BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 15/09/2024
Tình hình đầu tư
Cần thu hút FDI có chọn lọc
Thứ Ba, 04/04/2017 11:00
Cần thu hút FDI có chọn lọc

Cần tập trung thu hút các dự án FDI có giá trị gia tăng cao và có tính lan toả, có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và có nhiều đóng góp khác cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước

Câu hỏi 1: Xin Bộ trưởng cho biết đánh giá tổng quan về tình hình ĐTNN năm 2016 và định hướng trong năm 2017.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:

 Tình hình thu hút và giải ngân vốn FDI trong năm 2016 vẫn đạt kết quả khả quan. Vốn đầu tư thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, số dự án cấp mới và số lượt dự án tăng vốn cũng có tăng trưởng tốt, cụ thể số dự án cấp mới là 2.556 dự án tăng 27%, số lượt dự án tăng vốn là 1225 tăng 50,5%.

 Tính đến ngày 26 tháng 12 năm 2016 cả nước có 2.556 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 15,18 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và bằng 97,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Có 1.225 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,76 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và bằng 80,3% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ.

 Cũng trong năm 2016, có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện với tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD.

 Như vậy, tính chung đến ngày 26/12/2016,  tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD.

 Trong năm 2016, số dự án cấp mới và tăng vốn vẫn tăng mạnh so với năm 2015. Về vốn đầu tư đăng ký và tăng thêm có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2015 do trong năm 2016 không có nhiều dự án quy mô lớn được cấp GCNĐKĐT (năm 2016 chỉ có một dự án có quy mô trên 1 tỷ USD, đó là Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display Co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư). Đồng thời theo dự kiến năm 2016 có 2 dự án lớn là dự án điện BOT Nghi Sơn 2, vốn 2,5 tỷ USD và dự án điện Vũng Áng 2, vốn 2,5 tỷ USD được cấp GCNĐKĐT, tuy nhiên 2 dự án này không có khả năng cấp phép trong năm nay mà phải sang năm 2017. Trong khi trong năm 2015 chỉ tính riêng các dự án quy mô trên 1 tỷ USD đã đóng góp tới 6,6 tỷ USD.

 Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tuy tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng, chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Khu vực đầu tư nước ngoài đang có mức xuất siêu (bao gồm cả dầu thô) trên 23,7 tỷ USD.

 Cơ cấu đầu tư cũng có sự chuyển biến tích cực, phần lớn các dự án FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với 1.002  dự án đầu tư đăng ký mới và 846 lượt dự án điều chỉnh vốn và 283 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 15,38 tỷ USD, chiếm 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả năm. Số dự án cấp mới và mở rộng quy mô và tỷ trọng dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao là những tín hiệu tích cực, cho thấy những nỗ lực cải cách của ta đang đúng hướng, phần nào phát huy hiệu quả. 

 Dự kiến năm 2017, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động và sự cạnh tranh trong thu hút ĐTNN đang diễn ra ngày càng gay gắt, chúng ta thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đưa ra nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư và quyết liệt trong khâu thực thi... Chính vậy, tôi cho rằng dòng vốn FDI sẽ tăng trong năm 2017 và các năm tới.

 Câu hỏi 2: Chủ trương của Chính phủ là thu hút FDI có chọn lọc. Theo ông có những khó khăn gì trong việc thực thi?

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:

 Theo Nghị quyết 103/NQ-CP (29/08/2013) của Chính phủ, chúng ta cần hoàn thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn này vào Việt Nam với chất lượng, hiệu quả cao hơn.

 Tuy nhiên môi trường đầu tư vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bao gồm những thách thức đã tồn tại nhiều năm nếu Việt Nam muốn cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Hiện Việt Nam đang chọn lựa những dự án đầu tư có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, và ít ô nhiễm môi trường hơn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng Việt Nam chưa thực sự tốt, thủ tục hành chính chưa cũng còn nhiều bất cập vì thế sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm sút.

 Chủ trương của Chính phủ Việt Nam là hạn chế các dự án thâm dụng lao động, thay bằng những dự án công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng nhưng sự sẵn sàng về nguồn lao động cho các lĩnh vực này lại rất yếu. Mặt khác, một khi quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp chưa được bảo vệ tốt, việc cung cấp điện không đảm bảo  thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ không dám đưa công nghệ vào.

