1. Tình hình cấp GCNĐT:
Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 20 tháng 3 năm 2014 cả nước
có 252 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn
đăng ký là 2,046 tỷ USD, bằng 61,4% so với cùng kỳ năm 2013. Đến 20 tháng 3 năm 2014, có 82 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn
đăng ký tăng thêm là 1,287 tỷ USD, bằng 39,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính chung trong Quý I năm 2014, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm
là 3,334 tỷ USD, bằng 50,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Số
vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ năm 2013 là do trong Quý I
năm 2013 có một số dự án rất lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư (dự án Cty
TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD;
dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn điều chỉnh tăng vốn 2,8 tỷ USD).
Theo lĩnh vực đầu tư:
Trong Quý I năm 2014 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15
ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu
hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 141 dự án đầu tư đăng
ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 2,332 tỷ USD, chiếm
69,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp
mới và tăng thêm là 288,3 triệu USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là
lĩnh vực xây dựng với 20 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và
tăng thêm là 226,7 triệu USD.
Theo đối tác đầu tư:
Trong Quý I năm 2014 có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự
án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và
tăng thêm là 765,6 triệu USD, chiếm 22,9%
tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư
đăng ký cấp mới và tăng thêm là 414,3 triệu USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư; British
Virgin Islands đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng
thêm là 382,3 triệu USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư:
Trong Quý I năm 2014 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 31
tỉnh thành phố, trong đó Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất
với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 788,8 triệu USD, chiếm 23,66%
tổng vốn đầu tư đăng ký. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới
và tăng thêm là 709,8 triệu USD, chiếm 21,3%. Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng số
vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 427,5 triệu USD.
Một
số dự án lớn được cấp phép trong Quý I năm 2014 là:
-
Dự án Công ty TNHH Bệnh viện quốc tế
Đại An Việt Nam – Canada với tổng vốn đầu tư đăng ký 225 triệu USD do Canada
đầu tư với mục tiêu thành lập bệnh viện đa khoa và các dịch vụ y tế liên quan tại Hải Dương.
- Dự án Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn
Electrics điều chỉnh tăng vốn đầu tư 210 triệu USD. Đây là dự án do Nhật Bản
đầu tư ở Bình Dương với mục tiêu sản xuất, lắp ráp các loại linh kiện cho máy
bán dẫn.
- Dự án khu chung cư phường 22 Quận
Bình Thạnh với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD do Hồng Kông đầu tư với mục
tiêu xây dựng căn hộ ở kết hợp chung tâm thương mại.
- Dự án Công ty TNHH Worldon Việt Nam
với tổng vốn đầu tư đăng ký 140 triệu USD, do British Virgin Islands đầu tư tại
TP Hồ Chí Minh với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.
- Dự án Công ty TNHH Shing Mark Vina
với mục tiêu sản xuất gia công chế biến các sản phẩm trang trí nội thất tại
Đồng Nai điều chỉnh tăng vốn 130 triệu USD.
2.Tình hình hoạt động:
Vốn
thực hiện:
Trong Quý I năm 2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã
giải ngân được 2,850 tỷ USD, tăng 5,6% với cùng
kỳ năm 2013.
Tình hình xuất, nhập khẩu:
Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu
thô) trong Quý I năm 2014 dự kiến đạt 22,469 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ
năm 2013 và chiếm 67,38% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN Quý
I năm 2014 đạt 18,553 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 57,37%
tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong Quý I năm 2014, khu vực ĐTNN xuất
siêu 3,916 tỷ USD.
Số liệu kèm theo: FDI 3.2014.xls