Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13. Danh mục chỉ tiêu này đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thực hiện trong thời kỳ 2016-2020... Do số lượng chỉ tiêu giảm so với trước, nên việc thu thập tổng hợp, công bố nhanh hơn, chính xác hơn, nghiêng về chất lượng hơn… nên đã đáp ứng được nhu cầu thông tin tốt hơn.Kết quả tích cực đó đã góp phần làm cho “ngũ giác” mục tiêu (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán, thất nghiệp, môi trường) của Việt Nam trong thời kỳ 2016-2020 phù hợp với thực tế hơn, làm cho các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025), chiến lược 10 năm (2021-2030) vừa thể hiện quyết tâm cao, vừa có tính khả thi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện hành còn có một số hạn chế. Đó là một số chỉ tiêu thống kê chưa thật cần thiết hoặc không còn cần thiết trong điều kiện mới cần được bỏ bớt; một số chỉ tiêu thống kê do thiếu tính khả thi trong thực tế cũng cần thiết phải loại bỏ; một số chỉ tiêu thống kê về tên gọi hoặc nội hàm không phù hợp thực tiễn hay chuẩn mực quốc tế cũng cần được sửa đổi. Quan trọng hơn là cần bổ sung những chỉ tiêu phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn và xu hướng phát triển mới của đất nước như chỉ tiêu kinh tế số, logistics, đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia, mức độ ứng dụng công nghệ (chữ ký số), các chỉ tiêu thể hiện năng lực cạnh tranh quốc gia; các chỉ tiêu thống kê liên quan đến phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia…
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tại phiên họp tháng 9/2021 vừa qua, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã dự thảo báo cáo Chính phủ về việc tiếp thu giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã khẩn trương tổng hợp và gửi công văn số 6303/BKHĐT-TCTK xin ý kiến 9 bộ, ngành về danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Tính đến ngày 30/9 đã có 6/9 bộ, ngành có văn bản trả lời.
Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện gồm 186 chỉ tiêu phản ánh 20 lĩnh vực. Tuy nhiên, để "nâng cấp" danh mục chỉ tiêu thống kê bắt nhịp với thực tiễn đời sống kinh tế, Tổng cục Thống kê có bổ sung, sửa đổi một số chỉ tiêu liên quan tới bảo hiểm, chứng khoán; kinh tế số; an toàn xã hội; bảo vệ môi trường; và giáo dục. Theo đó, chỉ tiêu thống kê quốc gia đến nay đã hoàn thiện với 222 chỉ tiêu, tăng thêm 36 chỉ tiêu so với danh mục hiện hành. Việc xây dựng và bổ sung các chỉ tiêu này dựa trên nguyên tắc phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước (những chỉ tiêu có phạm vi, mức độ ở tầm quốc gia); bảo đảm tính khả thi; bảo đảm so sánh quốc tế.
Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bộ ngành nhằm rà soát, thống nhất chỉ tiêu vào danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia tại hội thảo về tên chỉ tiêu, nội dung chỉ tiêu..., Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ tiêu để đáp ứng tối đa yêu cầu của các bộ ngành cũng như các tổ chức quốc tế.