Tính đến 20/10/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh
và góp vốn mua cổ phần,
mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn
thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1%
so với cùng kỳ năm 2020.
Tính lũy kế đến ngày 20/10/2021, cả nước có 34.266 dự án còn hiệu lực với
tổng vốn đăng ký trên 404 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy
kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt
trên 247 tỷ USD, bằng 61,1% tổng vốn đầu tư đăng ký
còn hiệu lực.
Thông tin chi tiết như sau:
I. VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TẠI VIỆT NAM
1. Tình hình thu hút ĐTNN
10
tháng năm 2021
1.1. Tình hình hoạt động
Vốn thực hiện:
Ước
tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 15,15 tỷ USD trong 10
tháng năm 2021, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020, giảm nhẹ 0,6 điểm phần trăm so với 9 tháng năm 2021.
Tình hình xuất, nhập khẩu:
Xuất khẩu: Kim
ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng trong 10 tháng, song mức độ tăng giảm nhẹ so với 9 tháng. Xuất
khẩu kể cả dầu thô ước
đạt trên 198 tỷ USD, tăng 20,1% so với
cùng kỳ, chiếm 74,1%
kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt trên 196,7 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng
kỳ, chiếm 73,6% kim
ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực
ĐTNN ước đạt gần 176,9 tỷ USD, tăng 31,3% so cùng kỳ và chiếm 65,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong 10 tháng
năm 2021, khu vực ĐTNN xuất siêu gần 21,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 19,8 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 23,2 tỷ USD.
1.2. Tình hình đăng ký đầu tư
Tính đến 20/10/2021, tổng vốn
đăng ký cấp mới, điều chỉnh và GVMCP của nhà ĐTNN đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng
kỳ năm 2020. Vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh
tiếp tục duy trì mức tăng so với cùng kỳ. Trong khi đó, GVMCP vẫn giảm. Cụ thể:
Vốn đăng ký mới: Có 1.375
dự án mới
được cấp GCNĐKĐT (giảm 34,5%),
tổng vốn
đăng ký đạt trên 13 tỷ USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ).
Vốn điều chỉnh: Có 776 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 14,4%),
tổng vốn
đăng ký tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD (tăng 24,2% so với cùng kỳ).
Góp vốn, mua cổ phần: Có 3.063 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 43,8%),
tổng giá trị
vốn góp đạt 3,63 tỷ USD (giảm 40,6% so với cùng kỳ).
(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục I kèm theo).
Theo ngành:
Các nhà đầu tư nước
ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công
nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư
đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới,
điều chỉnh cũng như GVMCP không nhiều, song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ 2
với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo
lần lượt là các ngành kinh
doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,12 tỷ USD và trên 803 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến chế
tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành
thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 33,1%, 27,8% và 16% tổng số dự
án.
Theo đối tác:
Đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư
tại Việt Nam trong 10 tháng
năm 2021. Trong đó, Singapore dẫn
đầu với tổng vốn đầu tư 6,77
tỷ USD, chiếm 28,5% tổng vốn
đầu tư vào Việt Nam, giảm 9,9%
so với cùng kỳ 2020; Hàn
Quốc đứng thứ hai với 4,15 tỷ
USD, chiếm 17,5% tổng vốn đầu
tư, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng
vốn đầu tư đăng ký gần 3,4 tỷ USD, chiếm
14,3% tổng vốn đầu tư, tăng 89,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo
là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài
Loan,…
Trong 10 tháng 2021, vốn đầu tư của Singapore gấp 1,63 lần
vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp 2 lần vốn đầu tư của Nhật Bản do Singapore có dự
án lớn 3,1 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 45,8% tổng vốn đầu tư của
Singapore. Hàn Quốc mặc dù chỉ xếp thứ 2 về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn
đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như số lượt GVMCP.
Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư
quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất
trong 10 tháng.
Theo địa bàn:
Các nhà ĐTNN đã đầu
tư vào 58 tỉnh, thành
phố trên cả nước trong 10 tháng. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 84,2% tổng vốn đầu tư của Long
An). TP Hồ Chí Minh đã trở lại vị trí thứ 2 với trên 2,73 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng vốn
đăng ký 2,72 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh,…
Nếu xét về số dự án, các nhà ĐTNN vẫn
tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như
TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự
án mới (34,1%), số lượt dự án điều chỉnh (17,7%) và GVMCP (59,4%). Hà Nội tuy
không thuộc top 5 địa phương thu hút ĐTNN trong 10 tháng, song xếp thứ 2 về số
dự án mới (21,8%), số lượt dự án điều chỉnh (14,9%) và GVMCP (12,1%).
