I. DIỄN BIẾN KINH TẾ THẾ GIỚI 2 THÁNG ĐẦU NĂM 2020
- Đánh giá sơ bộ cho thấy tới thời điểm này, sản xuất đã bắt đầu bị ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do dịch bệnh Covid-19.
Thời điểm tháng 01/2020, chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu đạt 52,2 điểm, cao nhất kể từ tháng 3/2019, tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát[1] đã gây tác động tiêu cực trong tháng 2, đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhất là Trung Quốc và Nhật Bản[2] (Trung Quốc, chỉ số PMI nước này đã giảm từ 50 hồi tháng 1 xuống 35,7 trong tháng 2. Đây là mức thấp nhất từ trước tới nay, thấp hơn cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Dự báo GDP quý I giảm khoảng 2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây, một số nhà máy hoạt động trở lại nhưng chỉ đạt 30 - 50% công suất thông thường; Nhật Bản có nguy cơ suy thoái với PMI tháng 2/2020 sụt giảm xuống 47 điểm; Hàn Quốc xuất khẩu giảm làm giảm thặng dư thương mại xuống còn 0,62 tỷ USD trong tháng 1/2020, chỉ số PMI ngành chế biến, chế tạo giảm xuống dưới 50 điểm, đồng thời đối diện với nhiều rủi ro từ dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng).
Với vai trò lớn của Trung Quốc trong chuỗi giá trị và tiêu thụ toàn cầu[3], (theo ước tính của Bloomberg vào tháng 2/2020, dựa trên số liệu của OECD, Trung Quốc đóng góp khoảng 40% hàng hóa trung gian cho các chuỗi cung ứng tại châu Á và 10% cho Hoa Kỳ), do đó, từ tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, ít nhất trong ngắn hạn, việc tìm kiếm nguồn cung thay thế sẽ đặc biệt khó khăn đối với các sản phẩm mà Trung Quốc là nhà cung cấp chiếm ưu thế trên toàn cầu. Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động mạnh trong quý I và cả năm 2020, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào việc dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu và mức độ lây lan toàn cầu. Nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020. Tại hội nghị G20, IMF (22/02/2020) điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng toàn cầu so với trước đó (từ 3,3% xuống 3,2%); HSBC (12/02/2020) điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng toàn cầu. Theo Deutsche Bank (13/2/2020) dịch covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm khoảng 0,5 điểm trăm trong quý I/2020 và Oxford Economics (02/2020) hạ triển vọng tăng trưởng từ 2,5% xuống 2,3%. Theo Bloomberg (01/2020), dự báo GDP quý I của Trung Quốc chỉ tăng 4,5% và cả năm chỉ tăng 5,6%; trong khi đó Hồng Kong sẽ bị ảnh hưởng nặng nề ngay trong quý I, giảm 1,7 điểm phần trăm tăng trưởng; Hàn Quốc và Việt Nam giảm 0,4 điểm phần trăm; Nhật Bản giảm 0,2 điểm phần trăm.
- Giá dầu thế giới dự báo tiếp tục giảm, giá lương thực thế giới ở mức thấp trong bối cảnh nguồn cung gia tăng và cầu thế giới thấp. Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019 (ngày 31/1/2020 là 51,48 USD/thùng). Ngày 12/2, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2020 là 0,99 triệu thùng/ngày, giảm so với mức dự báo 1,22 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng 01/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc thực thi thỏa thuận hạn chế nguồn cung giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt.
- Tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư gia tăng sau ngày 20/02/2020 với các thông tin về dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp bên ngoài Trung Quốc dự kiến sẽ khiến kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng nặng hơn, như việc Hàn Quốc và Nhật Bản đã bùng phát dịch bệnh, cũng như việc châu Âu và Mỹ đã phát hiện các ca nhiễm dương tính với virus Corona chủng mới trong thời gian gần đây
- Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước sẵn sàng hỗ trợ kinh tế để đối phó với dịch bệnh, trong đó Trung Quốc mạnh tay nới lỏng tiền tệ. Các ngân hàng trung ương lớn như FED, ECB, BoE, BoJ đều giữ nguyên lãi suất điều hành khi chưa đủ thông tin đánh giá mức độ tác động của dịch bệnh nhưng cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến để kịp thời hành động. Tại châu Á, một số NHTW hạ lãi suất như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines do kinh tế bị tác động lớn khi sản xuất tại Trung Quốc gián đoạn, du lịch, hàng không sụt giảm. Cụ thể: NHTW Trung Quốc đẩy mạnh nới lỏng tiền tệ như hạ dự trữ bắt buộc 0,5% kể từ 1/1/2020, hạ lãi suất thị trường mở, 2 lần hạ lãi suất cho vay cơ bản, bơm thanh khoản ra thị trường; Đài Loan công bố kế hoạch chi 2 tỷ USD nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ[4], đặc biệt lĩnh vực vận tải và du lịch với các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp tổ chức tour du lịch hay giảm thuế cho các hãng vận tải; Malaysia dự kiến công bố gói kích cầu tập trung vào 3 lĩnh vực trọng yếu là hàng không, bán lẻ và du lịch; Chính phủ Singapore dự kiến gói ngân sách 800 triệu đô la Singapore để ngăn Covid-19 lan rộng, đồng thời đưa ra 2 gói kích thích kinh tế với tổng quy mô 5,6 tỷ SGD (gấp 24 lần gói kích cầu thời dịch SARS); Indonesia hôm 25 tháng 02 đã thông báo một loạt các biện pháp trong đó có giải ngân gói 10,3 nghìn tỷ Rupiah (tương đương khoảng hơn 630 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước - những đối tượng chịu thiệt hại kinh tế từ dịch Covid-19; trong đó sẽ dành 4.56 nghìn tỷ Rupiah để hỗ trợ 15,2 triệu hộ gia đình nghèo đói mỗi tháng trong vòng 06 tháng kể từ tháng 3 năm 2020 nhằm giúp 20-30% dân số tăng chi tiêu tiêu dùng và tạo sức ảnh hưởng cấp số nhân lên nền kinh tế, đồng thời, sẽ dành khoảng 298,5 nghìn tỷ Rupiah để cùng với các hãng hàng không và đại lý du lịch xúc tiến thu hút khách du lịch nước ngoài đến thăm quan 17 hòn đảo lớn nhỏ và sẽ cung cấp 443,9 tỷ Rupiah để khuyến khích du lịch nội địa, trong đó chú trọng giảm 30% giá vé nội địa đến 10 điểm du lịch nổi tiếng; Philippines đã tung chiến lược quảng bá du lịch với slogan kêu gọi hưởng ứng của Tổng thống Duterte “hãy là bạn cùng tôi đi du lịch khắp Philippines”, các thành viên thuộc Hiệp hội du lịch Philippines đã giảm giá 50% chi phí các khách sạn, các hãng hàng không của Philippines giảm giá vé cho khách hàng lên tới 60% cho một số chuyến bay.
II. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM 02 THÁNG ĐẦU NĂM 2020
1. Hoạt động sản xuất công nghiệp
Tháng 02 năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 23,7% so với tháng trước (chủ yếu do tháng 01 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn tháng 02).
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 7,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,4% của cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 3,7% (cùng kỳ giảm 3,5%); ngành sản xuất và phân phối, điện, khí đốt, nước chỉ tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 9,3%); ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9% (cùng kỳ tăng 6,4%).
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 2 tháng đầu năm tăng khá so với cùng kỳ năm trước: than sạch tăng 10,3%; xăng dầu các loại tăng 8,3%; thép thanh, thép góc tăng 28,8%; điện thoại di động tăng 25,5%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 8,9%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: dầu thô khai thác giảm 6,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9%; khí hóa lỏng LPG giảm 6%; sắt, thép thô giảm 4,7%; ô tô giảm 11,5%; ti vi giảm 16,1%; bia các loại giảm 9,9%...
