thương đang đề xuất cơ chế mới đối với lô đặc biệt ưu đãi đầu tư. Bổ sung thêm, ông Kiên cho rằng trong hoạt động dầu khí có liên quan tới nhà đầu tư nước ngoài, quyền lợi và nghĩa vụ phải song hành với nhau.

Điều này có nghĩa là khi Nhà nước và nhà đầu tư có quan hệ về phân chia lợi nhuận trong khai thác dầu khí thì cũng nên có cơ chế phân chia rủi ro với nhà đầu tư, bởi hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí là hoạt động đặc thù mang tính rủi ro rất cao.

Bà Hoàng Thị Phượng, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và quản lý dầu khí, Viện dầu khí Việt Nam nhấn mạnh, hoạt động dầu khí là đặc thù bởi không chỉ riêng Luật Dầu khí điều chỉnh mà có nhiều luật khác chi phối hoạt động này.

“Qua trao đổi chúng tôi có một mong muốn, những đặc thù dầu khí nên chăng được quy định trong Luật dầu khí. Việc quy định này không phải là xin cơ chế mà thể hiện trong quá trình triển khai sẽ thuận lợi hơn, trơn tru hơn mà không vướng, không trái với quy định của Việt Nam”, bà Phượng nói.

Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) Nguyễn Quốc Thập, cho biết đến nay Việt Nam đã khai thác gần 50% trữ lượng dầu khí ở các vùng thuận lợi. Với tốc độ khai thác dầu khí như hiện nay và việc tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng gặp khó khăn do vướng một loạt cơ chế chính sách khiến sản lượng khai thác liên tục sụt giảm. Dự báo từ năm 2022, sản lượng khai thác dầu khí trong nước sẽ sụt giảm mạnh nếu không kịp thời gia tăng trữ lượng dầu khí mới.

Bên cạnh đó, hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí cũng gặp khó khăn bởi chưa xây dựng được cơ chế bao tiêu sản phẩm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực đầy rủi ro này.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Dầu khí là việc làm cần thiết đối với sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam để chặn đà suy giảm sản lượng khai thác và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo ông Lê Ngọc Sơn, nguồn thu từ những mỏ đã khai khác đóng góp rất quan trọng cho ngân sách Nhà nước để ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, luật sửa đổi lần này cần cụ thể hóa những chủ trương và chính sách để phù hợp với những thay đổi nhanh của thế giới cũng như khu vực và trong các lĩnh vực như địa chính trị và những vấn đề khác. Cụ thể hóa được những chính sách để giúp ích chiến lược phát triển kinh tế biển và trữ lượng năng lượng quốc gia, cũng như những mục tiêu phát triển xanh.

Theo Xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi cần cụ thể, tránh chồng chéo với các luật khác.
Số lượt đọc: 674
Thông báo