Xuất khẩu sang thị trường Anh chưa dễ tăng tốc nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nhưng một con đường mới, rộng lớn hơn với ưu đãi thuế quan, thuận lợi thương mại sẽ tạo đà cho hàng Việt trong dài hạn.
Dệt may, thủy sản, đồ gỗ… có lợi thế
Một sự kiện lớn về hội nhập của Việt Nam vừa diễn ra cuối tuần qua, đó là Lễ ký Biên bản ghi nhớ kết thúc đàm phán UKVFTA.
Việc tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) với một nền kinh tế lớn trong EU được kỳ vọng tiếp tục mang đến những triển vọng đáng kể cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cùng với đó là áp lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ cam kết để tận dụng tối đa Hiệp định.
Thông tin tại lễ ký kết, Bộ Công thương cho biết, các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ UKVFTA là thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày…
Cụ thể, thuế nhập khẩu hầu hết sản phẩm tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào Anh được giảm từ mức 10 - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài tôm, cá tra cũng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản.
Đối với ngành dệt may, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh (khoảng 67% đến năm 2025) so với kịch bản không có Hiệp định.
Một mặt hàng có lợi thế xuất khẩu sang Anh với những cam kết từ UKVFTA là gạo. Năm 2019, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376% so với năm 2018, nhưng do phải chịu mức thuế cao, nên cũng gặp khó trong cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) đánh giá, với những cơ hội mang lại từ UKVFTA, gạo xuất xứ từ Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ tại thị trường Anh.
Ngoài ra, Anh còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Đây cũng sẽ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Bên cạnh đó, rau quả cũng có ưu đãi thuế quan. Cụ thể, UKVFTA có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…
Với nhu cầu nhập khẩu rau quả lớn, cộng với thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh với hoa quả nhiệt đới, thời gian tới, ngành xuất khẩu rau, củ, quả của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Anh thuận lợi hơn và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Áp lực xuất xứ khắt khe
Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss đánh giá, UKVFTA không chỉ thúc đẩy tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng, như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Điều quan trọng, UKVFTA sẽ giúp Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,
Indonesia, Philippines và Myanmar - những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới.
Song, cũng giống như EVFTA, CPTPP…, những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ theo cam kết tại UKVFTA sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trong nước.
Những mặt hàng được xác định có nhiều lợi thế sẽ phải bước qua nhiều thử thách, phải chuẩn chỉnh trong quá trình sản xuất để chinh phục thị trường Anh. Do đó, sẽ không dễ dàng để có sự tăng trưởng bứt phá ngay khi UKVFTA có hiệu lực.
Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lưu ý. “Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù UKVFTA kế thừa các ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt trong EVFTA, nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói
Với dệt may, dù UKVFTA tạo thuận lợi với việc mở rộng nguồn cung trong các quy tắc xuất xứ trong Hiệp định, nhưng do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN, nên cần chuyển hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu để tận dụng được cơ hội từ Hiệp định.
Ngoài ra, những cam kết về cộng gộp đối với nguyên liệu vải từ Hàn Quốc và EU sẽ giúp các sản phẩm dệt may thúc đẩy mở rộng nguồn cung nguyên liệu trong ngành này để tận hưởng ưu đãi, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Dư địa tăng trưởng tại thị trường Anh còn rất lớn, vì các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm chưa đến 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Anh (gần 700 tỷ USD trong năm 2019). Tuy nhiên, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ EVFTA sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh.
Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương giữa Anh và Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do Brexit.
Số liệu từ Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam cho biết, năm 2019, trao đổi thương mại Việt Nam - Anh đạt 6,61 tỷ USD, giảm 1,84% so với năm 2018. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh 5,76 tỷ USD và nhập khẩu từ Anh 857 triệu USD.
Cán cân thương mại đang nghiêng về Việt Nam (xuất siêu).
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại các loại và linh kiện (1,99 tỷ USD); hàng dệt may (777,5 triệu USD); giày dép (628,8 triệu USD); gỗ và sản phẩm gỗ (311,8 triệu USD); hạt điều (110,8 triệu USD); túi xách, vali (105 triệu USD)...
Giai đoạn 2011 - 2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm; tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).
Nguồn: Vnexpress