BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 25/11/2024
Hội thảo, diễn đàn, triển lãm
PPP là chìa khóa phát triển cơ sở hạ tầng
Thứ Năm, 27/03/2014 02:30

Chiều ngày 14/11, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã diễn ra Đối thoại chính sách song phương Việt Nam - Nhật Bản về kết cấu hạ tầng lần 2 với chủ đề Hướng đến thúc đẩy đối tác công tư (PPP) trong hoàn thiện hạ tầng. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki chủ trì Đối thoại.

Đề cao vai trò của tư nhân trong xây dựng hạ tầng

 

Phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, Nhật Bản hiện là quốc gia hàng đầu hỗ trợ Việt Nam phát triển kết cấu hạ tầng. Tất cả công trình kết cấu hạ tầng lớn của Việt Nam đều mang dấu ấn của Nhật Bản. Việt Nam mong muốn Chính phủ Nhật Bản tiếp tục dành sự quan tâm lĩnh vực xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam.

 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, trước đây vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng cơ sở chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trước nhu cầu vốn không ngừng tăng lên (với ước tính nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 154 tỷ USD), thì kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân là rất cần thiết. Vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện về mặt thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực này.

 

Đồng tình với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki đánh giá, nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng là vô hạn nên bên cạnh nguồn vốn ngân sách, Việt Nam cần thu hút nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là thu hút đầu tư tư nhân. Trong đó, để thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư tư nhân, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho khu vực này. Quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách cần quan tâm đến vấn đề chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân cũng như những ưu đãi trong đầu tư.

 

Ông Tanizaki Yasuaki nhấn mạnh, để phát triển kết cấu hạ tầng hiệu quả, Việt Nam cần quan tâm 3 vấn đề trọng tâm, đó là đề cao tính thông tin của dự án; sử dụng và thu hút hiệu quả vốn tư nhân; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong ngắn hạn các dự án đang đầu tư. 

 

Thúc đẩy PPP để hoàn thiện hạ tầng

 

Một khảo sát đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các doanh nghiệp Nhật Bản do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thực hiện cho thấy, vấn đề cản trở lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam là hạ tầng kém phát triển. Trong khi đó, đầu tư của khu vực tư nhân nước ngoài vào cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam do các vấn đề trong hình thành dự án. 

 

Tuy nhiên, JBIC đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy hình thức PPP, đặc biệt gần đây là thành lập Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức PPP do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và việc thành lập Văn phòng PPP thuộc Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT để làm cơ quan đầu mối của Chính phủ về PPP, tạo cơ chế “một cửa” về PPP. 

 

Theo thống kê của JBIC, nhu cầu hoàn thiện hạ tầng Việt Nam trong trung và dài hạn rất lớn. Tổng số tiền đầu tư cần thiết từ năm 2011 đến năm 2015 là 108 tỷ USD. Do các dòng vốn vay chính thức giảm xuống nên các dự án cần được cung cấp tài chính thông qua vay tư nhân. Vì thế, phát triển khu vực tư nhân thông qua PPP và các hình thức đầu tư có sự tham gia của tư nhân khác như BOT là chìa khóa để đáp ứng những nhu cầu hạ tầng quan trọng của Việt Nam.

Đồng thời, trong khuôn khổ Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn 4, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của tổ chức Keidanren cũng đã thống nhất nỗ lực thực hiện nội dung “Thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng với sự tham gia của khu vực tư nhân” (WT6). Qua thảo luận về WT6, có 4 vấn đề lớn cần xem xét trong thời gian tới nhằm thúc đẩy PPP. Đầu tiên là đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ bởi vì trong các dự án hoàn thiện hạ tầng, doanh thu thường là tiền VND, nhưng đa phần doanh nghiệp vay và mua máy thiết bị bằng USD, trong khi việc chuyển đổi giữa VND và USD phụ thuộc vào tình hình thị trường ngoại hối nên có lúc việc chuyển đổi gặp khó khăn. Thứ hai là giải quyết rủi ro về thiếu hụt nhu cầu vì có khả năng con số ước tính tại thời điểm khảo sát và nhu cầu thực tế là khác nhau tùy vào sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, lưu lượng giao thông, nhất là trong điều kiện nguồn thu từ phí sử dụng là duy nhất để hoàn vốn. Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần đứng ra gánh rủi ro này hoặc có chính sách đảm bảo doanh thu tối thiểu. Thứ ba là những rủi ro thay đổi cơ chế pháp luật vì doanh nghiệp tư nhân không thể gánh những rủi ro do sửa đổi luật, thay đổi thuế suất… Thứ tư là chuẩn bị đấu thầu, cần tham khảo ý kiến một cách đầy đủ với các phía tham dự thầu khi xây dựng điều kiện đấu thầu. 

 

Đặc biệt, JBIC nhấn mạnh từ trước đến nay, thông qua các hình thức đối thoại, nhiều nước đã khắc phục được sự khác biệt trong nhận thức, cũng như kỳ vọng của Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân về vấn đề phân chia một cách phù hợp đối với rủi ro và trách nhiệm, từ đó thực hiện được mục tiêu hoàn thiện hạ tầng. Vì thế, trong thời gian tới, điều quan trọng là Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì đối thoại một cách tích cực với các bên tham gia dự án, nhất là khu vực tư nhân

Số lượt đọc: 733
Thông báo