Tham dự chương trình có: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng; Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Binu Jacob; ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam..
Thưa Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, các con số thu hút đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2021 nói lên thông điệp nhất quán của Chính phủ trong việc tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư khắc phục khó khăn của dịch bệnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh, quan điểm đó càng được khẳng định đúng không, thưa bà?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc: Chúng tôi khẳng định thông điệp và chủ trương nhất quán đó của Chính phủ. Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt, luôn nỗ lực hành động vì một mục tiêu cao nhất là phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa phòng, chống dịch và triển khai hoạt động với phương châm như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Lợi ích thì chúng ta phải hài hòa, rủi ro thì chúng ta chia sẻ.
Chúng tôi cũng thấy rằng, ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ có trách nhiệm với Chính phủ, chính quyền địa phương, hỗ trợ người dân, cộng đồng trong cuộc chiến với COVID-19 bằng nhiều hình thức.
Các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.
Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong thời điểm khó khăn này, quan điểm đó càng được khẳng định. Con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021 đã nói lên điều đó. Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định tính hiệu quả trong giải pháp đồng hành, hỗ trợ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cho rằng những khó khăn, vướng mắc chỉ mang tính nhất thời.
Mặc dù có nhiều khó khăn, gần đây Tập đoàn Nestle vẫn có quyết định tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam, với khoản đầu tư mới trị giá hơn 130 triệu USD. Ông có thể chia sẻ về quyết định này?
Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob: Tác động của đại dịch COVID-19 từ năm ngoái đến nay làm cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức. Doanh nghiệp của chúng tôi cũng gặp phải nhiều vấn đề do tác động của đợt dịch bệnh lần này đến từ nhu cầu tiêu dùng giảm, vấn đề an toàn tại nơi làm việc, thiếu nhân công và nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng. Có khoảng 1.200 nhân viên của chúng tôi đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” đồng thời áp dụng nghiêm ngặt nguyên tắc 5K tại nhà máy của Nestlé Việt Nam hơn 2 tháng qua. Việc này đã gây ra nhiều thách thức đối với khâu vận hành cũng như gây ảnh hưởng lên các nhân viên tại đây, dẫn đến chi phí tăng và năng suất lao động giảm. Một số địa phương áp dụng nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch cũng gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng của chúng tôi.
Đặt trong một bối cảnh như thế, chúng tôi đã đề ra chiến lược gồm 3 ưu tiên chính, đó là: 1) Sự an toàn của nhân viên, 2) Bảo đảm tính liên tục trong kinh doanh và 3) Thực hiện các chương trình và hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng, chống đại dịch.
Hơn hết, chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu & khu vực và chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam. Việt Nam đang được xem là trung tâm sản xuất các mặt hàng điện tử và may mặc, da giày cho thế giới. Vậy thì chúng tôi tự đặt ra câu hỏi làm cách nào để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng thực phẩm và thức uống đóng gói cho cả thế giới vì với lực lượng lao động giỏi tay nghề và tinh thần làm việc cống hiến, hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam được ghi nhận đang nằm trong nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả thị trường mà tập đoàn Nestlé đang có mặt.
Tập đoàn Nestlé tiếp tục đầu tư 132 triệu USD trong hai năm để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và để trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và Australia.
Với tầm nhìn trên, nhà máy Nescafé Trị An đặt tại Đồng Nai sẽ trở thành một trong những nhà máy cà phê lớn nhất trên thế giới chuyên cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường các nước phát triển, có thể kể là Nhật Bản, các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu.
Trong bối cảnh COVID-19 còn nhiều khó khăn và thách thức, liệu rằng Samsung Việt Nam sẽ có những thay đổi trong chiến lược đầu tư và kinh doanh tới đây không? Nếu có, những thay đổi ấy là gì?
Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho: Samsung Việt Nam đã không thay đổi chiến lược kinh doanh do đại dịch COVID-19. Như trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư rất phức tạp tại Bắc Ninh và Bắc Giang, Samsung đã gặp phải nhiều khó khăn trong sản xuất điện thoại di động nhưng nhờ sự hỗ trợ toàn diện của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương cũng như nhờ các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, chúng tôi đã khắc phục được khó khăn.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện chính sách 3 tại chỗ, vì vậy Samsung đã có thể duy trì sản xuất mà không phải đóng cửa nhà máy. Ban quản lý Khu công nghiệp của Bắc Ninh cũng đã hỗ trợ toàn diện để các chuyên gia Hàn Quốc của công ty có thể nhập cảnh nhanh chóng, nên chúng tôi đã không gặp trở ngại nào về phát triển và sản xuất hàng hoá.
Trên cơ sở là sự tự tin tích luỹ được sau khi khắc phục những khủng hoảng này cùng với sự tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, chúng tôi đang liên tục mở rộng đầu tư. Cho đến thời điểm hiện tại, Samsung đã giải ngân toàn bộ vốn đầu tư đã được phê duyệt và hằng năm, chúng tôi vẫn duy trì đầu tư bổ sung hàng trăm triệu USD.
Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến tiếp tục đầu tư nhằm mục tiêu ổn định vận hành nhà máy, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Cụ thể, hằng năm chúng tôi vẫn đang đầu tư thiết bị sản xuất cho 6 nhà máy và đa dạng hoá các hạng mục sản xuất như thiết bị 5G hay máy tính xách tay.
Như phần đầu tôi cũng đã đề cập, nếu như trước đây Samsung đầu tư chủ yếu vào dây chuyên sản xuất thì trong thời gian tới chúng tôi sẽ nâng cao vị thế kinh doanh tại Việt Nam của công ty lên một tầm cao mới, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược thông qua việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Lãnh đạo các bộ, địa phương có thông điệp gì gửi tới các nhà đầu tư nước ngoài?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc: Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài bắt đầu từ năm 1986, đến nay đã trải qua hơn 30 năm. Đảng, Nhà nước đều xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế. Chính sách của Đảng, Nhà nước hướng tới, xuyên suốt là xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thông điệp tôi muốn nói tới ở đây là bên cạnh tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 thì cũng đem đến cho chúng ta cơ hội. Về phía Nhà nước, các cơ quan của Chính phủ, đây là dịp để chúng ta hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Tư pháp cũng đang phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng dự thảo dự án Luật dùng một luật để sửa nhiều luật, tiếp tục theo hướng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh để loại bỏ hoặc điều chỉnh những quy định không còn phù hợp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường.
Qua đại dịch cũng là cơ hội để chúng ta phát triển các ngành mới, đó là kinh tế số, các ngành dược, nâng cao cơ sở y tế , nâng cao nguồn nhân lực… Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, đây là thời điểm doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc lại doanh nghiệp trên nền tảng số thông qua chuyển đổi số, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và mạnh dạn đổi mới, thích ứng với công nghệ. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm tới các nhà đầu tư nước ngoài./.