BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Số liệu FDI hàng tháng
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022
Thứ Ba, 22/03/2022 11:04

Tính đến 20/3/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt trên 8,9 tỷ USD, bằng 87,9% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

I. VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

1. Tình hình thu hút ĐTNN 3 tháng đầu năm 2022

1.1. Tình hình hoạt động

Vốn thực hiện:

Tính tới 20/03/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.  

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm 2022. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt trên 64,11 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 63,53 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt trên 57,54 tỷ USD, tăng 15,5% so cùng kỳ và chiếm 66,4% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2022, khu vực ĐTNN xuất siêu 6,57 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 5,99 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu trên 6,15 tỷ USD.

1.2. Tình hình đăng ký đầu tư

Tính đến 20/03/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt trên 8,9 tỷ USD, bằng 87,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài vốn đầu tư đăng ký mới tiếp tục giảm thì cả vốn đầu tư điều chỉnh và GVMCP đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể:

Vốn đăng ký mới: Có 322 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (tăng 37,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt trên 3,21 tỷ USD (giảm 55,5% so với cùng kỳ[1]).

Vốn điều chỉnh: Có 228 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 41,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,06 tỷ USD (tăng 93,3% so với cùng kỳ).

Góp vốn, mua cổ phần: Có 734 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (bằng 100% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,63 tỷ USD (tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ).

Cơ cấu ĐTNN 3 tháng đầu năm 2022 theo thành phần vốn đầu tư

  

  Theo ngành:

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 5,3 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ USD, chiếm 30,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, sản xuất phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 200,4 triệu USD và trên 194,6 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 27,6%, 26,1% và 15,8% tổng số dự án.

Cơ cấu ĐTNN 3 tháng đầu năm 2022 theo ngành

 

Theo đối tác đầu tư:

Đã có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,29 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 50,1% so với cùng kỳ 2021[2]; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 1,61 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tăng 35,6% so với cùng kỳ[3]. Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch vượt lên đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần gần 1,32 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hà Lan, Nhật Bản,…

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhất trong 3 tháng năm 2022 (chiếm 18,1% số dự án mới, 34,6% số lượt điều chỉnh và 37,7% số lượt GVMCP).

ĐTNN 3 tháng đầu năm 2022 theo đối tác

Theo địa bàn đầu tư:

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm 2022. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăg ký gần 2,32 tỷ USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021[4]. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,42 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn. Thái Nguyên mặc dù không thu hút được dự án mới, xong với 02 dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn, Thái Nguyên xếp thứ ba với 934 triệu USD, chiếm gần 10,5% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh,…

          Nếu xét về số dự án mới, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (39,4%), số lượt GVMCP (68,7%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (13,2%, sau Hà Nội là 15,4%).

ĐTNN 3 tháng đầu năm 2022 theo địa bàn đầu tư

  

Một số dự án đầu tư lớn trong 3 tháng đầu năm 2022:

          (1) Dự án Công ty TNHH Lego manufaturing Việt Nam (Đan Mạch), tổng vốn đầu tư gần 1,32 tỷ USD với mục tiêu sản xuất đồ chơi và thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa tại Bình Dương (GCNĐKĐT cấp ngày 18/3/2022).

          (2) Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngày 18/01/2022).

(3) Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 15/02/2022).

(4) Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 21/01/2022).

2. Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm và xu hướng cả năm 2022

- Xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm và tăng mạnh hơn 2 tháng. Khu vực ĐTNN xuất siêu 6,57 tỷ USD kể cả dầu thô, góp phần bù đắp phần nhập siêu trên 6,15 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, do đó cả nước xuất siêu khoảng 419 triệu USD trong 3 tháng đầu năm.

- Vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng 7,8% so với cùng kỳ và tăng 0,6 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm 2022. Với sự trợ giúp liên tục và hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch và thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp đã dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua phầ vốn góp của nhà ĐTNN đều tăng so với cùng kỳ cả về số lượng và vốn đầu tư. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được mở rộng vốn với quy mô lớn[5] trong 3 tháng đầu năm.

- Vốn đầu tư đăng ký mới giảm khá mạnh, kéo theo làm giảm tổng vốn đầu tư trong 3 tháng, song số lượng dự án đầu tư mới vẫn tiếp tục tăng (37,6%). Dù có những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, các nhà ĐTNN vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư hiện hữu.

