BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 12/01/2025
Tin dự án
Tình hình thu hút FDI tại thành phố Hồ Chí Minh
Chủ Nhật, 24/05/2020 10:43

Trong 5 tháng đầu năm 2020, TP HCM đã thu hút được 1,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà ĐTNN

1. Tình hình ĐTNN 5 tháng đầu năm 2020.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, TP HCM đã thu hút được 1,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà ĐTNN (bằng 57,7% so với cùng kỳ năm 2019), chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư cả nước và xếp thứ 3/57 địa phương có ĐTNN trong 5 tháng đầu năm (sau Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu). Trong đó:

- Cấp mới: 450 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 248,6 triệu USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư.

- Điều chỉnh: 80 lượt dự án,  tổng vốn tăng thêm đạt 122 triệu USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư.

- Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 1.923 trường hợp, tổng giá trị vốn góp đạt 1,23 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đầu tư.

ĐTNN trong 5 tháng trên địa bàn TP HCM tập chung chủ yếu vào các lĩnh vực bán buôn bán lẻ (33,2%); hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ (21,5%); công nghiệp chế biến chế tạo (16,5%); kinh doanh bất động sản.

Các đối tác đầu tư nhiều nhất trong 5 tháng tại TP HCM là Singapore (26,3%); Nhật Bản (17,7%); Hàn Quốc (14%).

Một số dự án lớn, tiêu biểu mà thành phố đã thu hút được trong 05 tháng:

- Dự án CÔNG TY TNHH TK DBP BUILDING (Nhật Bản), vốn đầu tư 41 triệu USD, hoạt động lĩnh vực Hoạt động kinh doanh bất động sản (cấp GCNĐKĐT ngày 23/3/2020).

- Dự án CÔNG TY TNHH IKANO VIỆT NAM (Singapore), vốn đầu tư 21 triệu USD, hoạt động lĩnh vực Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (cấp GCNĐTĐK ngày 8/1/2020).

- Dự án  CÔNG TY TNHH UPJOHN (Hồng Kông), vốn đầu tư 20 triệu USD, hoạt động lĩnh vực Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (cấp GCNĐKĐT ngày 20/3/2020).

2. Tình hình ĐTNN lũy kế đến tháng 5/2020

Tính đến 20/5/2020, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 9.586 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 47,63 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư cả nước. Quy mô dự án bình quân tại TP HCM đạt gần 5 triệu USD/dự án, nhỏ hơn quy mô vốn bình quân chung cả nước là 11,8 triệu USD/dự án. Trong đó:

- Theo ngành: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 15,9 tỷ USD (chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 15,7 tỷ USD (chiếm 32,9% tổng vốn đầu tư); bán buôn, bán lẻ đứng thứ 3, với 4,1 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư).

- Theo đối tác đầu tư: Hiện đã có 110 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại TP HCM. Trong đó đứng đầu là Singapore với tổng vốn đăng ký 11,3 tỷ USD (chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư). BritishVirginIslands đứng thứ hai với 6,27 tỷ USD (chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản.

3. Nhận xét về tình hình thu hút ĐTNN trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn TP HCM

- Trong 5 tháng đầu năm 2020 (tính đến ngày 20/5/2020) tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP HCM sụt giảm mạnh, chỉ bằng 57,7% so với cùng kỳ năm 2019.

- Quy mô của các dự án nhỏ, số lượng dự án quy mô dưới 1 triệu USD chiếm tỷ trọng lớn (gần 90% số dự án) và tăng 5,2% so với cùng kỳ 2019. Quy mô vốn bình quân dự án cấp mới trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,55 triệu USD, thấp hơn nhiều so với bình quân 1 dự án cấp mới cùng kỳ năm 2019 là 1,05 triệu USD. Vốn bình quân 1 lượt hồ sơ góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp cũng chỉ có 0,64 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019 là 1,24 triệu USD.

Nguyên nhân:

          - Tác động của đại dịch Covid-19 làm việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án ĐTNN hiện có bị ảnh hưởng. Chính sách cách ly xã hội để phòng chống dịch làm cho các nhà đầu tư, các chuyên gia, quản lý, lao động kỹ thuật không thể nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì, mở rộng sản xuất cũng như tìm hiểu cơ hội đầu tư mới.

          - Một nguyên nhân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sụt giảm vốn FDI thời gian gần đây là TP HCM cẩn trọng hơn trong công tác thu hút vốn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây vốn là lĩnh vực có thể thu hút các dự án quy mô lớn, tuy nhiên hiện nay Thành phố không tập trung thu hút nhóm dự án này do:

(i) Không thuộc 9 nhóm ngành dịch vụ (1.Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; 2. Thương mại; 3. Du lịch; 4. Dịch vụ vận tải, cảng và kho bãi; 5. Bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; 6. Kinh doanh tài sản, bất động sản; 7. Dịch vụ tư vấn, khoa học, công nghệ; 8.Y tế; 9.Giáo dục, đào tạo), 4 ngành công nghiệp trọng điểm (1. Cơ khí; 2. Điện tử - công nghệ thông tin; 3. Hóa dược – cao su; 4. Chế biến tinh lương thực, thực phẩm) theo chủ trương thu hút vốn của Thành phố;

(ii) Quỹ đất để thu hút các dự án phục vụ cho sản xuất công nghiệp không còn nhiều.

