BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Số liệu FDI hàng tháng
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 11 tháng năm 2022
Thứ Ba, 22/11/2022 04:57
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 11 tháng năm 2022

Tính đến 20/11/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,4 điểm phần trăm so với 10 tháng và tăng 10,3 điểm phần trăm so với 9 tháng. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa - chính trị toàn cầu song cũng đang dần được cải thiện, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng 18,9%. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước

1. Tình hình ĐTNN 11 tháng năm 2022

1.1. Tình hình hoạt động

Vốn thực hiện:

Tính tới 20/11/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Xuất khẩu: Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt hơn 255,1 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, chiếm 74,5% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 252,9 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, chiếm 73,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt hơn 217,5 tỷ USD, tăng 10,2 % so cùng kỳ và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 11 tháng năm 2022, khu vực ĐTNN xuất siêu gần 37,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 35,4 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 28,5 tỷ USD.

 

1.2. Tình hình đăng ký đầu tư

Tính đến 20/11/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,4 điểm phần trăm so với 10 tháng. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm song đã được cải thiện, vốn đầu tư điều chỉnh vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể:

Vốn đăng ký mới: Có 1.812 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (tăng 14,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 11,5 tỷ USD (giảm 18% so với cùng kỳ, tăng 5,7 điểm phần trăm so với 10 tháng).

Vốn điều chỉnh: Có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD (tăng 18,9% so với cùng kỳ).

Góp vốn, mua cổ phần: Có 3.298 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 4,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,08 tỷ USD (giảm 7% so với cùng kỳ).

   

Theo ngành:

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt gần 2,26 tỷ USD và gần 1,03 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.

Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,9%, 24,5% và 16,5% tổng số dự án.

   Theo đối tác đầu tư:

Đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ 2021[1]; Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư, tăng 24,4% so với cùng kỳ[2]. Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư[3]. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đan Mạch.

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhiều nhất trong 10 tháng năm 2022 (chiếm 20,7% số dự án mới, 33,2% số lượt điều chỉnh và 34,1% số lượt GVMCP).

 

Theo địa bàn đầu tư:

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng năm 2022. TP Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,54 tỷ USD, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,03 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn, tăng 44,9% so với cùng kỳ. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,19 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn và tăng gần 88,9% so với cùng kỳ năm 2021[4]. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên.

Về số dự án mới, các nhà ĐTNN tiếp tục tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (44,5%), số lượt GVMCP (67,3%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (16,5% sau Hà Nội là 17,9%).

 

2. Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài trong 11 tháng năm 2022.

- Vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 11 tháng năm 2022 tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Điều chỉnh vốn đầu tư của nhà ĐTNN vẫn duy trì tăng trong 11 tháng. Mức tăng (18,9%) là tín hiệu khẳng định niềm tin của nhà ĐTNN đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu của nhà ĐTNN. Quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tăng 4,9% so với cùng kỳ[5]. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn[6] trong 11 tháng năm 2022.

- Vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng tuy giảm so với cùng kỳ nhưng đã được cải thiện hơn so với các tháng trước[7]. Nếu không tính 02 dự án lớn[8] trong 11 tháng năm 2021 (là các dự án đã được đàm phán trong cả thời gian dài 7-8 năm trước đó) thì vốn đầu tư đăng ký mới 11 tháng năm 2022 tăng 19,3% so với cùng kỳ. Số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng hơn so với các tháng đầu năm. Một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang nghiên cứu, tìm hiểu và dự kiến sẽ triển khai các dự án đầu tư trong thời gian tới. Thị trường toàn cầu đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa - chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.

- Mức tăng xuất khẩu của khu vực ĐTNN trong 11 tháng năm 2022 tuy giảm nhẹ so với 10 tháng, song mức xuất siêu của khu vực này có xu hướng tăng lên[9]. Với mức tăng cao, khu vực ĐTNN đã bù đắp được phần nhập siêu gần 28,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu 9,1 tỷ USD trong 11 tháng (cao hơn so với mức xuất siêu 7,7 tỷ USD trong 10 tháng).

3. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới 20/11/2022

Tính lũy kế đến ngày 20/11/2022, cả nước có 36.109 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 437,52 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 271,3 tỷ USD, bằng 62% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

- Theo ngành: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 259,2 tỷ USD (chiếm 59,2% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với gần 66,2 tỷ USD (chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 38,3 tỷ USD (chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư).

- Theo đối tác đầu tư: Đến nay đã có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 80,8 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 70,75 tỷ USD (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, ...

- Theo địa bàn: các nhà ĐTNN đã có mặt ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với gần 55,8 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với gần 39,6 tỷ USD (chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 38,6 tỷ USD (chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư).



[1] Vốn đầu tư Singapore giảm do trong 11 tháng năm 2021 Singapore có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD (riêng dự án này đã chiếm khoảng 41% vốn đầu tư của Singapore trong 11 tháng năm 2021).

[2] Vốn đầu tư của Nhật Bản tăng do có dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD.

[3] Vốn đầu tư Hàn Quốc chủ yếu là vốn đầu tư mở rộng dự án hiện hữu (chiếm tới 66,4% số vốn).

 

[4] Vốn đầu tư của Quảng Ninh tăng mạnh do có dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD.

 

[5] Quy mô điều chỉnh vốn bình quân 10 tháng/2022 đạt hơn 9,6 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn so với con số này trong cùng kỳ năm 2021 là 9,1 triệu USD/lượt điều chỉnh.

[6] Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; dụ án công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD; dự án Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn 267 triệu USD.

[7] Vốn đầu tư đăng ký mới 11 tháng giảm 18% so với cùng kỳ, nhỏ hơn mức giảm 23,7% trong 10 tháng, mức 43% trong 9 tháng và các mức giảm tương đối lớn trong các tháng đầu năm.

[8] Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD và dự án nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD.

[9] 11 tháng năm 2022, khu vực ĐTNN xuất siêu 37,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 35,4 tỷ USD không kể dầu thô, cao hơn so với mức xuất siêu 33,7 tỷ USD cả dầu thô và gần 32 tỷ USD không kể dầu thô trong 10 tháng.

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 6020

File đính kèm:

Thông báo