Trong các ngành công nghiệp cấp II, hầu hết những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động của dịch Covid-19 đều có chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm tăng thấp hơn hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
- Ngành sản xuất chế biến thực phẩm ước tính tăng 6,6%, tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước 3,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất đồ uống ước tính giảm 3,1% (cùng kỳ tăng 9,6%) do bị ảnh hưởng rất lớn bởi đang chịu tác động kép của dịch bệnh và Nghị định số 100/2019/ NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt làm cho sản lượng tiêu thụ rượu, bia, đồ uống có cồn giảm đáng kể. Bên cạnh đó, người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu, ăn uống bên ngoài (đặc biệt là khu vực các tỉnh phía Bắc), làm giảm nhu cầu đi du lịch, đặc biệt là lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc, cũng đã làm giảm sản lượng tiêu thụ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan chỉ tăng 7,7% (tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước 1,2 điểm phần trăm). Đối với ngành da giày, xuất khẩu da giày của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc chủ yếu được thực hiện chính ngạch theo hệ thống vận chuyển bằng container qua đường biển (xuất nhập khẩu biên mậu không đáng kể). Trong đó, khoảng 80% doanh nghiệp xuất khẩu da giày của Việt Nam là các doanh nghiệp FDI. Hoạt động xuất khẩu được thực hiện theo các đơn hàng gia công theo kế hoạch công ty mẹ. Nguyên phụ liệu sản xuất chủ yếu là nhập khẩu từ Quảng Châu - Trung Quốc. Do vậy, trong ngắn hạn các doanh nghiệp xuất khẩu đã có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu và cung ứng nguyên phụ liệu đầy đủ từ trước phục vụ sản xuất nên tác động của dịch tới sản xuất là không nhiều. Tuy nhiên, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý II sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
- Ngành dệt chỉ tăng 8,5% (tăng thấp hơn 1,8 điểm phần trăm); ngành may chịu tác động khá lớn khi 2 tháng chỉ tăng 0,2%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 10,6%. Tương tự như ngành da giày, ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc để phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Nếu dịch kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào, tăng chi phí sản xuất khi phải nhập khẩu nguyên liệu giá cao hơn hàng Trung Quốc.
- Ngành sản xuất xe có động cơ giảm 4,8% (cùng kỳ năm trước tăng 20,2%), trong đó ô tô giảm 11,5% (cùng kỳ năm trước tăng 15,1%); xe máy giảm 0,5% (cùng kỳ năm trước tăng 6,9%).
- Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 2 tháng đầu năm tăng 13,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tương tự như các ngành hàng ô tô, dệt may và da – giày, ngành này cũng đã và đang chịu tác động lớn bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch. Các sản phẩm của ngành công nghiệp điện – điện tử (trong đó bao gồm điện thoại và tivi) là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc. Cụ thể, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%). Do đó, các biện pháp kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong ngành đã chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các lô hàng linh phụ kiện nhập khẩu trong thời gian tới (do nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc) – đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng đa quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng muộn hơn nhưng mức độ ảnh hưởng là tương đương – bởi nguồn linh kiện nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng sử dụng nhiều nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Dự kiến trong cuối Quý I/2020, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, ảnh hưởng của tình hình trên sẽ trở nên rõ rệt với ngành sản xuất các sản phẩm điện tử như điện thoại và tivi ở trong nước.
- Ngành thép: các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nhìn chung về cơ bản không chịu ảnh hưởng. Nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc chủ yếu thực hiện bằng đường biển (một số ít đường Bộ qua của khẩu Lào Cai) nên cơ bản nguồn cung không bị ảnh hưởng. Mặt khác, do các chính sách chống lẩn tránh thuế đối với mặt hàng thép có xuất xứ từ Trung Quốc của EU và Mỹ nên các doanh nghiệp nhập khẩu thép làm nguyên liệu sản xuất hiện nay không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc mà nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga...