(iii) Cẩn trọng các dự án núp bóng, công nghệ sản xuất lạc hậu, thâm dụng lao động trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ Trung.

4. Tiềm năng, lợi thế và hạn chế của TP HCM

* Lợi thế:

- Vị trí thuận lợi, là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước, và kinh tế - xã hội phát triển ổn định, thị trường nhiều tiềm năng, là đầu mối (Hub) kết nối kinh doanh.

- Thành phố có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, hàng không ... đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

- Nguồn nhân lực chất lượng cao so với các địa phương khác, đáp ứng được yêu cầu nhà đầu tư.

* Tồn tại, hạn chế:

- Quỹ đất sạch để thu hút đầu tư không còn nhiều. Diện tích đất cho thuê tại các KCX-KCN hầu hết đã được lấp đầy. Hạ tầng phía ngoài KCX-KCN cũng đang bị quá tải, làm gia tăng chi phí sản xuất và giảm năng lực cạnh tranh của các DN.

- Giá cho thuê quá cao so với các KCX-KCN khu vực lân cận khiến cho DN gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất.

- Thủ tục hành chính vẫn rất phức tạp.

5. Một số giải pháp để tận dụng cơ hội thu hút ĐTNN tại TP HCM trong thời gian tới.

Giải pháp trước mắt:

- Duy trì và đảm bảo Nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn có thể được hướng dẫn, giải quyết vướng mắc, khó khăn thông qua các công cụ online như: Website, Email, đường dây nóng,…;

- Khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp sử dụng các Chương trình đăng ký hồ sơ trực tuyến, Dịch vụ chuyển phát hồ sơ qua bưu điện…để nộp hồ sơ.

- Làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng vẫn ổn định và đáng tin cậy.

- Điều chỉnh, cập nhật kịp thời Kế hoạch xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch năm 2020 cho phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh, theo đó thay đổi về các điểm đến, khung thời gian thực hiện xúc tiến tại nước ngoài, điều chỉnh các hoạt động xúc tiến trong nước như tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, hội chợ.

- Thực hiện ngay các giải pháp chuẩn bị sẵn sàng đón các Nhà đầu tư quay trở lại sau khi dịch bệnh được khống chế, cụ thể:

+ Chủ động rà soát, khẩn trương hoàn chỉnh Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, làm cơ sở để giới thiệu với các Nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu, đầu tư vào Thành phố.

+ Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Tổ chức rà soát lại quỹ đất công, trong đó sẽ nghiên cứu tổ chức đấu thầu, đấu giá công khai đối với một số khu đất, mặt bằng nhà xưởng giá trị lớn để thu hút các nhà đầu tư có năng lực cũng như tạo vốn đầu tư các công trình giao thông trọng điểm.

+ Tập trung hoàn thiện pháp lý các hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Như vậy, khi tình hình ổn định sẽ có thể sớm lựa chọn được nhà đầu tư, rút ngắn thời gian đưa đất vào sử dụng.

Giải pháp dài hạn:

- Chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án trọng điểm. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư vào các dự án thuộc bốn Chương trình phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm 3 Chương trình đột phá và 1 Chương trình trọng điểm, cụ thể: Chương trình Đột phá đổi mới quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình Đột phá phát triển hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình Đột phá phát triển nhân lực và văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình Trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường để tập trung kêu gọi đầu tư.

- Tập trung thu hút đầu tư các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, nhất là ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot,...); phát triển công nghiệp thời trang, ngành dệt may, da giày, công nghiệp thiết kế; chuyển từ hoạt động gia công lắp ráp sang hoạt động thiết kế, sản xuất, xuất khẩu và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, phát triển ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

- Tập trung thu hút đầu tư tại các thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực R&D, các dự án công nghệ cao của các Tập đoàn lớn đang có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc về các nước Đông Nam Á khác cũng như là các đối tác đã có ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác thu hút đầu tư, sẽ tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác trong thời gian tới.

- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Trong đó, duy trì kênh đối thoại giữa Thành phố với các nhà đầu tư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án.

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đã được giao dự án sử dụng đất thực hiện nghiêm các điều kiện đã cam kết với Thành phố; có biện pháp xử lý, chế tài kiên quyết đối với các nhà đầu tư không thực hiện đúng theo cam kết, chậm tiến độ thực hiện dự án.

- Đạo, bồi dưỡng, nhanh chóng chuẩn hóa, nâng cao mặt bằng chung về chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực. Đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, các ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị tăng cao, các sản phẩm chủ lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và trọng dụng nhân tài, gắn với phát triển khoa học - công nghệ, phát huy mạnh mẽ tiềm lực con người, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố nhanh và bền vững.

Số lượt đọc: 599
Thông báo