II. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM 3 THÁNG ĐẦU NĂM 2020
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020[1]. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc đặt ưu tiên hàng đầu lên phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Trong quý I/2020 nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm là thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời các hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được duy trì.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%, đóng góp 58,4%. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2020 tăng 5,28% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019, đóng góp 1,89 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2020 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng là 7,12%, chỉ cao hơn mức tăng 4,38% và 5,97% của cùng kỳ các năm 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2020[2], đóng góp 1,64 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 3,18%, làm giảm 0,21 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác và khí đốt tự nhiên giảm.
Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong quý I/2020 tăng 3,27% chỉ đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020[3]. Trong khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ tăng 5,69% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp 0,7 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 0,9%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 11,04%, làm giảm 0,53 điểm phần trăm.
2. Về sản xuất công nghiệp
Sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn sáu năm rưỡi qua. Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 2/2020 - mức giảm ở dưới 50 điểm đầu tiên trong hơn bốn năm qua. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017; 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước và 15,7% của cùng kỳ năm 2018.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2020 giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4% (khai thác dầu thô giảm 10,9%; khai thác khí đốt tự nhiên giảm 9,9%); sản xuất đồ uống giảm 9%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ và khai thác mỏ, quặng giảm 8,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 4,2%; ngành sản xuất trang phục chịu tác động nặng nhất từ dịch Covid-19 với mức giảm 3%, đây cũng là lần đầu tiên ngành này sụt giảm; sản xuất xe có động cơ giảm 2,5%; sản xuất thiết bị điện giảm 2,3%; sản xuất kim loại tăng 2,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế và khai thác quặng kim loại cùng tăng 22,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I/2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Phân u rê tăng 6,1%; alumin tăng 5,3%; ti vi tăng 0,2%; xe máy giảm 0,9%; quần áo mặc thường giảm 3,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 3,7%; thép cán giảm 4,3%; sắt, thép thô giảm 4,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,9%; ô tô giảm 10,4%; dầu thô khai thác giảm 9,3%; bia giảm 18,9%. Một số sản phẩm tăng cao: Linh kiện điện thoại tăng 34,7%; xăng, dầu các loại tăng 17,4%; thép thanh, thép góc tăng 17,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,3%; giày, dép da tăng 8,5%; than sạch tăng 7,9%; điện sản xuất tăng 7,1%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2020 tăng 11,6% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 2,8% so với quý I/2019 (thấp hơn nhiều so với mức tăng 8% của quý I/2019), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 24,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 22,8%; dệt tăng 13,4%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 12,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,5%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 0,7%; sản xuất kim loại giảm 1%; sản xuất trang phục giảm 3,2%; sản xuất thiết bị điện giảm 4,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 6,6%; sản xuất đồ uống giảm 12,2%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2020 tăng 24,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 15,6%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 4,5%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 9,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 16,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 39,4%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 27,5%; dệt tăng 36,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 47,2%; sản xuất kim loại tăng 48,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 122,5%.
Có thể nói, trong quý I/2020 chứng kiến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo cũng như tạo ra khó khăn mới về thị trường tiêu thụ. Hiện nay, khi những khó khăn ở giai đoạn đầu của dịch bệnh sẽ có thể không còn gay gắt nữa (khi Trung Quốc cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, các nhà máy sản xuất và cung ứng nhiều loại nguyên vật liệu được vận hành trở lại, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cơ bản trở lại bình thường...) thì khó khăn lớn hơn đã xuất hiện khi phạm vi dịch bệnh đã lan rộng ở quy mô toàn cầu. Hầu như tất cả các bạn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều chịu tác động trực tiếp. Do vậy khó khăn về thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ là rất lớn, cùng với đó là những vấn đề về sản xuất và người lao động.
Tình hình cụ thể một số ngành như sau:
- Ngành sản xuất chế biến thực phẩm ước tính tăng 4,9%, tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước 2,4 điểm phần trăm; ngành sản xuất đồ uống ước tính giảm 9% (cùng kỳ tăng 11,1%). Doanh số bán bia của các doanh nghiệp bị giảm sút mạnh (trên 30%). Lĩnh vực kinh doanh rượu vang và rượu mạnh nhập khẩu cũng chịu tác động rất lớn do ngành du lịch và kinh doanh của các nhà hàng giảm mạnh về doanh thu (nhiều nhà hàng giảm đến 50% - 60% doanh thu so với bình thường). Ngoài ra, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, từ đó ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống.
- Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 8,3%). Ngành dệt chỉ tăng 4,9% (cùng kỳ tăng 11,1%). Ngành may chịu tác động khá lớn khi 3 tháng giảm 3%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 7,7%. Đến nay, khi Trung Quốc đã bước qua đỉnh dịch, nhiều doanh nghiệp đã quay lại sản xuất, do đó việc nhập khẩu nguyên phụ liệu của nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày tại Việt Nam đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm. Hiện nay, do dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng hóa dệt may và giày dép tại các thị trường nêu trên giảm sút. Việc đóng cửa biên giới (closure of external borders) không phải là phong tỏa các hoạt động, tuy nhiên, giao thương giữa các nước với các đối tác trong đó có Việt Nam, cũng sẽ phần nào bị hạn chế.
Xét trên một số khía cạnh kinh tế, các biện pháp kiểm soát dịch trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa; gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ. Bên cạnh đó, do hàng loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu và Hoa Kỳ đóng cửa vì dịch, dẫn đến lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương cũng sẽ phần nào bị hạn chế. Nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại... sẽ suy giảm. Ngoài việc xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển gặp khó khăn, dự báo hàng hóa nhập khẩu vào các nước bằng đường hàng không có thể bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm. Ngoài ra, vận tải nội khối cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới. Do các quy định liên quan đến kiểm soát dịch và nhu cầu suy giảm, một số nhà nhập khẩu đã thông báo tạm dừng nhập khẩu các đơn hàng đã ký kết, các ngành dệt may, da giày sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ giảm và thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và nguy cơ mất việc của người lao động.
- Ngành sản xuất xe có động cơ giảm 2,5% (cùng kỳ năm trước tăng 17,9%). Trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch khẩu linh phụ kiện ngành ô tô ước đạt 907 triệu USD, giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng cao, tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019, phản ánh khó khăn rất lớn của ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm. Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội.
- Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 3 tháng đầu năm tăng 14,3% so với cùng kỳ. Giai đoạn đầu của quý I, ngành này cũng đã phải chịu tác động lớn bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch. Các biện pháp kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam. Gần đây, nguồn cung linh phụ kiện nhập khẩu cho ngành điện tử đã được phục hồi một phần do các doanh nghiệp cung ứng tại Trung Quốc, Hàn Quốc đã quay trở lại hoạt động sau đỉnh dịch. Tuy nhiên, việc nhập khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường bộ mất nhiều thời gian thông quan hơn so với thông thường do các cửa khẩu vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm dịch. Các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa phương thức vận chuyển linh phụ kiện nhập khẩu thay cho đường bộ, song việc này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí (đường hàng không) và thời gian (đường biển), đồng thời khó đảm bảo lượng linh phụ kiện cũng như tiến độ phục vụ công suất sản xuất.
Một số doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, song đối với việc phân công sản xuất theo chuỗi toàn cầu hiện nay và tính chất đặc thù của sản xuất điện tử, việc tìm nguồn cung dự phòng này không dễ và chi phí cũng tăng cao, đồng thời không ổn định về số lượng và chất lượng.
- Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ: Trong 03 tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 4,2%.
Hiện nay, thị trường Hoa Kỳ chiếm 50%, EU chiếm 8% (các thị trường lớn còn lại: Trung Quốc 12%, Nhật Bản 13%, Hàn Quốc 8%) tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019. Tương tự ngành dệt may, da – giày và điện tử, xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhu cầu tiêu thụ giảm cũng như việc giãn, hoãn giao hàng tại các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu.
- Ngành thép: Dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn trong quá trình lưu thông hàng hóa, dẫn đến hầu hết các công trường, công trình và các dự án xây dựng có sử dụng đến mặt hàng thép đều bị dừng thi công. Các chuyên gia, chỉ huy công trình, kỹ sư, công nhân... người nước ngoài đều phải tiến hành cách ly phòng dịch. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến xu hướng giá thép trên thị trường thế giới và Trung Quốc giảm sâu, trong khi đó, giá một số nguyên liệu sản xuất thép lại có xu hướng tăng do hạn chế của nguồn cung từ Trung Quốc như than cốc, quặng sắt, than điện cực, gạch chịu lửa, ferro... Các yếu tố trên khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất cũng như hoạt động tiêu thụ hàng hóa.
