Lào Cai có tiềm năng, lợi thế khá toàn diện để phát triển kinh tế không phải địa phương nào cũng có được và tỉnh đang phát huy hiệu quả thế mạnh.
- Phát huy thế mạnh để bứt phá
Lào Cai hiện đã có cơ sở hạ tầng khá thuận lợi cho việc khai thác cơ hội phát triển với vai trò là “cầu nối” trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh rất nhiều tiềm năng, có thể phát triển trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, mậu dịch sôi động hơn trong tương lai giữa thị trường Tây Nam Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN. Bên cạnh đó, Lào Cai còn có thế mạnh về phát triển công nghiệp do sở hữu trên 35 loại khoáng sản, có những loại khoáng sản có trữ lượng rất cao như apatit, sắt...; hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, trong đó khu công nghiệp Tằng Loỏng là khu công nghiệp luyện kim, hoá chất lớn nhất cả nước, tập trung nhiều dự án công nghiệp chế biến lớn. Lào Cai cũng có thế mạnh phát triển du lịch và sản xuất nông nghiệp ôn đới công nghệ cao.
Đặc biệt, môi trường đầu tư, kinh doanh của Lào Cai liên tục trong nhiều năm qua duy trì khá tốt, thuận lợi cho nhà đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Lào Cai (PCI) luôn đứng trong top đầu của cả nước, đứng thứ nhất trong các tỉnh Tây Bắc. Cam kết của chính quyền tỉnh Lào Cai với nhà đầu tư, doanh nghiệp là cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không quá 3 ngày; cấp quyết định chủ trương đầu tư không qua 2/3 thời gian quy định; cấp giấy phép xây dựng không quá 10 ngày; thủ tục thuế, hải quan thuận lợi, nhanh chóng; cung cấp đủ lao động có chất lượng, phù hợp cho các nhà đầu tư; đảm bảo cung cấp nước sạch, nước sản xuất cho doanh nghiệp; hệ thống điện cung cấp 24/24 giờ cho doanh nghiệp; có cơ quan chuyên trách giúp nhà đầu tư giải phóng mặt bằng trong thời gian nhanh nhất; đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài doanh nghiệp…
Một lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Mục tiêu phát triển của Lào Cai đến năm 2025 là trở thành tỉnh phát triển của Vùng trung du miền núi phía Bắc và là tỉnh phát triển khá của cả nước (đứng thứ 20-25 của cả nước). Trong đó, GRDP bình quân đầu người phấn đấu đạt 5.800 - 6000 USD; cơ cấu kinh tế chuyên dịch theo hướng tích cực hơn giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp (9,6%), tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (41,4%) và dịch vụ (49%); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, là tỉnh cơ bản tự cân đối được ngân sách; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt trên 15 tỷ USD; khách du lịch đến Lào Cai đạt trên 12 triệu lượt khách; tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch khoảng 25% trong GRDP của tỉnh .
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới là ưu tiên các dự án chế biến sâu khoáng sản; các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai và các dự án hoạt động trên các ngành công nghiệp phụ trợ, vật liệu mới. Thu hút các dự án phát triển du lịch tại địa phương có nhiều thế mạnh đặc thù, phát triển về du lịch tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, các dự án phát triển dịch vụ tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, khu đô thị thành phố Lào Cai, các dự án trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch tại trung tâm các huyện, thành phố trong tỉnh… Tập trung phát triển các dự án nông nghiệp quy mô sản xuất lớn, công nghệ cao trong chuỗi sản xuất - cung ứng phân phối ổn định trên cơ sở đặc thù khí hậu một số vùng như các dự án nuôi trồng thủy sản nước lạnh, khu chăn nuôi tập trung đại gia súc lớn; trong đó, một số dự án trọng điểm cần tiếp tục thu hút, xúc tiến đầu tư như sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bắc Hà, phát triển cây dược liệu tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương...
2.Tình hình thu hút FDI tỉnh Lào Cai trong 5 tháng đầu năm 2020
Tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, tỉnh Lào Cai đã thu hút được 01 dự án mới và 01 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà ĐTNN, tổng vốn đầu tư đạt 7,65 triệu USD, xếp thứ 38/57 địa phương có thu hút vốn FDI.
Dự án duy nhất được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Lào Cai trong 5 tháng đầu năm là dự án Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến vỏ quế phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại Lào Cai của Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà, tổng vốn đầu tư 2,25 triệu USD của nhà đầu tư Nhật Bản.
3. Tình hình thu hút FDI tại tỉnh Lào Cai lũy kế đến tháng 5/2020
Tính lũy kế đến ngày 20/5/2020, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 31 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 578,7 triệu USD, đứng thứ 44/63 địa phương trên cả nước về thu hút ĐTNN. Quy mô vốn bình quân trên 1 dự án là 18,6 triệu USD, cao hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước là khoảng 11,7 triệu USD.
Trong tổng số 31 dự án FDI còn hiệu lực, có 13 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 392,78 USD (chiếm 67,9% tổng vốn đầu tư đăng ký). Còn lại là một số dự án thuộc các lĩnh vực khác như nghệ thuật, vui chơi và giải trí; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa,....
Hiện nay, đã có 09 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Lào Cai. Dẫn đầu là Trung Quốc với 16 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 419,97 triệu USD (chiếm 72,6% tổng vốn đầu tư đăng ký). Còn lại là một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Singapore, Hàn Quốc,.....
Dự án FDI lớn nhất tại tỉnh Lào Cai tính đến thời điểm báo cáo là dự án, Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt – Trung , cấp GCNĐKĐT năm 2006, tổng vốn đầu tư 337,5 triệu USD. Dự án liên doanh giữa TCT thép Việt Nam, Công ty khoáng sản Lào Cai với Công ty TNHH Khống chế CP Gang thép Côn Minh tại KCN Tằng Loỏng.