- Từ ngày 15/3, bên cạnh việc mở cửa du lịch, Việt Nam miễn thị thực trong 15 ngày kể từ khi nhập cảnh cho công dân của 13 quốc gia, được dự báo sẽ mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho việc thu hút đầu tư (đặc biệt với các khu công nghiệp[6]) và hoạt động GPMCP tại Việt Nam. Sự linh hoạt và quyết liệt trong việc mở lại các chuyến bay thương mại là yếu tố quan trọng giúp củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế, mang lại cho các nhà ĐTNN nhiều cơ hội trong việc nâng cao năng suất sản xuất hàng hóa, đơn hàng được thông thương nhiều hơn và các nhân sự cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia có thể di chuyển công tác tới Việt Nam dễ dàng hơn. Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp ĐTNN vào các khu công nghiệp trong năm 2022 được dự báo có khả năng tăng trong thời gian tới với chủ đạo là các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và EU. Thực tế cho thấy ngay trong 3 tháng đầu năm, không ít nhà đầu tư lớn đã đầu tư nhà máy để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

- Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch đầu tư của các nhà đầu tư Châu Âu do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ucraina. Đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, trong hai năm qua nhiều tập đoàn công nghệ, điện tử lớn của Đài Loan đã xây dựng nhà máy tại châu Âu như Ba Lan, Hungaria, Czech... Các quốc gia này đều có đường biên giới chung với Ucraina; do đó, đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi Nga là thị trường lớn xuất khẩu của các nhà máy này. Theo đó, khả năng sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam theo hướng dịch chuyển đơn hàng từ châu Âu về sản xuất tại Việt Nam (đặc biệt là các đơn hàng trong lĩnh vực điện tử, công nghệ...), vì tại ASEAN chỉ có duy nhất Việt Nam có FTA với EU (Singapore có FTA nhưng không có nền sản xuất hàng hóa).

3. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới 20/03/2022

Tính lũy kế đến ngày 20/03/2022, cả nước có 34.815 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 422,84 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 256 tỷ USD, bằng 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

- Theo ngành: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 250,7 tỷ USD (chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với gần 65 tỷ USD (chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với trên 36,38 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư).

- Theo đối tác đầu tư: Hiện có 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam[7]. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 78,6 tỷ USD (chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 66,6 tỷ USD (chiếm 16% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Nhật Bản và Đài Loan, Hồng Kông.

- Theo địa bàn: ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với gần 52,8 tỷ USD (chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với trên 39,4 tỷ USD (chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với trên 37,6 tỷ USD (chiếm gần 8,9% tổng vốn đầu tư).



[1] Vốn đầu tư đăng ký mới 3 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ do trong 3 tháng đầu năm 2021 có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD. Riêng các dự án này đã chiếm tới 75,3% tổng vốn đăng ký mới của 3 tháng năm 2021, đặc biệt trong đó có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD và dự án nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD.

[2] Vốn đầu tư Singapore tăng trong 2 tháng năm 2022 nhưng lại giảm trong 3 tháng năm 2022 do trong tháng 3 tháng năm 2021 Singapore có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD (riêng dự án này đã chiếm tới 68,2% vốn đầu tư của Singapore trong 3 tháng năm 2021).

[3] Vốn đầu tư Hàn Quốc chủ yếu là vốn đầu tư mở rộng dự án hiện hữu (chiếm tới 85,1% số vốn).

[4] Vốn đầu tư của Bình Dương tăng mạnh do có dự án Công ty TNHH Lego Manufaturing Việt Nam có tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD.

[5] Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (Phú Thọ) tăng 163 triệu USD.

[6] Theo Phòng Kinh doanh Khu công nghiệp Việt Nam, ngay khi có thông tin chính thức về mở cửa các chuyến bay thương mại từ ngày 15/3, lượng yêu cầu thuê kho xưởng Khu công nghiệp Việt Nam nhận được tăng đáng kể so với thời điểm 2 tuần đầu tháng 2.

[7] Trong tháng 3 năm 2022, 01 dự án duy nhất còn hiệu lực của nhà đầu tư đến từ Liechtenstein đã giải thể, làm giảm số lượng các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam từ 140 đối tác xuống 139 đối tác.

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 1918

File đính kèm:

Thông báo