- Đối với các doanh nghiệp ngành hóa chất: các doanh nghiệp trong ngành cơ bản chưa ảnh hưởng nhiều do có nguồn dự trữ nguyên liệu sản xuất đến hết quý I. Tuy nhiên nếu dịch bệnh kéo dài nguồn phụ gia để sản xuất không nhập khẩu được thì sang quý II, các doanh nghiệp sẽ phải ngừng sản xuất.
2. Hoạt động xuất nhập khẩu
Trong tháng 2/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 37,1 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với tháng 1/2020 và tăng gần 30% so với tháng 2/2019 (tháng 2/2019 kim ngạch xuất khẩu đạt thấp do trùng với Tết Nguyên đán Kỷ Hợi).
Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 74,02 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 2,4%, đạt lần lượt là 36,92 tỷ USD và 37,1 tỷ USD[5]. Cán cân thương mại trong 2 tháng đầu năm 2020 thâm hụt 176 triệu USD. Tình hình cụ thể như sau:
2.1. Xuất khẩu hàng hoá
Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 năm 2020 ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 01 và tăng 34% so với cùng kỳ tháng 02 năm 2019. Ước chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do trong tháng 2/2020, Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 11,41 tỷ USD, tăng 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,51 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Có thể thấy, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 6%, cao hơn so với tăng trưởng 0,9% của khối doanh nghiệp FDI.
a) Về xuất khẩu các nhóm hàng
- Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản: Kim ngạch xuất khẩu tháng 02/2020 ước đạt 1,39 tỷ USD, giảm 15,1% so với tháng 01/2020 và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 7,48% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 3,03 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chỉ có 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là gạo và sắn (tăng lần lượt là 20,5% và 55,8%).
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, nhóm hàng nông, thủy sản chịu ảnh hưởng rất rõ rệt bởi đây là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam trong tháng 2/2020 đã giảm tới 15,1% so với tháng 1/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm, có 8/9 mặt hàng trong nhóm này có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả giảm 17,4%, thủy sản giảm 17,7%; hạt điều giảm 19,3%, cà phê giảm 9,8%, chè các loại giảm 19,4%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 20,2%, hạt tiêu giảm 18,8%; cao su giảm 24,2%.
- Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản: So với tháng 1/2020, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng giảm mạnh 22,7%, đạt 337 triệu USD. Trong nhóm này, xuất khẩu dầu thô tăng 13,3% về lượng nhưng giảm 12,6% về kim ngạch so với tháng 1/2020. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu xăng dầu các loại cũng giảm mạnh 36,5% so với tháng 1/2019.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nhóm ước đạt 774 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu nhóm hàng này tăng chủ yếu là do xuất khẩu than đá tăng mạnh 220,4% về lượng và 182,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do Bộ Công Thương đã xem xét báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xuất khẩu than năm 2020 sớm hơn các năm trước, do đó các doanh nghiệp trong ngành đã có cơ sở chủ động, tổ chức thực hiện xúc tiến và xuất khẩu than ngay từ đầu năm với các đối tác truyền thống.
- Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến: tháng 2 tăng 4% so với tháng 1/2020, đạt 16 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng tới 55,8% so với tháng 1/2020 do hãng Samsung đã xuất khẩu và bán ra thị trường bộ ba sản phẩm mới là Galaxy S20, S20+, S20 Ultra.
Tính chung 2 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 31,39 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ, chiếm 85,01% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong 2 tháng đầu năm 2019, cả nước có 7 mặt hàng đạt trị giá trên 1 tỷ USD, trong đó đều là các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chính trong nhóm hàng công nghiệp chế biến đều tăng so với cùng kỳ năm 2019. Có thể kể tới như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,3%, giày dép các loại tăng 3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 7,1%, đặc biệt máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng tới 19,6%, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26,7%...