Thời gian vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xây dựng hoặc sửa đổi một số đạo luật quan trọngnhư Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã,..., góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn, tạo khung pháp lý sát với chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được thì vẫn còn một số khó khăn, thách thức, tập trung vào 2 nhóm vấn đề bao gồm  khâu thực thi pháp luật và sự không tương thích giữa Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp với các luật chuyên ngành khác như đất đai, môi trường, xây dựng, nhà ở, bất động sản, thuế. Việc có nhiều thay đổi các luật trong những năm gần đây cũng khiến nhà đầu loay hoay trong quá trình đầu tư vào Việt Nam.

 Với một số vấn đề còn tồn đọng liên quan đến kinh tế và môi trường đầu tư, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt nhiều thách thức trong việc thu hút FDI. Tôi cho rằng việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và môi trường đầu tư Việt Nam nói riêng sẽ là điều kiện tiên quyết thu hút được nhiều hơn nữa các dự án FDI có chất lượng cao.

 Câu hỏi 3: Theo Bộ trưởng, trong bối cạnh hội nhập,nhiều khả năng Mỹ muốn rút khỏi TPP. Việc này tác động như thế nào đối với Việc thu hút FDI vào Việt Nam.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:

 Cần phải nhìn nhận rằng, tiến trình hội nhập và những cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục diễn ra dù có TPP hay không. Trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: 'Chúng ta còn nhiều hiệp ước kinh tế khác, đảm bảo quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Không tham gia TPP hay có tham gia TPP, thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế”. Bên cạnh TPP, Việt Nam có rất nhiều hiệp định khác đã và đang được ký kết như FTA với các đối tác khác, như: Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hiệp định tự do ASEAN. Không có TPP, chính phủ Việt Nam vẫn cải cách. Tôi xin khẳng định việc này không ảnh hưởng đến việc thu hút FDI vào Việt Nam.  

 Thêm vào đó, việc thu hút các dự án FDI có chất lượng phụ thuộc vào thể chế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong khi đó, thách thức cũng không nhỏ bởi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp. Do đó, về giả thuyết, nếu TPP mất đi vẫn còn một số điểm có lợi cho Việt Nam. Chúng ta sẽ có khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị cho các hiệp định chung.

 Riêng đối với Hoa Kỳ, nếu không có TPP thì quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng còn những nền tảng khác, như: Hiệp định thương mại song phương BTA và những cam kết thông qua WTO. Việc thu hút FDI của các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng không vì thế mà ảnh hưởng.

Câu hỏi 4: Xin ông cho biết những chủ trương chính sách và những giải pháp cụ thể của chúng ta như thế nào để thu hút những dự án FDI có chất lượng trong thời gian tới?

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:  

Để thu hút được các dự án có chất lượng, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu như: có giá trị gia tăng cao, có tính lan toả, có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có nhiều đóng góp khác cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chúng ta cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao; ban hành các tiêu chuẩn để hạn chế, ngăn chặn các dự án kém chất lượng.

 

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, cần huy động mọi nguồn lực để thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhanh chóng triển khai hiệu quả phương thức đầu tư theo hình thức PPP cũng như cần triển khai việc đào tạo lao động theo nhu cầu doanh nghiệp.

 Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng.... để làm căn cứ thu hút FDI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo việc thực thi các quy hoạch này như: phải có kế hoạch đầu tư hạ tầng, cung cấp điện, nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực,... Làm tốt công tác quy hoạch sẽ giúp thu hút được dự án FDI có chất lượng, theo đúng trọng tâm, trọng điểm và định hướng.

 Thứ tư, cải thiện khâu thực thi pháp luật: tăng cường năng lực bộ máy thực thi của các địa phương. Cải cách  thủ tục và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan với việc thực thi không đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý địa phương để có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời.

 Thứ năm, đổi mới phương thúc xúc tiến đầu tư thông qua các Quỹ đầu tư, Ngân hàng, Công ty tài chính, các công ty Luật, công ty tư vấn nước ngoài... vì đây là những đối tác có vai trò quan trọng trong việc ra quyết định của nhà đầu tư. Đồng thời, chú trọng hoạt động XTĐT tại chỗ thông qua việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của nhà đâu tư hiện hữu để làm minh chứng về hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư mới. Đặc biệt việc XTĐT cũng cần tập trung chú trọng vào các dự án FDI có chất lượng, đạt mục tiêu phát triển nền kinh tế bền vững; nói không với những dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiệm môi trường và công nghệ lạc hậu.

 Thứ sáu, tăng cường đối thoại với nhà đầu tư. Tiếp tục triển khai đối thoại chính sách với các nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam. Triển khai tốt Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản và các mô hình hỗ trợ nhà đầu tư như đối thoại chính sách Keidanren, Japan Desk, Korea Desk, Ichi Desk,…..

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Số lượt đọc: 1016
Thông báo