BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 10/01/2025
Tin dự án
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư
Thứ Năm, 01/10/2020 10:30

Nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng về những ưu đãi sắp tới sẽ không chỉ khuyến khích nguồn vốn mới mà còn giúp duy trì và thúc đẩy mở rộng hoạt động của các dự án sẵn có.

Nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng về những ưu đãi sắp tới sẽ không chỉ khuyến khích nguồn vốn mới mà còn giúp duy trì và thúc đẩy mở rộng hoạt động của các dự án sẵn có.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất về Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư được thiết kế phù hợp với quy định tương ứng của Luật đầu tư và được rà soát, tập hợp trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương. Danh mục này đã được rà soát, điều chỉnh để phù hợp định hướng ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 15 Luật đầu tư.

Theo ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phái đoàn Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, “Những thay đổi này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mang những công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quản lý và đào tạo vào Việt Nam, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn và ít lãng phí nguyên vật liệu và tài nguyên hơn, đồng thời hỗ trợ các công ty địa phương đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa.”

          “Về dài hạn, chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư Đức và châu Âu nói chung sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam dựa trên các điều kiện được cải thiện tại đây. Chúng tôi rất tin tưởng rằng sẽ có nhiều nguồn vốn đổ vào các dự án công nghệ cao”, ông nói.

Theo ông John Gu, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) tại miền Nam và miền Trung Việt Nam, Việt Nam cần phải thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và các dự án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kỹ thuật dài hạn, và do đó, việc đưa ra các ưu đãi đặc biệt là điều dễ hiểu.

Ông Gu cho biết, nếu các công ty Việt Nam và chính phủ hợp tác với các đối tác Hàn Quốc về công nghệ cao để xây dựng chương trình đào tạo nhân lực kỹ thuật tiên tiến, đây sẽ là một cơ hội tốt để phát triển kinh tế cho cả hai nước.

Một dự án mà ông Gu lấy làm ví dụ là trung tâm R&D trị giá 220 triệu đô la của Samsung, được hưởng các ưu đãi liên quan đến thuế nhập khẩu và thuế nội địa cũng như các ưu đãi tài chính về chi phí điện và quyền sử dụng đất cho dự án.

Tập đoàn công nghệ khổng lồ gần đây đã bắt đầu xây dựng trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á, tại quận Tây Hồ của Hà Nội. Đề án là một ví dụ điển hình cho nỗ lực của các công ty Hàn Quốc nhằm phát triển R&D và nâng cao nhân lực kỹ thuật tiên tiến của Việt Nam trong dài hạn.

Quay trở lại với những danh mục được đề xuất nhận ưu đãi đặc biệt. Theo Bộ KH&ĐT thì những ưu đãi này sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, IT, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, phát triển các dự án hạ tầng và văn hóa, thể thao cũng như chăm sóc sức khỏe.

Cụ thể là đối với lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, các nhóm ngành được nhận hỗ trợ là: Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao; sản xuất sản phẩm phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, dịch vụ phần mềm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…

Nông nghiệp bao gồm: Trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển rừng; nuôi trồng, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản; đánh bắt hải sản xa bờ kết hợp ứng dụng các phương thức ngư cụ đánh bắt tiên tiến; dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng cơ sở đóng tàu cá và đóng tàu cá.

Bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng cũng là một trong các lĩnh vực có các ngành nằm trong danh sách nhận ưu đãi đặc biệt gồm: Thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung; xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cuối cùng là lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể thao, y tế gồm: Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; đầu tư cơ sở sản xuất Methadone; đầu tư kinh doanh trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao và trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao cho người khuyết tật; xây dựng cơ sở thể thao có thiết bị, phương tiện luyện tập và thi đấu đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đấu quốc tế; cơ sở luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao chuyên nghiệp; đầu tư kinh doanh trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; cơ sở cai nghiện ma túy, cai nghiện thuốc lá; cơ sở điều trị HIV/AIDS…

Bộ KH&ĐT đã và đang tiếp tục lấy ý kiến của các công ty, tổ chức về những đề xuất ưu đãi này.

Số lượt đọc: 377
Thông báo