Trong khi đó, những mặt hàng có ghi nhận sự sụt giảm là: Hàng dệt và may mặc giảm 1,7%; xơ, sợi dệt các loại giảm 16,5%; sắt thép các loại giảm 33,9%; sản phẩm từ sắt thép giảm 7,9%...
b) Về thị trường xuất khẩu
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,77 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU đạt 4,98 tỷ USD, giảm 7,7%. Trung Quốc đạt 4,84 tỷ USD, tăng 3,7%. Thị trường ASEAN đạt 3,54 tỷ USD, giảm 9,2%. Nhật Bản đạt 3,19 tỷ USD, tăng 8,9%. Hàn Quốc đạt 2,7 tỷ USD, giảm 6,5%.
2.2. Về nhập khẩu
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 02 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,45 tỷ USD, giảm 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,05 tỷ USD, tăng 3,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 02 tăng 26%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 29,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,7%.
Tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,35 tỷ USD, tăng 2,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,75 tỷ USD, tăng 2,2%.
a) Về nhóm hàng nhập khẩu
- Nhóm hàng cần nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 ước đạt 15,86 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2019. 2 tháng đầu năm 2020 đạt 32,34 tỷ USD, tăng 1,4%. Trong đó có một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, đây là những mặt hàng nhập khẩu phục vụ nhu cầu đầu vào cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp như: dầu thô tăng 21,8%; xăng dầu các loại tăng 22,8%; khí đốt hóa lỏng tăng 41,1%...
- Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 ước đạt 1,216 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Ước 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu của nhóm đạt 2,37 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.
b) Về thị trường nhập khẩu
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,96 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 7,99 tỷ USD, tăng 9%. Thị trường ASEAN đạt 4,48 tỷ USD, giảm 9,6%. Nhật Bản đạt 2,78 tỷ USD, tăng 0,2%. Thị trường EU đạt 2,14 tỷ USD, tăng 3,5%. Hoa Kỳ đạt 2,088 tỷ USD, tăng 13,6%.
2.3. Cán cân thương mại
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại của Việt Nam ước tính nhập siêu 176 triệu USD. Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam) từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam.
Đánh giá chung
- Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.
Những tác động của Covid-19 không chỉ khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường khác. Nguyên nhân là hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam như may mặc, linh kiện điện tử được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
- Xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc trong tháng 2/2020 bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch Covid-19. Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời, song nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tính đến cuối tháng 2/2020, tiến độ thông quan tại một số cửa khẩu chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng, lượng xe vận chuyển hàng hóa cả xuất và nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thấp hơn nhiều so với trước thời điểm dịch bệnh.
- Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới có thể đến từ Hiệp định EVFTA được ký kết và sớm có hiệu lực. Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA, và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD. EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020. Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
3. Về phát triển thị trường trong nước
Tháng Hai là tháng sau Tết Nguyên đán và là tháng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng không sôi động như những tháng trước. Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ 2 tháng đầu năm chịu tác động bởi các yếu tố sau: (i) Dịch bệnh tác động lớn tới các hoạt động đi lại, vui chơi, lễ hội, du lịch... Do vậy sẽ tác động trực tiếp làm giảm sức mua và giảm doanh thu bán lẻ hàng hóa; (ii) Tình hình dịch corona, cộng thêm dấu hiệu của dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn... khiến giá cả một số mặt hàng có thể gia tăng, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch. Điều này đồng thời đã tạo áp lực lên CPI.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhiều mặt hàng dần trở về mặt bằng giá trước Tết; dịch Covid-19 làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây[6].
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2020 ước tính đạt 414,073 nghìn tỷ đồng, giảm 7,9% so với tháng trước và chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 325,2 nghìn tỷ đồng, giảm 6,7% và tăng 8,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,17 nghìn tỷ đồng, giảm 13% và giảm 3,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,28 nghìn tỷ đồng, giảm 21% và giảm 6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,2% và tăng 1,8%.
Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 863,86 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của 2 tháng đầu năm kể từ năm 2014 đến nay[7].
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 673,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,3% của cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng mua sắm; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 94,97 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 7,43 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,8%); doanh thu dịch vụ khác đạt 87,49 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%.
Hiện nay, trước tình hình diễn biễn phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động làm tăng nhu cầu đối với một số mặt hàng liên quan đến việc phòng ngừa dịch bệnh (khẩu trang, dung dịch sát trùng, nước rửa tay…) do ảnh hưởng tâm lý lo ngại dịch bệnh có xu hướng lan rộng. Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay các mặt hàng như nước rửa tay, gel rửa tay khô đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, riêng mặt hàng khẩu trang y tế thì vẫn khan hiếm, một số địa phương quy định số lượng bán hạn chế cho người dân mỗi lần mua hàng tại các hiệu thuốc, một số siêu thị, trung tâm thương mại cũng đưa ra quy định mỗi người chỉ được mua số lượng có hạn để tránh tình trạng mua tích trữ đẩy nhu cầu tăng cao đột biến.
Đối với các hàng hóa thiết yếu khác như lương thực, thực phẩm…, nguồn cung vẫn được bảo đảm: qua theo dõi tổng hợp báo cáo tại các địa phương và kiểm tra tình hình thực tế tại các siêu thị, đến hiện tại nguồn cung các hàng hóa thiết yếu vẫn được bảo đảm, không có hiện tượng khan hiếm hàng, thiếu hàng gây sốt giá.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, đã xuất hiện những ổ dịch mới tại Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước có quan hệ du lịch, thương mại lớn với Việt Nam, dự báo trong thời gian tới nhu cầu các trang thiết bị y tế phòng dịch tiếp tục ở mức rất cao. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung vào các nhiệm vụ kiểm soát ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, vi phạm chất lượng nhằm ổn định thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân về các trang thiết bị y tế và mặt hàng phục vụ phòng chống dịch.
Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế.
Kết quả kiểm tra, xử lý: tính từ ngày 31/01 đến ngày 27/02/2020: Số vụ kiểm tra, giám sát, xử lý của lực lượng Quản lý thị trường: 5.261 vụ. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 1.615.030.000 đồng.
Nguồn: Bocongthuong
[1] Tính đến ngày 01/3/2020, Thế giới đã có 64 quốc gia và vùng lãnh thổ nhiễm vi-rút corona.
[2] Trung Quốc chiếm hơn hai phần ba tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và đóng góp gần 80% ngành du lịch (Washington Post/Fitch).
[3] Trung Quốc hiện chiếm 18% GDP toàn cầu; tính liên kết, kết nối và tùy thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới hiện nay chặt chẽ hơn nhiều, nhất là về kết nối thương mại, đầu tư, du lịch, tài chính, giao thông do Trung Quốc vừa là nguồn cung cấp nguyên liệu cho nhiều nước thế giới, vừa là thị trường tiêu thụ lớn.
[5] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2019 đạt 72,3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 36,1 tỷ USD, tăng 4,1%; nhập khẩu đạt 36,2 tỷ USD, tăng 5,9%.
[6] Tốc độ tăng CPI tháng 02 so với cùng kỳ năm trước của các năm 2014-2020 lần lượt là: 4,65%; 0,34%; 1,27%; 5,02%; 3,15%; 2,64%; 5,4%. Tốc độ tăng CPI bình quân 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2014-2020 lần lượt là: 5,05%; 0,64%; 1,03%; 5,12%; 2,9%; 2,6%; 5,91%.
[7] Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2014-2020 lần lượt là: 13,7%; 11,3%; 9,9%; 9,6%; 10,4%; 12,2%; 8,3%.