BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 10/01/2025
Tin dự án
Tình hình phát triển công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020
Thứ Tư, 30/09/2020 11:33

Bộ Công thương đã có báo cáo tình hình phát triển ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020

I. Về tổng sản phẩm trong nước (GDP)

Dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện đáng kể so với mức 0,39% của Quý II, tuy nhiên vẫn là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020[1].

Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%.

Tính chung 9 tháng, GDP tăng 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020[2]. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35% vào mức tăng trưởng chung.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, riêng ngành công nghiệp quý III tăng 2,34%, cải thiện đáng kể so với mức tăng 1,1% của Quý II, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 5,1% của Quý I.

Tính chung 9 tháng, ngành công nghiệp tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020[3], đóng góp 0,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% (quý I tăng 7,12%; quý II tăng 3,38%; quý III tăng 3,86%), thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020[4], đóng góp 1,02 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 5,35%, làm giảm 0,32 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%, đóng góp 0,18 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

II. Về sản xuất công nghiệp

Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 2,3% so với tháng 8 và tăng 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành khai khoáng giảm 0,1% so với tháng trước và giảm 5,7% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Mặc dù sản xuất công nghiệp tháng 9 có sự khởi sắc và đang dần khôi phục tuy nhiên vẫn còn chậm do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ. Dự báo từ tháng 10/2020, nếu đà kiểm soát dịch bệnh được duy trì như hiện nay, sản xuất sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm.

Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất tháng 9 đã tăng so với tháng 8: sản xuất dệt tăng 2%; sản xuất trang phục tăng 13,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,5%; sản xuất chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 5,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,8%; sản xuất kim loại tăng 6,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 4,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 3,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 1,8%.

Tính chung 9 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. (Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng các năm 2012-2020 lần lượt là: 6,1%; 5,3%; 6,8%; 9,9%; 7,1%; 8,8%;10,6%; 9,6%; 2,3%).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%); ngành khai khoáng giảm 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành: khai thác quặng kim loại tăng 14,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,9%; khai thác than cứng và than non tăng 4,9%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: sản xuất xe có động cơ giảm 12,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 8,9%; sản xuất đồ uống giảm 6,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,8%; sản xuất trang phục giảm 4,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,8%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 2%; sản xuất kim loại giảm 1,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 0,4%; dệt tăng 0,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,4%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 2,4%. (Phụ lục 1).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2020 tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Ti vi tăng 18,3%; phân u rê tăng 10%; thép thanh, thép góc  tăng 9,5%; thuốc lá điếu tăng 8,2%; than sạch tăng 4,9%; xăng dầu các loại tăng 4,7%.

Bệnh cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: khí hóa lỏng LPG giảm 16,7%; bia giảm 14,6%; dầu thô khai thác giảm 13,7%; ô tô giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,5%; xe máy giảm 6,5%; quần áo mặc thường giảm 6,2%; sắt, thép thô giảm 6,1%; điện thoại di động và thép cán cùng giảm 2,1%; giày, dép da tăng 0,2%; alumin tăng 3,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện sản xuất cùng tăng 2,9%. (Phụ lục 2).

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2020 tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,8%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,8%; sản xuất kim loại tăng 2,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 1,4%; sản xuất thiết bị điện giảm 0,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 1,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và platic giảm 2,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,3%; sản xuất trang phục giảm 5,8%; sản xuất đồ uống giảm 7,8%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 10,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 13,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 16,5%. (Phụ lục 3).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2020 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 17,2%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất đồ uống tăng 15,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,4%; sản xuất kim loại giảm 5,4%; sản xuất thiết bị điện giảm 7,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 17,4%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 32,9%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 143,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 80,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 59,4%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 56,3%; sản xuất trang phục tăng 34,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 33,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 32,1%. (Phụ lục 4).

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng đạt 75,6% (cùng kỳ năm trước là 72,1%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Dệt 119,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 108,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 104%; sản xuất chế biến thực phẩm 96,5%; sản xuất xe có động cơ 91,9%.

