Những mục tiêu phấn đấu
UBND tỉnh Hậu Giang cho hay do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn...
Cùng với cả nước, Hậu Giang triển khai các biện pháp quyết liệt, nghiêm ngặt để kiểm soát dịch và đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới; đồng thời dự báo tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 (mục tiêu đã đề ra tăng trưởng từ 6,5 - 7%/năm).
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai những giải pháp phù hợp nhằm vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang.
Kế hoạch lần này phấn đấu đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo nền tảng tăng trưởng vững chắc cho những năm tiếp theo. Hậu Giang đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 4,45 - 6,5%; GRDP bình quân đầu người 57 triệu đồng/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 16.900 tỉ đồng; tổng thu nội địa 4.010 tỉ đồng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đến 31.12.2021 giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt từ 95 - 100% kế hoạch giao đầu năm; khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; tập trung vào doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực có khả năng dẫn dắt, tạo động lực phục hồi nhanh, bền vững cho nền kinh tế…
Nông dân Hậu Giang thu hoạch cá tra phục vụ chế biến xuất khẩu
Các định hướng hoạt động
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh yêu cầu toàn tỉnh bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, giảm thiểu số ca nhiễm bệnh trong cộng đồng; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội để kinh tế phục hồi theo hướng bền vững. Hậu Giang tiếp tục mở rộng và bảo vệ chặt chẽ “vùng xanh” nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động. UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư công, kết nối liên hoàn các chuỗi cung ứng, tăng khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trước các cú sốc của nền kinh tế; nới lỏng, cho phép mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư công được hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19; việc mở cửa được thực hiện có lộ trình, tăng dần tỷ lệ; thực hiện công tác quản lý bằng quy định chung, không ban hành thêm các loại giấy phép con… “Giai đoạn 1 của kế hoạch này diễn ra đến ngày 31.12.2021 nhằm triển khai những giải pháp tập trung cần làm ngay, chặt chẽ, linh động, thận trọng nhưng không cứng nhắc, vừa làm vừa nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện nhanh nhất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nông hộ trên địa bàn tỉnh sớm quay lại sản xuất kinh doanh; chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Giai đoạn 2 (từ đầu năm 2022 trở về sau) sẽ đánh giá những nội dung đã triển khai trong giai đoạn 1, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện những giải pháp đã thực hiện trong giai đoạn 1, từng bước tiến đến khôi phục hoàn toàn hoạt động kinh tế trong điều kiện bình thường mới…”, ông Đồng Văn Thanh thông tin.