BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 26/11/2024
Tin dự án
Tình hình thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Long An
Thứ Hai, 25/05/2020 08:34

Tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, tỉnh Long An đã thu hút được 62 dự án mới, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà ĐTNN đạt 423,15 triệu USD, xếp thứ 8/57 địa phương có thu hút vốn FDI (tăng 77% so với cùng kỳ năm 2019)

1.Tình hình thu hút FDI tỉnh Long An trong 5 tháng đầu năm 2020

Tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, tỉnh Long An đã thu hút được 62 dự án mới, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà ĐTNN đạt 423,15 triệu USD, xếp thứ 8/57 địa phương có thu hút vốn FDI (tăng 77% so với cùng kỳ năm 2019).

- Cấp mới: 62 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 203,62 triệu USD, chiếm 48,1% tổng vốn đầu tư.

- Điều chỉnh:41 lượt dự án, tổng vốn tăng thêm đạt 147,59 triệu USD, chiếm 34,8% tổng vốn đầu tư.

- Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 93 trường hợp, tổng giá trị vốn góp đạt 1,23 tỷUSD, chiếm 71,9% tổng vốn đầu tư.

ĐTNN trong 5 tháng trên địa bàn tỉnh Long An tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (77,5% tổng vốn đầu tư); hoạt động kinh doanh bất động sản (20,1% tổng vốn đầu tư).

Các đối tác đầu tư nhiều nhất trong 5 tháng tại tỉnh Long An là Trung Quốc (32,1% tổng vốn đầu tư); Hồng Kông (26,8% tổng vốn đầu tư).

Dự án lớn nhất được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Long An trong 5 tháng đầu năm là dự án Công ty TNHH Swan Smart Logistic Long An, tổng vốn đầu tư 81,1 triệu USD của nhà đầu tư Hồng Kông, hoạt động kinh doanh bất động sản.

2. Tình hình thu hút FDI tại tỉnh Long An lũy kế đến tháng 5/2020

Theo thông tin từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến ngày 20/5/2020, trên địa bàn tỉnh Long An hiện có 1.214 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,22 tỷ USD, đứng thứ 12/63 địa phương trên cả nước về thu hút ĐTNN. Quy mô vốn bình quân trên 1 dự án là 6,7 triệu USD,  thấp hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước là khoảng 11,7 triệu USD.

Trong tổng số 1.214 dự án FDI còn hiệu lực có tới 1.089 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới gần 6,3 tỷ USD (chiếm 76,3% tổng vốn đầu tư đăng ký). Còn lại là một số dự án thuộc các lĩnh vực khác như vận tải kho bãi, cấp nước và xử lý chất thải,....

Hiện nay, đã có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Long An. Dẫn đầu là Đài Loan với 184 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,5 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký). Đứng thứ hai là Hàn Quốc với 220 dự án và 1,18 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư đăng ký). Đứng thứ ba là Hồng Kông với 88 dự án, vốn đăng ký 1,08 tỷ USD (chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư đăng ký). Còn lại là một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ,.....

Dự án FDI tiêu biểu nhất tại tỉnh Long An tính đến thời điểm báo cáo là dự án Khu công nghệ Môi trường xanh (Green Technology Park), cấp GCNĐKĐT năm 2015, tổng vốn đầu tư 450 triệu USD. Dự án liên doanh với nhà đầu tư Hoa Kỳ, hoạt động trong lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải.

Long An hiện nay là địa phương dẫn đầu vùng ĐBSCL về thu hút ĐTNN, chiếm 29,87% tổng vốn đăng ký. Tiếp theo lần lượt là Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh,...

3. Một số thế mạnh và hạn chế đối với việc thu hút ĐTNN tại tỉnh Long An

* Thế mạnh:

- Vị trí thuận lợi: là tỉnh duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp gần như trọn vẹn TP.HCM, lại có hệ thống giao thông như Quốc lộ 1, Quốc lộ N2, Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành,… kết nối thuận lợi vùng kinh tế Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Long An được coi là tỉnh có vị trí đắc địa nhất khu vực Tây Nam bộ.

- Long An còn có thế mạnh về giao thông thủy, góp phần giảm tải cụm cảng tại TP.HCM và giảm chi phí vận chuyển cho DN khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Long An vừa có cảng biển, vừa có cửa khẩu quốc tế biên giới đất liền tiếp giáp Vương quốc Campuchia, với đường biên giới dài gần 133km, gồm Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) và Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ).

- Quỹ đất công nghiệp dồi dào, hạ tầng hoàn chỉnh để nhà đầu tư đến triển khai dự án nhanh chóng, thuận lợi. Hiện tỉnh có 31 khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch với diện tích 11.391,07ha. Long An luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về mặt bằng, địa điểm, hạ tầng để nhà đầu tư đến triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh một cách nhanh chóng, thuận lợi.

- Môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng. Năm 2016, tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện, các thủ tục hành chính đều được tập trung giải quyết tại đây, việc hướng dẫn, nhận và trả kết quả hồ sơ được thực hiện tại một đầu mối duy nhất.

* Hạn chế:

- Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhà đầu tư.

- Các dự án FDI còn tập trung nhiều vào các ngành hàng thâm dụng lao động như dệt may, da giày..., ít dự án đầu tư ngành hàng sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao.

- Chưa có nhiều tập đoàn quy mô lớn, thương hiệu nổi tiếng đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.

4.Nhiệm vụ và giải pháp nhằm thu hút FDI của tỉnh Long An trong thời gian tới.

- Bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước về định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn tới. Tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản; tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị.

- Tiếp tục phát huy tốt những lợi thế của tỉnh, thực hiện định hướng phát triển KT-XH thời gian tới, Long An tập trung mời gọi đầu tư hợp tác từ các doanh nghiệp FDI vào các lĩnh vực như: Công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đô thị vệ tinh và dịch vụ hậu cần cảng. Đây là những lĩnh vực mà tỉnh có nhiều lợi thế thu hút đầu tư.

- Thu hút có chọn lọc các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy DN trên địa bàn tỉnh tham gia vào quá trình sản xuất, hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm quản lý,…

- Cần dành nguồn lực đầu tư mạnh hơn nữa vào đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ thông tin, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện dự án sau đăng ký…

- Xây dựng cơ chế, quy trình, danh mục các dự án cụ thể để thu hút vốn từ các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm về tài chính và chuyên môn tham gia đầu tư đối tác công - tư (PPP);

- Rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các dự án đang triển khai để thúc đẩy giải ngân.

Số lượt đọc: 2326
Thông báo