BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 09/01/2025
Tình hình đầu tư
Bình Dương: Thu hút vốn FDI tăng mạnh
Thứ Năm, 18/12/2014 11:53
Bình Dương: Thu hút vốn FDI tăng mạnh

Sáng nay 17-12, UBND tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới và điều chỉnh với tổng vốn cam kết trên 204 triệu đô la Mỹ, giúp việc thu hút vốn FDI của tỉnh trong năm nay tăng trên 65% so với kế hoạch.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, phần lớn các dự án được cấp phép và tăng vốn đầu tư trong đợt này có quy mô vốn không lớn nhưng tập trung những dự án công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng và lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư. 

Cụ thể trong đợt trao giấy chứng nhận đầu tư này có đến 7 dự án mới hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như cơ khí, sản phẩm nhựa, xi mạ, khuôn đúc, ốc vít cho các ngành ô tô-xe máy, điện tử, giày da, dệt may...

Như Công ty cổ phần công nghiệp PHK của các nhà đầu tư Đài Loan và Hồng Kông hợp tác đầu tư với số vốn 7 triệu đô la Mỹ để xây nhà máy tại khu công nghiệp Sóng Thần 3. Nhà máy sẽ sản xuất ốc, vít, đinh vít; các chi tiết liên quan sản xuất khuôn mẫu, sản xuất phụ tùng ô tô, xe gắn máy, linh kiện điện tử, máy vi tính bằng kim loại, nhựa, ... với công suất 9.600 tấn sản phẩm/năm.

Đáng lưu ý là những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ hiệu quả trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng tăng cường mở rộng đầu tư với 6 dự án tăng vốn trong đợt này. Trong đó, Công ty TNHH Ngũ Kim Rui Zhan VN tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên tăng thêm 9 triệu đô la Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư lên thành 15 triệu đô la Mỹ để sản xuất ngũ kim, sản phẩm nhựa, khuôn mẫu, linh phụ kiện liên quan đến nhựa và khuôn mẫu...

Đối với các nhà sản xuất hàng thực phẩm và tiêu dùng nước ngoài, đầu tư vào Việt Nam không chỉ có một thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà có thể xuất đi nhiều nước khác trong khu vực vì có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Công ty TNHH Bel Việt Nam của Pháp chẳng hạn, đã tăng vốn đầu tư thêm 18 triệu đô la Mỹ lên thành 25 triệu đô la Mỹ, nâng công suất sản xuất lên gấp 3 lần so với hiện nay.

Theo ông Francois Pons, Giám đốc dự án nhà máy mới của Công ty Bel Việt Nam, sản phẩm pho mát và các sản phẩm khác từ sữa của Bel tại khu công nghiệp Sóng Thần 3 lâu nay tiêu thụ nội địa rất tốt. Việc tăng công suất này của Bel là nhằm đáp ứng hơn nhu cầu thị trường trong nước và bắt đầu kế hoạch xuất khẩu đi các nước ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương. 'Chúng tôi sẽ phát triển nhà máy tại Bình Dương như một trung tâm sản xuất chính ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương', ông Pons nói.

Việc ký kết các hiệp định song phương, đa phương của Việt Nam sắp tới cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài để họ quyết định tăng vốn mở rộng đầu tư.

Công ty Poong In Vina của Hàn Quốc chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm may mặc sẽ tăng thêm 4 triệu đô la Mỹ để xây dựng nhà máy thứ 5 tại Bình Dương. Theo bà Eris Hong, Tổng giám đốc Công ty Poong In Vina, hiện nay sản phẩm của công ty làm ra chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Việc tăng vốn đầu tư này là nhằm đón đầu cơ hội Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Bà Hong cho biết, kế hoạch của Pooing In Vina là xây tiếp nhà máy thứ 6 và thứ 7 trong thời gian ngắn tới.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực dịch vụ, ông Sachin Somaiah Appaiah, Phó Tổng giám đốc của Công ty TNHH Molenbergnatie Việt Nam ở khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A, cho biết công ty ông tăng thêm 4 triệu đô la Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư lên 21 triệu đô la Mỹ để xây dựng và vận hành kho ngoại quan và kho hàng hóa, cung cấp dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa cho doanh nghiệp. Ông Appaiah cho rằng khách hàng của công ty ông chủ yếu là những doanh nghiệp trong ngành cà phê, ca cao, lúa gạo, hạt điều... Và đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Trong đợt trao giấy phép đầu tư này, tỉnh Bình Dương cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp trong nước với số vốn đăng ký hơn 444 tỉ đồng.

Theo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong năm 2014, tỉnh đã thu hút được tổng cộng 1,655 tỉ đô la Mỹ vốn FDI, với 151 dự án đầu tư mới (số vốn đầu tư là 812 triệu đô la Mỹ) và 126 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư (với số vốn là 843 triệu đô la Mỹ), tăng 65,5% kế hoạch cả năm 2014, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng vị trí thứ 3 cả nước, sau Thái Nguyên và TPHCM.

Về thu hút đầu tư trong nước, tỉnh Bình Dương đã thu hút được gần 12.000 tỉ đồng vốn đăng ký kinh doanh, với 2.055 doanh nghiệp đăng ký mới và 377 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn kinh doanh trong năm 2014.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.375 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư là 20,38 tỉ đô la Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước chỉ có 5 địa phương đạt số vốn đầu tư vượt mốc 20 tỉ đô la Mỹ gồm TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương.



Hùng Lê

Số lượt đọc: 312
Thông báo