BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 24/12/2024
Tình hình đầu tư
Hiệp định VKFTA có tác động như thế nào đến quan hệ đâu tư Việt Nam - Hàn Quốc
Thứ Năm, 20/04/2017 02:13
Hiệp định VKFTA có tác động như thế nào đến quan hệ đâu tư  Việt Nam - Hàn Quốc

Với lộ trình giảm thuế theo cam kết của KVFTA và những chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã và sẽ áp dụng, một số ngành như ngành năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo tại Việt Nam sẽ có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và khả năng Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư FDI trong nhiều năm tới

PHỎNG VẤN PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC ĐẦU TƯ NƯƠC NGOÀI NGUYỄN NỘI 

Câu 1: Ông đánh giá thế nào về đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian vừa qua? Đâu là điểm nhấn trong quan hệ đầu tư giữa hai nước trong những năm qua?

            Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế các dự án còn hiệu lực tính đến 12/4/2017, Hàn Quốc có gần 6.000 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt trên 54 tỷ USD. Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam tập trung tới trên 70% vốn đầu tư đăng ký vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên nhất trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam, đóng góp quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta. Hiện nay, FDI của Hàn Quốc đã được trải rộng trên 53 tỉnh, thành trong cả nước, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các địa phương như Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng và Hà Nội vẫn là những địa phương đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, với tổng đầu tư đăng ký vượt trội  tương ứng 8,97 tỷ USD, 5,5 tỷ USD; 5,4 tỷ USD và 5,3 tỷ USD.

Nói về điểm nhấn trong quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tôi cho rằng Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp khoảng 30% giá trị xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam (khu vực FDI đóng góp 70% giá trị xuất khẩu cả nước). Năm 2016, riêng Samsung xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, chiếm khoảng 22% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện và môi trường đầu tư thông thoáng cho các nhà tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc, như việc miễn thị thực nhập cảnh trong 15 ngày. Do đó các doanh nhân Hàn quốc có thể dễ dàng đến Việt Nam tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ngoài các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Daewoo, SK, Lotte đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc cũng đã và đang tăng cường đầu tư và đầu tư thành công tại Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn. Các doanh nghiệp Hàn Quốc được đánh giá là các nhà đầu tư làm ăn nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật, đầu tư với hiệu quả cao và có nhiều đóng góp cho Việt Nam.Theo xu thế phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước trong 20 năm qua, chúng ta có thể tin tưởng vững chắc rằng quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

2.Hiện nay đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực nào, thưa Ông? So với 5 năm trước, đầu tư Hàn Quốc có sự chuyển dịch nào không, thưa Ông?

 Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu, với 3.487 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư trên 39 tỷ USD; chiếm 72,7% tổng số dự án và 72,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2, tuy nhiên số lượng dự án và tổng số vốn đầu tư đăng ký có khoảng cách rất xa so với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; với chỉ với 106 dự án đầu tư và số vốn đăng ký là 7,4 tỷ USD (chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam).

Có thế nhận thấy rằng, so với 5 năm trước, đầu tư của Hàn Quốc có sự chuyển biến khá rõ rệt theo lĩnh vực. Tỷ trọng vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên rõ rệt. Cụ thể là nếu như giai đoạn 2006 – 2010 Hàn Quốc có 1.659 dự án với tổng vốn 17,8 tỷ USD, trong đó lĩnh vực CN chế biến chế tạo chiếm 50,2%, tiếp theo là lĩnh vực Bất động sản 31,4% thì giai đoạn 5 năm sau đó 2011 – 2017 số lượng dự án cũng như vốn đầu tư đã tăng gần gấp đôi với 3440 dự án, vốn đầu tư 30,3 tỷ USD, trong đó lĩnh vực CN chế biến chế tạo chiếm tới 84,6% vốn đầu tư, lĩnh vực Bất động sản chỉ còn 5,4%. Một trong những nguyên nhân của việc dịch chuyển này là do có đóng góp lớn của SamSung với rất nhiều dự án quy mô rất lớn hàng tỷ USD trong 5 năm gần đây. 

3. Xin Ông cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) có tác động như thế nào đối với quan hệ đầu tư giữa hai nước?  

Hiệp định KVFTA có hiệu lực vào cuối năm 2015 và việcTrung tâm Hỗ trợ KVFTA được thành lập vào tháng 3/2016 đã tác động rất tích cực tới các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ tư của Hàn Quốc, trong khi, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 54 tỷ USD. Tôi tin rằng, đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới còn tăng vì có nhiều công ty muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhiều tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, như Samsung hoặc LG. Đặc biệt, năm 2016 và đầu năm 2017, nhiều công ty vệ tinh của Hàn Quốc đã đăng ký và đầu tư vào Việt Nam tham gia cung cấp thiết bị, linh kiện phụ trợ cho Samsung và LG.

Hiệp định KVFTA đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, có thể thấy, các dự án của Hàn Quốc tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực trọng tâm, như công nghiệp chế biến, kinh doanh bất động sản, công nghiệp xây dựng. Với lộ trình giảm thuế theo cam kết của KVFTA và những chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã và sẽ áp dụng, một số ngành như ngành năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo tại Việt Nam sẽ có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và khả năng Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư FDI trong nhiều năm tới.

4. Xin Ông cho biết định hướng của Việt Nam trong thu hút đầu tư từ Hàn Quốc trong thời tới? Việt Nam có những chính sách gì để thu hút đầu tư từ Hàn Quốc trong thời gian tới?

            Việt Nam mong muốn thu hút ĐTNN nhưng không phải chấp nhận tất cả các dự án. Định hướng của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, khuyến khích các dự án công nghệ cao, công nghệ xanh, thân thiện môi trường để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, điện, điện tử, công nghệ thông tin, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo, y tế và phát triển hạ tầng ...

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tạo môi trường đầu tư và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc để hoạt động hiệu quả hơn tại Việt Nam.Bên cạnh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, Việt Nam cũng đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Việc tham gia các hiệp định song phương và đa phương tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư  nước ngoài nói chung và nhà đầu tư của Hàn Quốc nói riêng.

Về các giải pháp thu hút FDI đối với Hàn Quốc trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa nhằm cung cấp thông tin, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam. Tôi cũng tin rằng, sự thành công của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam đang khuyến khích nhiều hơn các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đến Việt Nam, để Hàn Quốc luôn giữ vị trí hàng đầu về đầu tư tại Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn coi trọng các nhà đầu tư Hàn Quốc và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư của Hàn Quốc hoạt động, kinh doanh lâu dài, ổn định và thành công tại Việt Nam./.

 

 

 

 

 

Số lượt đọc: 1581
Thông báo