(Biểu số
liệu chi tiết tại Phụ lục II kèm theo).
Một số
dự án lớn trong 10 tháng năm 2021:
(1) Dự án Nhà máy điện LNG Long An I
và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và
phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (cấp GCNĐKĐT ngày 19/3/2021).
(2) Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư
thêm 2,15 tỷ USD (trong đó điều chỉnh tăng 1,4 tỷ USD ngày 30/8/2021 và tăng
750 triệu USD ngày 04/02/2021).
(3) Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên
1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu
cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ (cấp
GCNĐKĐT ngày 22/01/2021).
(4) Dự án nhà máy sản xuất giấy
Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 611,4 triệu
USD với mục tiêu sản xuất giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì tại Vĩnh Phúc
(cấp GCNĐKĐT ngày 23/7/2021).
(5) Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan),
điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày
13/5/2021).
2. Nhận xét về tình
hình đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2021.
- Vốn đầu tư
thực hiện của các dự án ĐTNN trong 10 tháng tiếp tục giảm 4,1% so với cùng kỳ
và giảm nhẹ so 0,6 điểm phần trăm so với 9 tháng.
Đại dịch covid-19 đang dần được kiểm soát. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, ban hành
nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh
nghiệp cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới của đại
dịch. Các doanh nghiệp đã dần khôi phục hoạt động sản
xuất kinh doanh, dự kiến vốn đầu tư thực hiện sẽ cải thiện hơn trong các tháng
cuối năm.
- Vốn đầu tư
đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng, song mức tăng có
giảm so với 9 tháng. Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với
cùng kỳ (tương ứng 34,5% và 14,4%) song mức giảm đã được cải thiện so với 9 tháng. Việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào
nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn
(trên 50 triệu USD) vẫn tăng trong 10 tháng năm 2021.
- Xuất nhập khẩu
của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng trong 10 tháng đầu năm. Khu vực ĐTNN xuất siêu 21,2 tỷ USD kể cả dầu
thô. Tuy nhiên, mức xuất siêu của khu vực ĐTNN không đủ bù đắp phần nhập siêu 23,2
tỷ của khu vực trong nước. Vì vậy cả nước nhập siêu 2 tỷ USD trong 10 tháng.
Một số
nguyên nhân làm giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và GVMCP
* Nguyên nhân khách quan:
- Dòng vốn ĐTNN toàn cầu nửa đầu năm 2021 phục hồi tốt
hơn dự kiến, tuy
nhiên niềm tin của nhà đầu tư vào ngành
và chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn lung lay. Số lượng các dự án mới trong các
ngành thâm dụng vào chuỗi giá trị toàn cầu (như điện tử, ô tô và hóa chất) đều
giảm.
- Sự cạnh tranh
trong thu hút ĐTNN giữa các quốc gia ngày càng gia tăng.
- Hoạt động
M&A toàn cầu giảm sút.
* Nguyên nhân chủ quan:
- Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam
(giảm số lượng, tăng về chất lượng) làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá
trị gia tăng.
-
Việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách
ly dài ngày trong những tháng dịch covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam làm
chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và
làm các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển
của người lao động trong các KCN làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản
lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của các
nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
-
Do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất nên nhiều đơn hàng phải
chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng.
3. Tình hình
ĐTNN luỹ kế tới 20/10/2021
Tính lũy kế
đến ngày 20/10/2021, cả nước có 34.266 dự án còn
hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 404 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước
ngoài ước đạt 247,16 tỷ USD, bằng 61,2% tổng vốn
đăng ký còn hiệu lực.
- Theo ngành: các nhà
ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công
nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 239 tỷ USD, chiếm 59,2% tổng vốn
đầu tư. Tiếp
theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 61,3 tỷ USD (chiếm 15,2% tổng vốn
đầu tư); sản xuất, phân phối điện với trên 33,7 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu
tư).
- Theo đối tác đầu tư: Hiện có 141
quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn
Quốc với tổng vốn đăng ký trên 73,9 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với trên 63,9 tỷ USD (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài
Loan, Hồng Kông.
- Theo địa bàn: ĐTNN đã có mặt ở
tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với gần 49 tỷ USD
(chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với gần 37 tỷ USD (chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư); Hà
Nội với 36,7 tỷ USD (chiếm gần 9,1% tổng vốn đầu tư).
(Biểu số
liệu chi tiết tại Phụ lục III kèm theo )
Trong 9 tháng
năm 2021 số lượng dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD) giảm 38,3%,
trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên
50 triệu USD) vẫn tăng 12,1% so với cùng kỳ 2020.