BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Tình hình đầu tư
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2023
Thứ Ba, 16/01/2024 03:45
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2023

Tính đến 20/12/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Tính đến 20/12/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2023, cả nước có 39.140 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng 468,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 297,2 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Thông tin chi tiết như sau:

I. VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

1. Tình hình thu hút ĐTNN năm 2023

1.1. Tình hình hoạt động

Vốn thực hiện:

Tính tới 20/12/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng nhẹ 0,6 điểm phần trăm so với 11 tháng năm 2023.  

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Xuất khẩu: Xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực ĐTNN ước đạt gần 258,8 tỷ USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ, chiếm 73,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 256,9 tỷ USD, giảm 6,1%, chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt hơn 210 tỷ USD, giảm 9,9% so cùng kỳ và chiếm 64,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm trong năm 2023, khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu gần 48,8 tỷ USD kể cả dầu thô và gần 46,9 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 21,9 tỷ USD.

1.2. Tình hình đăng ký đầu tư

Tính đến 20/12/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà ĐTNN hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và GVMCP tăng mạnh hơn so với cùng kỳ. Cụ thể:

Đầu tư mới: Có 3.188 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (tăng 56,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 20,19 tỷ USD (tăng 62,2% so với cùng kỳ).

Điều chỉnh vốn: Có 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 14% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD (giảm 22,1% so với cùng kỳ).

Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp: Có 3.451 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 3,2% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 8,5 tỷ USD (tăng 65,7% so với cùng kỳ).

Cơ cấu vốn ĐTNN năm 2023 theo tháng

 và theo cách thức đầu tư vốn

    (Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục I kèm theo).

  Theo ngành:

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) gần 1,56 tỷ USD (gấp gần 27 lần). Còn lại là các ngành khác.

Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 33,7%) và điều chỉnh vốn (chiếm 54,8%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch GVMCP (chiếm 41,5%).

Cơ cấu ĐTNN năm 2023 theo ngành

 

Theo đối tác đầu tư:

Trong năm 2023, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Hồng Kông đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,68 tỷ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,...

Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,2%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,9%) và GVMCP (chiếm 27,8%).

Cơ cấu ĐTNN năm 2023 theo đối tác

 

Theo địa bàn đầu tư:

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2023. TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về vốn đầu tư thu hút được với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,85 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2022[1]. Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,26 tỷ USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 66,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình,…

          Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (37,7%), số lượt dự án điều chỉnh (23,5%) và GVMCP (67,1%).

Cơ cấu ĐTNN năm 2023 theo địa phương

 

(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục II kèm theo).

2. Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài năm 2023.

- Vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN tăng so với cùng kỳ (3,5%). Sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện sản xuất kinh doanh.

- Tổng vốn đầu tư đăng ký tăng mạnh và đạt mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, tăng 32,1% so với cùng kỳ và tăng 17,3 điểm phần trăm so với 11 tháng.

- Vốn đầu tư mới tăng mạnh cả về vốn đầu tư (tăng 62,2%) cũng như số dự án đầu tư mới (tăng 56,6%), tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút ĐTNN (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. Riêng 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.

- Vốn đầu tư điều chỉnh dù vẫn giảm so với cùng kỳ song mức giảm đã được cải thiện hơn[2]. Dù giảm về vốn, song số dự án điều chỉnh vốn vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ (tăng 14%) khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

- Các nhà đầu tư đến từ Châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn về tổng vốn đầu tư (Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan). Riêng 6 đối tác này đã chiếm hơn 81,4% tổng vốn đầu tư của cả nước trong năm 2023.

- Xuất khẩu của khu vực ĐTNN tuy giảm song mức xuất siêu ngày càng tăng. Lượng xuất siêu của khu vực ĐTNN bù đắp phần nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước. Với mức xuất siêu gần 48,8 tỷ USD kể cả dầu thô và gần 46,9 tỷ USD không kể dầu thô, khu vực ĐTNN đã bù đắp phần nhập siêu hơn 21,9 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, là bệ đỡ giúp cả nước xuất siêu khoảng 26,9 tỷ USD.

3. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới 20/12/2023

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2023, cả nước có 39.140 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 468,92 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 297,2 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

- Theo ngành: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 283 tỷ USD (chiếm 60,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 68 tỷ USD (chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với hơn 40,67 tỷ USD (chiếm gần 8,7% tổng vốn đầu tư).

- Theo đối tác đầu tư: Đến nay, hiện có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam[3]. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 85,87 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 74,52 tỷ USD (chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.

- Theo địa bàn: ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với hơn 57,63 tỷ USD (chiếm gần 12,3% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Hà Nội với 41,17 tỷ USD (chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư); Bình Dương với gần 40,4 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư).

 (Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục III kèm theo)



[1] Vốn đầu tư của TP HCM chủ yếu theo phương thức GVMCP, chiếm gần 73,3% tổng vốn đầu tư của HCM trong năm 2023.

[2] Vốn điều chỉnh năm 2023 giảm 22,1%, tốt hơn so với mức giảm 32,1% trong 11 tháng và mức giảm 39% trong 10 tháng).

[3] Mới bổ sung dự án đầu tư mới của Côte d'Ivoire, nâng tổng số đối tác có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt lên 144 đối tác thay vì 143 đối tác như lũy kế đến tháng 11/2023.

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 14856

File đính kèm:

Thông báo