Các diễn giả tại phiên trao đổi thứ nhất của Hội nghị ‘Gặp gỡ Hàn Quốc 2022’ vừa diễn ra tại Thanh Hóa.
Đầu tháng 3/2022, Công ty TNHH đầu tư Capella Quảng Bình (Capella Quảng Bình), thành viên của Công ty cổ phần bất động sản Capella (Capella Land) đã đề xuất lên UBND tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Cam Liên, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.840 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 300 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 – 2028.
Dù chưa rõ đề xuất này của Capella Quảng Bình có được chấp thuận hay không nhưng nếu được thông qua, đây sẽ là dự án hạ tầng quan trọng tạo sức bật mới cho Quảng Bình trong tương lai. Bởi hiện nay, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã thành lập trên địa bàn tỉnh đạt 60,58% trong khi nhu cầu đầu tư vào Quảng Bình của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ngày một gia tăng.
Điều đáng nói, không riêng Quảng Bình, các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An hay Hà Tĩnh mới đây cũng đồng loạt ban hành các quyết định điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện có.
Nhiều khu công nghiệp mở rộng quy hoạch
UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp số 17, 11 và 5 thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn. Theo đó, Thanh Hóa đã bổ sung thêm 2.000 ha đất công nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai (các khu công nghiệp 17, 11 và 5 có diện tích lần lượt là 782 ha, 567 ha và 567,42 ha).
Theo quy hoạch, cả ba dự án đều có tính chất là khu công nghiệp đa ngành, với các ngành nghề chủ yếu là công nghiệp cơ khí, lắp ráp động cơ và kho trung chuyển; bổ sung loại hình công nghiệp phụ trợ phục vụ lọc hoá dầu, chế tạo, vật liệu xây dựng; các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng R&D, các khu khởi nghiệp gắn với trung tâm giáo dục và đào tạo.
Tại Nghệ An, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Kế hoạch (số 812) nhằm triển khai thực hiện “Đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000 ha; trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000 ha, đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An; Quy hoạch phát triển 10 - 12 Khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế với diện tích tự nhiên khoảng 4.500 ha.
Dự kiến, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 19.912 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khoảng 1.050 tỷ đồng; nguồn vốn từ doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển khoảng 17.838 tỷ đồng, nguồn vốn khác (ODA, PPP...) khoảng 1.024 tỷ đồng.
Hay như Hà Tĩnh cũng vừa có quyết định số 390/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp trung tâm lô CN4, CN5 Khu kinh tế Vũng Áng. Theo đó, khu vực lập quy hoạch có diện tích gần 1.236 ha, thuộc phường Kỳ Thịnh, phường Kỳ Long và xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh). Sau khi hoàn thành, đây sẽ là khu công nghiệp tập trung với quy mô lớn, thu hút các loại hình công nghiệp hiện đại, sử dụng công nghệ cao như công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô; thiết bị và linh kiện cho ô tô áp dụng công nghệ cao...
Hứa hẹn nhiều dự án quy mô ‘khủng’
Không phải tự nhiên các tỉnh Bắc Trung Bộ đều mở rộng quy hoạch khu công nghiệp. Lý giải về việc phê duyệt quy hoạch, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ, việc thu hút đầu tư phải được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với các cực thu hút đầu tư là Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, trong đó ưu tiên khu công nghiệp gồm: VSIP Nghệ An (Tập đoàn VSIP), WHA Industrial Zone 1 (WHA IZ 1) - Nghệ An (Tập đoàn Hemaraj Thái Lan) và Hoàng Mai I (Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt).
“Các khu công nghiệp được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại này sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng”, ông Trung nhấn mạnh.
Từ một “vùng trũng” về thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay đã có những doanh nghiệp FDI có quy mô lớn quan tâm vào đầu tư tại Nghệ An. Cùng với Goertek (doanh nghiệp đã rót 500 triệu USD vào tỉnh), nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã rót hàng trăm triệu USD vào Nghệ An như Luxshare ICT ( 140 triệu USD), Ju Teng (200 triệu USD) hay Everwin Precision Việt Nam (200 triệu USD)… Điều đáng nói, đây đều là những dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông minh và ô tô năng lượng mới.
“Với việc các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang không ngừng mở rộng đầu tư vào các hoạt động sản xuất tại Nghệ An, chỉ trong một thời gian ngắn nữa khi các nhà máy chính thức đi vào hoạt động đồng loạt, Nghệ An đang dần trở thành “cứ điểm” sản xuất mới của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Trung nhận định.
Được xem là cực tăng trưởng mới, nguồn vốn đổ vào Thanh Hóa dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới nhất là sau khi Quốc hội thông qua thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thanh Hóa. Với hơn 14,71 tỷ USD thu hút FDI (tính đến tháng 2/2022), Thanh Hóa hiện xếp thứ 8/63 tỉnh thành cả nước thu hút vốn nhiều nhất và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, với nền tảng sẵn có và chuỗi giá trị mà các doanh nghiệp lớn và vệ tinh đã tạo dựng tại địa phương, nguồn vốn FDI đổ vào Thanh Hóa sẽ khá ổn định. Hơn nữa, gần đây, với sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, linh kiện điện tử… nguồn vốn vào Thanh Hóa có thể bật tăng mạnh mẽ khi tỉnh đón được “đại bàng”.
Trong khi đó, Quảng Bình cũng đang nỗ lực rất lớn để mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng tới đây trong tương lai. Dù mới thu hút 1,12 tỷ USD nhưng Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng trong thu hút đầu tư. Đặc biệt, với tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” thông qua 10 cam kết đối với nhà đầu tư cùng nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình hy vọng những tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình dần được hiện thực hóa trong thời gian sớm nhất.
“Dự án Cụm trang trại điện gió B&T đã hoàn thành 60 trụ tua-bin chỉ trong 10 tháng, trong điều kiện rất khó khăn do tác động của dịch bệnh. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự thay đổi theo hướng tích cực của chính quyền tỉnh Quảng Bình theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Thắng nhấn mạnh.