BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 10/01/2025
Tin dự án
Vốn FDI vào Hải Phòng, Quảng Ninh giữ nhịp tăng trưởng
Thứ Năm, 08/10/2020 11:39

Trong tháng 11/2020, Hải Phòng, Quảng Ninh liên tiếp đón nhận những tín hiệu tích cực trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các chỉ số về dòng vốn đầu tư đều tăng

Theo số liệu mới công bố của Cục Thống kê Hải Phòng, trong 10 tháng năm 2020, chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,18% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng đến 15,72%, đóng góp 14,39 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Có thể thấy, mảng công nghiệp chế biến, chế tạo của Hải Phòng đang có sự tăng trưởng mạnh và trở thành trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong năm 2020. Đây cũng là lĩnh vực thế mạnh của Hải Phòng, nhất là trong thu hút vốn FDI.

Tính đến ngày 15/10/2020, Hải Phòng có 747 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 18,6 tỷ USD. Từ đầu năm đến ngày 15/10/2020, toàn Thành phố có 61 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 502,26 triệu USD và 19 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn tăng là 325,82 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn cũng chủ yếu thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đối với Quảng Ninh, quý II/2020, tăng trưởng kinh tế của tỉnh này giảm mạnh ở mọi mặt do tác động của Covid-19. Song ngay sau đó, bằng mọi giải pháp, Quảng Ninh đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Đến thời điểm hiện tại, theo tính toán, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh này sẽ cơ bản hoàn thành.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Quảng Ninh sẽ đạt mức 2 con số, ước tăng 10%. Với tốc độ tăng trưởng này, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có mức tăng trưởng cao trong cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng trưởng ước đạt 10,4%. Tổng thu ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 49.300 tỷ đồng, bằng 103% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 37.000 tỷ đồng, xuất nhập khẩu khoảng 12.300 tỷ đồng.

Các chỉ số về dòng vốn đầu tư đều tăng. Trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 85.300 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ; cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 52 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng mức đăng ký đạt trên 22.300 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.

Dòng vốn FDI chảy chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo

Hải Phòng đã khẳng định được vị thế là thành phố cảng quốc tế, là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của khu vực phía Bắc, với hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, đồng bộ và hiện đại.

Với những ưu thế đó, Hải Phòng từ lâu đã là điểm sáng trên bản đồ bất động sản công nghiệp Việt Nam. Đồng thời, việc thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực chế tạo đã đưa Hải Phòng thành trung tâm công nghiệp của miền Bắc.

Mới đây, ngày 14/11, Universal Scientific Industrial (USI) đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất mới, với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD cho giai đoạn I trong Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng. USI sẽ sản xuất bảng mạch điện tử của các thiết bị đeo (đồng hồ, điện thoại, tai nghe) để cung cấp cho các thương hiệu điện tử hàng đầu thế giới. Dự kiến, USI sẽ tăng vốn đầu tư lên 400 triệu USD trong giai đoạn tiếp theo.

Việc thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực chế tạo đã đưa Hải Phòng thành trung tâm công nghiệp của miền Bắc.

Ông Bùi Ngọc Hải, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế TP. Hải Phòng cho biết, dự án này sẽ giúp thu hút thêm nhiều dự án công nghệ cao đến với DEEP C. Đồng thời, kỳ vọng USI sẽ trở thành nhà sản xuất chủ lực trong ngành sản xuất thiết bị điện tử đang lên của TP. Hải Phòng thông qua việc hình thành một trung tâm sản xuất mới, đóng góp vào sự phát triển của chuỗi cung ứng điện tử.

Để sẵn sàng đón dòng vốn FDI, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Hải Phòng nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu là từ nay tới năm 2025, Hải Phòng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 6.400 ha tại 8 quận, huyện. Trong đó, huyện thuần nông Tiên Lãng sẽ xây dựng 3 KCN (hơn 1.450 ha), huyện Vĩnh Bảo mở thêm 3 KCN (900 ha).

Với tiến độ như hiện nay, cùng với các cam kết và hành động quyết liệt về thủ tục, Hải Phòng phấn đấu tới năm 2025 sẽ lấp đầy 12 KCN hiện có (hơn 4.400 ha) và khai thác 30% công suất các KCN mới.

Trong khi đó, ngày 17/11, Quảng Ninh đã chúc mừng Tập đoàn Foxconn đón lô sản phẩm linh kiện điện tử đầu tiên sau đúng 1 năm triển khai dự án tại KCN Đông Mai (thị xã Quảng Yên).

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, nhà máy của Foxconn tại KCN Đông Mai sẽ sản xuất khoảng 20.000 màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao. Trong năm 2021, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 250 triệu USD và sẽ tiếp tục nâng kim ngạch xuất khẩu lên 500 triệu USD, rồi 1 tỷ USD trong những năm tiếp theo.

Cùng ngày, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký 160 triệu USD. Cả 9 dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và sẽ tạo việc làm ổn định cho gần 4.000 lao động địa phương.

Những động thái mới trong thu hút đầu tư FDI của Quảng Ninh trong thời gian gần đây đang dần cụ thể hóa chủ trương cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển nhanh và bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo.

Số lượt đọc: 848
Thông báo