- Đối với ngành hóa chất: Dịch Covid-19 đã tác động đến nguồn cung sản phẩm phân bón nhập khẩu, đặc biệt là đối với các sản phẩm phân bón mà Việt Nam chưa sản xuất được như Kali, SA. Các loại phân bón này, ngoài nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam có thể nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác như Nga, Belarus, Israel, Tây Âu nhưng giá thành cao hơn. Đối với các loại phân bón trong nước đã sản xuất được như Urê, NPK, DAP, Lân thì đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, cung ứng ra thị trường. Đối với ngành hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, trước diễn biến của dịch, nhu cầu sử dụng các chất sát trùng tăng cao, các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng nguyên liệu trong nước nên ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp đang chủ động đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm để cung ứng ra thị trường.
3. Về xuất nhập khẩu
Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại các nước châu Âu và Hoa Kỳ - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 39 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%, trong đó xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả này cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội biến “nguy thành cơ” như thông điệp mạnh mẽ được Thủ tướng Chính phủ đưa ra.
3.1. Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2020 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,16 tỷ USD, giảm 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,84 tỷ USD, giảm 5,4%. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng 3 có kim ngạch giảm so với tháng trước: Dầu thô giảm 20,8%; sắt thép giảm 20,3%; hàng dệt may giảm 19,4%; giày dép giảm 19,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3 giảm 12,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 3,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 15,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh: Hàng dệt may giảm 29%; sắt thép giảm 16,4%; giày dép giảm 15,9%; thủy sản giảm 11,9%; điện thoại và linh kiện giảm 10,8%.
Tính chung quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 5,2%). Tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực bởi trong 2 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17%, Hàn Quốc giảm 1,5%, Thái Lan giảm 0,8%, Nhật Bản giảm 4,1%, Hồng Công giảm 12%; Đài Loan giảm 6,3%; Xuất khẩu của Úc tháng 1/2020 giảm 5,4%, của Malaysia tháng 1/2020 giảm 1,5%... Trong đó, khu vực khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
- Nhóm hàng nông, lâm thủy sản 3 tháng ước đạt 5,28 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 7,9%). Với tác động của dịch Covid-19, hầu hết các sản phẩm nông sản đều có kim ngạch sụt giảm. Vào thời điểm đầu tháng 2, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ. Với sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và xử lý sát sao của Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương, hoạt động giao dịch qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ. Hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn thời điểm đầu tháng 2 nhưng vẫn còn khó khăn do lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang lan rộng tại các nước này.
Tính tới thời điểm hết tháng 3/2020, những mặt hàng bị tác động trực tiếp bởi Covid-19 có: Rau quả (kim ngạch giảm 11,5% so với cùng kỳ, cùng kỳ giảm 3%), thủy sản (giảm 11,2%, cùng kỳ tăng 1,5%), cao su (giảm 26,1%, cùng kỳ tăng 15,4%). Bên cạnh đó, những mặt hàng có thể chịu tác động trong trung hạn do nhu cầu tiêu thụ giảm có: Cà phê (giảm 6,4%, cùng kỳ giảm 22,1%), chè các loại giảm 14,9% (cùng kỳ tăng 18,4%); hạt tiêu giảm 17,6% (cùng kỳ giảm 14,3%) do hệ thống các nhà hàng, hoạt động du lịch, giao thông giảm sút, kéo theo sụt giảm nhu cầu các mặt hàng này. Riêng gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kì năm 2019. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2020, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 1,41 triệu tấn, giá trị kim ngạch 653 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và 7,9% về giá trị (cùng kỳ giảm 18,5% về trị giá).
- Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 50,05 tỷ USD, chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,6%). Sau giai đoạn 1, đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc. Đến nay, việc đứt gãy nguồn cung cơ bản được giải quyết, thì xuất khẩu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với việc đứt gãy cầu khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do dịch bệnh Covid -19 đã lan rộng sang các nước châu Âu và Hoa Kỳ là những nước đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. 3 tháng đầu năm, đối với dệt may: xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 10,3% (cùng kỳ tăng 7,9%); vải mành, vải kỹ thuật giảm 15,1% (cùng kỳ tăng 16,7%); hàng dệt và may mặc giảm 8,9% (cùng kỳ tăng 10,7%). Đối với da giày: xuất khẩu giầy, dép các loại giảm 1,9% (cùng kỳ tăng 14%); túi xách, vali, mũ ô dù giảm 5,5% (cùng kỳ tăng 10,2%). Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 51,7% (cùng kỳ tăng 1,6%).
- Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 15,9%, trong đó dầu thô giảm 8% so với cùng kỳ; xăng dầu các loại giảm 30,1%.
- Về thị trường xuất khẩu: Đối với các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản: cả xuất khẩu và nhập khẩu dần phục hồi trong tháng 3 do bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước này đang dần được kiểm soát. Tính chung 3 tháng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 11,5% (cùng kỳ giảm 9,1%); Hàn Quốc giảm 2,7% (cùng kỳ tăng 6,9%); Nhật Bản tăng 3,5% (cùng kỳ tăng 7,6%).
Đối với thị trường Đông Nam Á: tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn vào thời điểm tháng 3 nên đã có ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tính chung 3 tháng, xuất khẩu sang thị trường Thái Lan giảm 11,2% (cùng kỳ tăng 7,8%); Lào giảm 9% (cùng kỳ tăng 11,7%); Campuchia giảm 3,2% (cùng kỳ tăng 21,19%).
Đối với một số thị trường xuất khẩu chủ lực của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may; giày dép như EU giảm 14,9% (cùng kỳ tăng 2,2%); Anh giảm 16,7% (cùng kỳ tăng 4,27%); Hoa Kỳ tăng 16,2% (cùng kỳ tăng 28,68%).
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm. Hiện nay, do dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng hóa dệt may và giày dép tại nhiều thị trường giảm. Hiện tại, xu hướng chính của các đối tác là giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian hai bên ngồi đàm phán cho các đơn hàng cuối năm). Chính lý do này, đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ đang hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới, cụ thể như:
- Dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trong thời gian tới.
- Các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.
- Mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh.
- Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU.
3.2. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 4,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,3 tỷ USD, tăng 1%.
Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2020 giảm 1,9% so với quý I/2019, ước đạt 56,26 tỷ USD (cùng kỳ tăng 7,7%).
Trong quý I/2020, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp FDI đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, với mức giảm lần lượt là 3,4% và 0,8%.
- Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu: chiếm 87,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2020 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 49,47 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong tháng 3/2020, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này có sự tăng trưởng trở lại khi tăng 3,5% so với tháng 2/2020.
Tính chung quý I/2020, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, đạt 13,19 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 14,1% so với quý I/2019, dầu thô tăng mạnh 67,9%...
Trong khi đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với quý I/2019 như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 8,6%, vải các loại giảm 17,7%, chất dẻo nguyên liệu giảm 6,2%, sắt thép các loại giảm 16%, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 14,5%, xăng dầu các loại giảm 17,6%....
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng giảm 8,2% trong quý I/2020, đạt 3,72 tỷ USD. Đáng chú ý, trong nhóm này nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ đã giảm 43,8% về lượng và 46,6% về trị giá so với quý I/2019.
- Về thị trường nhập khẩu: nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 3 hoặc giảm tốc ở mức độ thấp hơn tại các thị trường có kim ngạch lớn. Cụ thể: nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tháng 3 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung 3 tháng giảm 18%; Hàn Quốc lần lượt giảm 0,7% và tăng 2,4%; Nhật Bản lần lượt tăng 2,3% và tăng 15,8%. Đối với thị trường ASEAN, nhập khẩu 3 tháng đầu năm ước giảm 8,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,3%).
4. Về thị trường trong nước
Trong quý I/2020, thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, nhu cầu hàng hóa tập trung cao vào mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh… và một số mặt hàng thực phẩm đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn. Tại một số địa phương như Hà Nội, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Dương…, do tâm lý lo ngại và có những thời điểm hoang mang của người dân trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và các nước nên thị trường hàng hóa đã có những giai đoạn bất ổn cục bộ. Do nhận định sớm tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó với các tình huống diễn biến của thị trường, kịp thời triển khai một số hoạt động như: (i) Có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối có hệ thống siêu thị trên địa bàn khẩn trương triển khai phương án tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; (ii) Chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương, bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường; (iii) Phối hợp ngay với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung và các biện pháp triển khai để nhanh chóng ổn định tâm lý thị trường. Sau khi triển khai các biện pháp nêu trên, tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố nêu trên đã dần ổn định, nguồn cung hàng hóa được bổ sung tăng lên đã góp phần ổn định tâm lý của người dân.
Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tác động tâm lý người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại dịch lây lan nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020[4]. Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (4,7%), cầu tiêu dùng trong dân giảm. Cụ thể:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước tính đạt 390 nghìn tỷ đồng, giảm 4% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 316,1 nghìn tỷ đồng, giảm 1,5% và tăng 4,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 33,9 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% và giảm 26,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, giảm 44,7% và giảm 62,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% và giảm 6,5%.
Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước - đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây[5], nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước tính đạt 985,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 9,3%; xăng, dầu tăng 8,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,7%; may mặc tăng 6,6%; phương tiện đi lại tăng 5,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 2%. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I vẫn tăng do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây, trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2020 ước tính đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,3%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn không hoạt động cùng với lượng khách du lịch giảm. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương như Khánh Hòa giảm 38,2%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 30,3%; Đà Nẵng giảm 23,7%; Thanh Hóa giảm 20,4%; Hà Nội giảm 20,2%; Cần Thơ giảm 17%; Lâm Đồng giảm 16,8%; Quảng Bình giảm 14,5%; Quảng Ninh giảm 12,4%; Hải Phòng giảm 8,9%.
Doanh thu du lịch lữ hành quý I ước tính đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%) do nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Doanh thu dịch vụ khác quý I/2020 ước tính đạt 126,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Về chỉ số giá tiêu dùng
Ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[6].
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020[7], tăng lần lượt 4,87% và 5,56%. Cụ thể: CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,56%; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. CPI quý I năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu: (i) Nhu cầu về nhiều loại mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: lương thực tăng 1,51% (tác động làm CPI chung tăng 0,07%), thực phẩm tăng 13,21% (tác động làm CPI chung tăng 2,99%), trong đó: giá thịt lợn tăng 58,81% (đóng góp 2,47% vào mức tăng CPI chung); giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng 1,8%; giá các loại quần áo may sẵn tăng 1,19%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,52% (tác động làm CPI chung tăng 0,04%); (ii) Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm giá rau trong quý I/2020 tăng 4,14% do rau, quả Trung Quốc không xuất được sang Việt Nam; đồng thời làm giá các mặt hàng thuốc y tế, điện sinh hoạt và nước sinh hoạt tăng cao, lần lượt là 1,43%; 9,89% và 4,75%.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI quý I/2020, có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI: (i) Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm; (ii) Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu đi lại, du lịch của người dân sau Tết giảm làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 1,74% so với cùng kỳ năm trước; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm; (iii) Các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ổn định thị trường.
Nguồn: Bocongthuong
[1] Tốc độ tăng GDP quý I các năm 2011-2020 lần lượt là: Năm 2011 tăng 5,90%; năm 2012 tăng 4,75%; năm 2013 tăng 4,76%; năm 2014 tăng 5,06%; năm 2015 tăng 6,12%; năm 2016 tăng 5,48%; năm 2017 tăng 5,15%; năm 2018 tăng 7,45%; năm 2019 tăng 6,82%; năm 2020 tăng 3,82%.
[2] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I các năm 2011-2020 lần lượt là: Năm 2011 tăng 13,31%; năm 2012 tăng 8,74%; năm 2013 tăng 4,38%; năm 2014 tăng 5,97%; năm 2015 tăng 9,70%; năm 2016 tăng 8,94%; năm 2017 tăng 8,60%; năm 2018 tăng 14,30%; năm 2019 tăng 11,52%; năm 2020 tăng 7,12%.
[3] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ quý I các năm 2011-2020 lần lượt là: Năm 2011 tăng 6,77%; năm 2012 tăng 5,95%; năm 2013 tăng 5,89%; năm 2014 tăng 5,90%; năm 2015 tăng 5,68%; năm 2016 tăng 5,98%; năm 2017 tăng 6,36%; năm 2018 tăng 6,65%; năm 2019 tăng 6,50%; năm 2020 tăng 3,27%.
[4] Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 10,4%; 12,2%; 11,4%; 12,3%; - 0,8%.
[5] So với cùng kỳ năm trước, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I các năm: 2019 tăng 11,96%, 2018 tăng 9,86%, 2017 tăng 9,18%, 2016 tăng 9,7%.
[6] Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 3 so với tháng trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 0,57%; tăng 0,21%; giảm 0,27%; giảm 0,21%; giảm 0,72%.
[7] Tốc độ tăng CPI tháng 3 so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,69%; 4,65%; 2,66%; 2,7%; 4,87%. Tốc độ tăng CPI bình quân quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,25%; 4,96%; 2,82%; 2,63%; 5,56%.