BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Vùng, Thông tin
Tăng trưởng năm 2021 của 5 thành phố trực thuộc trung ương
Thứ Tư, 05/01/2022 05:21
Tăng trưởng năm 2021 của 5 thành phố trực thuộc trung ương

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, sản xuất bị định trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, các chỉ số chính của nền kinh tế sụt giảm, sức mua của người dân giảm mạnh, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, đến những tháng cuối năm 2021, với chiến dịch tiêm chủng thần tốc, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao[1], kinh tế Việt Nam đã có những phục hồi tích cực.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2021 tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, đưa tốc độ tăng GDP năm 2021 của Việt Nam lên 2,58%. Nhiều địa phương mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, duy trì phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh, xã hội. Cả nước có 54 địa phương tăng trưởng GRDP cao hơn năm trước và 9 địa phương tăng trưởng âm.

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 dẫn đầu cả nước, đạt 12,38% và là 1 trong 2 tỉnh, thành phố có tăng trưởng đạt hai con số[2]. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước nhưng GRDP của Hà Nội chỉ tăng 2,92%, xếp vị trí thứ 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đà Nẵng duy trì tăng trưởng dương nhưng với mức tăng nhẹ 0,18%. Tăng trưởng GRDP của Cần Thơ giảm 2,79% và Thành phố Hồ Chí Minh giảm 6,78%, thấp nhất cả nước.

GRDP của Hà Nội năm 2021 ước tính tăng 2,92% so với năm 2020, thấp hơn mức tăng trưởng 4,18% của năm 2020. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 3,85%, đóng góp 0,87 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP toàn Thành phố. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn mặc dù sản xuất cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là các ngành sản xuất, xuất khẩu sản phẩm và sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện nhập khẩu. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%, đóng góp 0,07 điểm %. Khu vực dịch vụ tăng 2,71%, đóng góp 1,72 điểm phần trăm, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây do các ngành, lĩnh vực như: Du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, xuất nhập khẩu, vui chơi, giải trí…. chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tính tăng 2,19%, đóng góp 0,25 điểm % mức tăng chung.

Mặc dù dẫn đầu cả nước với tốc độ tăng GRDP nhưng kinh tế thành phố Hải Phòng cũng chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, nhiều chỉ tiêu đều thấp hơn kế hoạch đề ra. Trong mức tăng trưởng 12,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,49%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 19,04%, đóng góp 9,85 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,13%, đóng góp 1,96 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,21%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, là động lực tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng với mức tăng 22,46%, đóng góp 9,35 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Các ngành chủ lực như: sản xuất thiết bị tự động, sản xuất điện thoại và linh kiện, sản xuất xe máy điện, sản xuất ô tô, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng duy trì mức tăng cao trong năm 2021.

Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong quý III/2021, khi dịch bùng phát mạnh tại địa phương. Trong mức tăng 0,18% của toàn nền kinh tế thành phố Đà Nẵng, duy nhất có khu vực dịch vụ tăng 1,24%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,38%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 2,13%, làm giảm 0,45 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 1,44%, làm giảm 0,15 điểm phần trăm.

Tăng trưởng GRDP năm 2021 của Cần Thơ giảm 2,79% so với năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,12%, đóng góp 0,13 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 0,79%, đóng góp 0,40 điểm phần trăm;
khu vực công nghiệp và xây dựng giảm mạnh 10,70%, làm giảm 3,31 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,16%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm.

Kinh tế – xã hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 suy giảm nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước với mức giảm 6,78% so với năm trước, trong đó quý III giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ (chiếm 64,3% GRDP của thành phố), giảm 5,5% so với năm trước, làm giảm 3,41 điểm phần trăm trong tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế Thành phố; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,96%, làm giảm 3,24 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 13,68%, làm giảm 0,07 điểm phần trăm; thuế sản phẩm giảm 0,43%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm.

Năm 2021, trước những khó khăn, thách thức mới chưa từng có, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo kịp thời để phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép “đẩy lùi bệnh dịch và phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam năm 2022 được phục hồi trong bối cảnh bình thường mới.

[1] Tính đến ngày 27/12/2021, đối với dân số từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 98,8% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 88,5%. Đối với dân số từ 12-17 tuổi, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 81% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 43,5%.

[2] Đứng vị trí thứ 2 là Quảng Ninh với tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt 10,28%.

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 1628
Thông báo