Cảnh giác “sóng” M&A
Một lần nữa, những cảnh báo về xu hướng M&A sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, khiến nảy sinh nguy cơ những doanh nghiệp tiềm năng (có quy mô vừa và lớn, có thị phần nhất định và có vai trò dẫn dắt một số ngành quan trọng) có thể bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thậm chí, cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ còn đề cập vấn đề này như là một trong 5 thách thức lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020.
Thực tế, nếu xét về số liệu thống kê, việc trong 5 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 2,99 tỷ USD để thực hiện các hoạt động góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam chưa phải là điều đáng lo ngại, bởi con số này chỉ bằng 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc sụt giảm này phần lớn là do 5 tháng qua, có rất ít thương vụ có giá trị lớn.
Tuy nhiên, số lượt góp vốn, mua cổ phần lại lên tới 3.528 lượt, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Và có lẽ, đây mới là điều khiến nhiều người quan tâm. Con số này đã khẳng định rằng, bất chấp kinh tế đang khó khăn bởi Covid-19, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng nhanh.
Thậm chí, ở TP.HCM, xu hướng đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục vượt trội so với hình thức đầu tư trực tiếp (FDI). Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, 5 tháng qua, đã có 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào TP.HCM. Trong số này, riêng phần đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 1.923 lượt, với giá trị lên tới 1,23 tỷ USD, chiếm gần 77% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố.
Những ngày gần đây, ngay cả khi tỷ phú Thái Lan, người sở hữu ThaiBev, chính thức bác bỏ tin đồn bán Sabeco cho nhà đầu tư Trung Quốc, thậm chí khẳng định “công ty không có ý định bán lại hoạt động kinh doanh ở Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào”, thì những nghi hoặc vẫn tồn tại.
Trước đó, Super Energy tuyên bố mua lại cụm nhà máy điện mặt trời ở Bình Thuận; Tập đoàn SCG (Thái Lan) đánh tiếng muốn chi 400 tỷ đồng để mua Công ty Bao bì Biên Hòa. Chưa kể, còn những đồn đoán xung quanh chuyện đầu tư núp bóng, chuyện rất nhiều dự án khách sạn, bất động sản đã phải rao bán vì chịu ảnh hưởng quá nặng nề bởi Covid-19…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tới đây, xu hướng M&A sẽ gia tăng mạnh hơn. Còn ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, “cái đáng sợ” không phải là những tháng qua, mà là vài tháng tới, khi doanh nghiệp quá ngưỡng chịu đựng thì họ sẽ phải “bán mình”. Vị này cũng cho biết, thời gian qua, Basico đã nhận được rất nhiều đơn đề nghị tư vấn cho các thương vụ M&A, bao gồm cả trường hợp một công ty vật liệu xây dựng lớn của Việt Nam.
Dè chừng nguy cơ bị thâu tóm
Trên thực tế, mối lo doanh nghiệp bị thâu tóm sau đại dịch không phải là nỗi lo của riêng Việt Nam. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là một trong những người hiểu rõ nhất về vấn đề này.
Tháng 4/2020, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị các báo cáo trình Chính phủ về những tác động của Covid-19 tới kinh tế - xã hội Việt Nam, chính ông Hoàng đã đề xuất việc bổ sung những cảnh báo về “nguy cơ bị thâu tóm” và đề nghị các địa phương cảnh giác, thận trọng trong vấn đề này.
“Pháp, Đức, Tây Ban Nha… đều đã đưa ra các cảnh báo rằng, kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục, nên họ có thể lợi dụng lúc này để đi mua lại doanh nghiệp. Phải tránh bị mua vào ở thời điểm đáy”, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết.
Hiện giờ, hàng loạt nền kinh tế, từ Mỹ, Ấn Độ, rồi Australia, các nước châu Âu, đều đã lần lượt đưa ra các cảnh báo về việc ngăn các ngành công nghiệp trọng yếu vào tay đối thủ. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài có thể lợi dụng lúc giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn mất giá trị để thực hiện việc thâu tóm.
Nhiều biện pháp đã được thực hiện. Ủy ban châu Âu đưa ra quy định mới về đầu tư nước ngoài, nhằm giúp các quốc gia thành viên bảo vệ tài sản, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu y tế và y khoa, công nghệ sinh học, cũng như hạ tầng. Australia yêu cầu tất cả các thương vụ thâu tóm từ nước ngoài phải được xét duyệt, với quy trình có thể kéo dài đến 6 tháng…
Ở Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị Chính phủ tạm thời dừng việc M&A trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia kinh tế.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI là một trong số đó. “Đây là xu thế phát triển mới, chúng ta cần cởi mở để đón nhận. Chúng ta đang mong chờ làn sóng nhà đầu tư dịch chuyển sang đầu tư, thì không thể bảo tạm ngưng M&A được. Không thể một mình một chợ”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và lý giải, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, nếu được nhà đầu tư nước ngoài “bơm” vốn, thì cũng là tốt.
Tất nhiên, mặt trái của M&A, nhất là trong bối cảnh hiện nay, là nguy cơ bị thâu tóm và do vậy, cần có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ. Nhật Bản đã lên danh sách 500 công ty trong nước phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt đối với sở hữu nước ngoài, nhằm bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng.
Tại Việt Nam, thông tin cho biết, Luật Đầu tư sửa đổi đã bắt đầu tính đến các biện pháp để phòng ngừa. Dự thảo Luật đã đưa ra các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận một số ngành nghề, lĩnh vực. Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cảnh báo đầu tiên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Từ tháng 4/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lần đầu tiên đưa ra lời cảnh báo về xu hướng M&A gia tăng và nguy cơ bị thâu tóm. Thời điểm đó, Tập đoàn Stark Corporation (Thái Lan) vừa phát đi thông báo mua thành công 100% cổ phần của Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và Công ty cổ phần Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina), một công ty do các cổ đông của Thịnh Phát thành lập, với giá trị 240 triệu USD. Điều này khiến dư luận không khỏi bất ngờ, bởi Thịnh Phát được biết đến là một doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất cáp điện.