Tình hình cụ thể ở các ngành như sau:

1. Nhóm ngành khai khoáng

1.2. Ngành dầu khí:

Trong 9 tháng năm 2020, ngành Dầu khí trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là đơn vị nòng cốt đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong 9 tháng đầu năm, cụ thể:

- Tổng sản lượng khai thác quy dầu 9 tháng ước đạt 15,68 triệu tấn, vượt 5,1% kế hoạch 9 tháng và bằng 69,6% kế hoạch năm, trong đó:

+ Sản lượng khai thác dầu thô 9 tháng đầu năm ước đạt 8,63 triệu tấn, vượt 7,3% kế hoạch 9 tháng (trong đó: khai thác dầu ở trong nước 9 tháng đạt 7,26 triệu tấn, vượt 8,2% kế hoạch 9 tháng, bằng 82,2% kế hoạch năm; ở nước ngoài 8 tháng đạt 1,37 triệu tấn, vượt 3,0% kế hoạch 9 tháng, bằng 76,53% kế hoạch năm).

+ Sản lượng khai thác khí 9 tháng ước đạt 7,05 tỷ m3, vượt 1,6% kế hoạch 9 tháng và bằng 72,38% kế hoạch năm.

1.3. Ngành Than

Sản lượng than sạch tháng 9, ước đạt 3,76 triệu tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2020, sản lượng than sạch ước đạt 36,21 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Do tác động của dịch Covid-19, nhiều ngành công nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản (trong đó có ngành công nghiệp thép, luyện kim) tiếp tục cắt giảm sản lượng, dẫn tới nhu cầu nhiên liệu than giảm. Điều này tác động tiêu cực tới việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu than năm 2020 của Việt Nam sang các thị trường truyền thống này. Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19, các cảng xuất nhập than của nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp phòng dịch (kiểm dịch, cách ly…) đối với các phương tiện thủy/thuyền viên đến từ các vùng có dịch (trong đó có Việt Nam); đồng thời, nhiều tàu than xuất nhập vào Việt Nam cũng phải thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định nên sẽ kéo dài thời gian thông quan trước khi có thể tiến hành làm hàng, dẫn đến tăng chi phí trong quá trình thực hiện xuất khẩu than.

2. Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo

- Nhóm hàng dệt may, da giày

Về nhóm hàng dệt may: Tính chung 9 tháng năm 2020, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 481,2 triệu m2, tăng 2,9%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 730,9 triệu m2, giảm 8,5%; quần áo mặc thường ước đạt 3.266,9 triệu cái, giảm 6,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 9 tháng ước đạt 22,06 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ.

Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỷ USD, do Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 600 – 640 tỷ USD, giảm 15-20% so với 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.

Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Thực tế, các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho quý cuối năm.

Trong bối cảnh khó khăn như nêu trên, Bộ Công Thương đã tích cực làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, đồng thời làm việc với Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may, các đơn vị tư vấn, chuyển giao công nghệ, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, các đơn vị phân phối để tạo điều kiện, khuyến khích, kết nối các doanh nghiệp chuyển đổi từ dệt may quần áo, sang dệt may khẩu trang vải. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng giọt bắn – kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải thông thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phòng chống dịch trong nước, bình ổn thị trường, đồng thời Bộ Công Thương đã giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải, tạo công ăn việc làm cho lao động dệt may, giảm bớt khó khăn trong giai đoạn thiếu đơn hàng xuất khẩu quần áo.

Về sản xuất của ngành da giày: Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 9 tăng 4,5% so với tháng trước, nhưng giảm 0,4% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 9 tháng đầu năm ước đạt 12,08 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ nay đến cuối năm, dự báo đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và Châu Âu. Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực. Để có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định này nhằm gia tăng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lên phương án như tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng theo các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Sản xuất nhóm hàng linh kiện, điện tử, thiết bị điện: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Tăng trưởng IIP của ngành tháng 9 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, IIP của ngành tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

- Sản xuất thuốc lá: Ngành thuốc lá duy trì tăng trưởng ổn định trong 9 tháng năm 2020. Chỉ số sản xuất sản phẩm thuốc lá tháng 9 tăng 5,4% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng sản xuất thuốc lá bao các loại đạt 4.577,2 triệu bao, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019.

