BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 22/12/2024
Vùng, Thông tin
Đồng Nai: "Khám phá" trung tâm công nghiệp hỗ trợ hiện đại
Thứ Năm, 13/01/2022 02:30
Đồng Nai: "Khám phá" trung tâm công nghiệp hỗ trợ hiện đại

Tại Đồng Nai có một trung tâm công nghiệp hỗ trợ khá hiện đại nằm trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch). Khu vực này có khoảng 50 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài và chuyên sản xuất linh kiện cho máy móc, thiết bị, máy tính, điện tử…

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, năm 2015, Tập đoàn Forval (Nhật Bản) đã hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa thành lập Công ty CP Phát triển DN nhỏ và vừa Nhật Bản (JSC) với mục đích xây dựng nhà xưởng và kết nối đưa các DN Nhật Bản nhỏ và vừa đến tỉnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Đến đầu năm 2022, khu vực trên đã thu hút gần 40 DN nhỏ và vừa Nhật Bản đầu tư.

* Công nghệ hiện đại

Đa số DN nước ngoài đến thuê nhà xưởng của JSC sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp quan trọng trên thế giới như: máy bay, tàu vũ trụ, máy tính, xe ô tô, máy công nghiệp, dược phẩm… Hầu hết các nhà máy tại đây đều đáp ứng được yêu cầu của tỉnh trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động.

Tại trung tâm công nghiệp hỗ trợ này, nhiều DN ứng dụng các loại máy móc công nghệ tiên tiến bậc nhất trên thế giới để sản xuất các sản phẩm cung ứng cho những tập đoàn FDI tại Việt Nam và xuất khẩu. Trong đó, có những DN chỉ sử dụng hơn 10 lao động nhưng sản xuất ra hàng triệu sản phẩm/năm. Nhiều dây chuyền sản xuất được tự động hóa nên chỉ cần 1-2 người lao động theo dõi, vận hành.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (100% vốn Nhật Bản) thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2 cho biết: “Năm 2015, công ty đến thuê khu nhà xưởng của JSC để lắp đặt dây chuyền sản xuất và năm 2016 chính thức đi vào hoạt động. Đa số các công đoạn sản xuất đều được sử dụng máy móc nên toàn bộ nhà máy chỉ có 32 lao động làm việc. Mặt hàng mà công ty sản xuất là các loại van chống nổ cho các máy công nghiệp, ngành dầu khí, máy bay, tàu vũ trụ…”. Kaneko là nhà máy sản xuất van hiện đại hàng đầu thế giới và sản phẩm bán cho hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Do ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại nên các DN trong khu vực trên có thể sản xuất những sản phẩm cao cấp theo đơn đặt hàng cho những máy móc, thiết bị ứng dụng công nghệ 4.0 ở các nhà máy khác tại Việt Nam và trên thế giới.

Tương tự, Ông Trần Bá Tuấn, Quản lý Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam (Nhật Bản) cho hay: “Chúng tôi chuyên sản xuất các chi tiết máy công nghiệp, nông nghiệp từ hợp kim nhôm theo đơn đặt hàng của các DN trong nước và nước ngoài. Trong đó, có nhiều chi tiết cho các máy móc công nghiệp có ứng dụng công nghệ 4.0. Sản phẩm của công ty chủ yếu là xuất khẩu sang Nhật Bản và một số nước trên thế giới”.

* Luôn nâng cao chất lượng sản phẩm

Có nhiều DN trong trung tâm công nghiệp hỗ trợ trên thuộc các tập đoàn FDI nổi tiếng trên thế giới và nhà máy tại Đồng Nai được đánh giá là hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Trong quá trình sản xuất, các nhà máy trên liên tục nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên thế giới.

Theo đại diện của Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries, DN sản xuất các linh kiện từ sợi carbon cho ngành ô tô, xe máy trên thế giới. Đây là những ngành luôn có sự thay đổi và nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao nên buộc các sản phẩm của công ty liên tục thay đổi, nâng cao chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, công ty chủ động nghiên cứu để đưa ra các dòng sản phẩm cao cấp để tìm thêm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần xây dựng thương hiệu trên toàn cầu.

Đồng Nai là địa phương có ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ thuộc loại lớn của cả nước. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 21,8 tỷ USD thì trong đó có gần 14 tỷ USD thuộc về các DN công nghiệp hỗ trợ. Các nhà máy sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được DN ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại nên chỉ cần diện tích nhỏ và sử dụng ít lao động, nhưng đòi hỏi lao động phải có tay nghề cao.

Ông Nguyễn Minh Trung, Tổng giám đốc Công ty JSC chia sẻ: “Khu nhà xưởng của JSC khoảng 18ha, hiện đã cho 50 DN FDI thuê để lắp đặt máy móc sản xuất và đa số trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ lấp đầy của khu nhà xưởng là 70%, nhiều DN FDI chỉ thuê từ 500-1.000m2 nhà xưởng để làm nhà máy, nhưng có thể sản xuất hàng triệu sản phẩm/năm để bán cho thị trường nội địa và xuất khẩu qua nhiều quốc gia trên thế giới”.

Xu hướng của nhiều DN FDI trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là ứng dụng máy móc công nghệ để giảm bớt lao động nhưng vẫn đảm bảo công suất, chất lượng tăng cao nên doanh thu, lợi nhuận đem lại rất lớn. Đây cũng là mục tiêu của tỉnh trong thu hút dòng vốn FDI thời gian qua và những năm tới.

Theo baodongnai.com.vn
Số lượt đọc: 1390
Thông báo