- Sản xuất ô tô: sản lượng sản xuất ô tô tháng 9 năm 2020 đạt 22,4 nghìn chiếc, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất ô tô ước đạt 160,7 nghìn chiếc, giảm 11,8% so với cùng kỳ.

Có thể nói, từ cuối tháng 6/2020, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, phí trước bạ đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực cho các hãng sản xuất ô tô trong nước, nhiều hãng ô tô (kể cả các hãng FDI) đang xem xét duy trì và mở rộng sản xuất trong tương lai khi thấy động thái cam kết hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước của Việt Nam. Dự báo lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm tuy nhiên chỉ khoảng từ 3-5% so với năm 2019.

- Sản xuất thép: Tháng 9, sản lượng sắt thép thô tăng 9,2%; thép cán tăng 5%; thép thanh, thép góc tăng 0,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2020, lượng sắt thép thô giảm 6,1%; thép cán giảm 2,1%; thép thanh, thép góc tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Sản lượng thép xây dựng sản xuất, bán hàng và xuất khẩu trong 9 tháng của năm 2020 đều giảm do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, dự kiến từ tháng 9 đến cuối năm, thị trường thép xây dựng sẽ khởi sắc hơn do trong ngắn hạn thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn sau thời gian giãn cách do dịch bệnh Covid-19.

- Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ: trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành gỗ tuy ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm, hàng hóa không xuất khẩu được. Cùng với anh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các vụ việc cạnh tranh thương mại cũng đã và đang tác động nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.  9 tháng năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, sáng tạo, đồng hành chia sẻ của toàn ngành cũng như các doanh nghiệp ngành gỗ, sự sáng tạo trong bán hàng giúp doanh nghiệp cải tiến quản trị, hay đàm phán tìm kiếm khách hàng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng năm 2020 vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt, ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt hơn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào Hiệp định EVFTA được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên trong thời gian tới.

3. Nhóm ngành sản xuất và phân phối điện

Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 9 tháng năm 2020 đã được thực hiện tốt, khai thác các nhà máy thủy điện đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du cho các địa phương và mức nước giới hạn các hồ thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ chứa, huy động cao các nhà máy thủy điện miền Bắc có lưu lượng nước về tốt; khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và khí theo khả năng cấp nhiên liệu. Nâng cao độ khả dụng các nhà máy điện; vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam. Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành điện tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”, vừa đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân; đặc biệt cung cấp điện an toàn, ổn định cho các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly, khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19.

Chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện 9 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất và mua tháng 9 ước đạt 20,225 tỷ kWh, giảm 2,6% so với tháng 8; tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và mua ước đạt 178,32 tỷ kWh, tăng 2,74% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,1%).

Điện thương phẩm tháng 9 ước đạt 19.180 triệu kWh, giảm 2,8% so với tháng 8 và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, điện thương phẩm ước đạt 161.555,9 triệu kWh, tăng 2,6% so với cùng kỳ.

Các tháng cuối năm, ngành điện tiếp tục tập trung vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, huy động tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống. Bám sát tình hình phụ tải, diễn biến thời tiết - thuỷ văn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi; các nhà máy thủy điện khai thác theo biểu đồ điều tiết, đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du; chuẩn bị kế hoạch tích nước vào cuối năm…

 

Nguồn: Bocongthuong



[1] Tốc độ tăng GDP quý III các năm 2011-2020 lần lượt là: 6,21%; 5,39%; 5,54%; 6,07%; 6,87%; 6,56%; 7,38%; 6,82%; 7,48%; 2,62%.

[2] Tốc độ tăng GDP 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 6,03%; 5,10%; 5,14%; 5,53%; 6,53%; 5,99%; 6,41%; 6,96%; 7,04%; 2,12%.

[3] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 9,54%; 8,50%; 4,80%; 5,58%; 9,86%; 7,40%; 6,95%; 8,99%; 9,61%; 2,69%.

[4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 13,48%; 8,74%; 6,58%; 7,09%; 10,15%; 11,20%; 12,77%; 12,95%; 11,48%; 4,60%.

Số lượt đọc: 316
Thông báo